Những thoáng dịu dàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi rất thích câu ngạn ngữ Nga: “Nếu có 2 cái bánh mì, tôi sẽ bán 1 cái để mua hoa hồng, vì tâm hồn cũng cần phải được ăn uống”. Câu nói thể hiện nhu cầu cân bằng hài hòa giữa vật chất và tinh thần trong đời sống con người.

Một ngày mùa đông, trên chuyến bay trở về sau chuyến công tác, trong dòng người xếp hàng chờ làm thủ tục, tôi để ý thấy một chị loay hoay ôm bó hoa rất to trên tay. Chị rất kiên nhẫn để có thể mang được bó hoa lên máy bay và giữ cẩn thận suốt hành trình.

Tôi đã hình dung đến niềm hạnh phúc của người phụ nữ ấy, khi chị mang được bó hoa về nhà, cẩn thận mở từng lớp giấy gói, nâng từng cành hoa trên tay, cắt tỉa rồi cắm vào những chiếc bình xinh xắn hoặc có thể tặng những người bạn của mình sau chuyến đi xa…

Thoáng dịu dàng chợt lướt qua khiến lòng tôi vui như thể chính mình là người đang tận hưởng niềm hạnh phúc rất đỗi nhỏ bé ấy.

Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều chị em phụ nữ luôn ưu tiên chọn áo dài để mặc trong những dịp lễ lạt, hội hè. Ảnh: Hoàng Ngọc

Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều chị em phụ nữ luôn ưu tiên chọn áo dài để mặc trong những dịp lễ lạt, hội hè. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tôi có một vài cô bạn có những sở thích mà theo tôi là đầy thiên tính nữ. Trong số đó có những người đặc biệt mê cây lá. Cuộc sống thị thành gói ghém trong những ô vuông, khiến con người cảm giác như bị chìm nghỉm đi bởi những bức tường, bí bách và ngột ngạt.

Giữa không gian ấy, một vài chậu cây xanh be bé đặt trên bàn làm việc hoặc bậu cửa sổ, một lọ hoa tươi căng mọng và thơm ngát trong góc phòng đôi khi có khả năng xoa dịu và cân bằng cảm xúc rất hiệu quả. Thử hình dung, sau những giờ căng mình ở chốn công sở, trở về, mở cổng, chợt thấy thoảng trong sân nhà hương thơm dìu dịu của mấy bông hoa nhài trong cái chậu nhỏ nơi hiên nhà, sẽ thấy mình như được cất bớt đi rất nhiều những cảm xúc tiêu cực từ bên ngoài.

Hay như bên cạnh mớ tài liệu bề bộn, sự xuất hiện của một chậu cây xanh, vài đóa hoa tươi trên bàn làm việc, đôi khi cũng khiến chúng ta làm việc hứng khởi hơn. Giữa phố đông nêm chật người và xe, ban công nhà ai đó buông xuống mấy sợi dây leo vấn vít treo những chùm hoa rực rỡ sắc màu, hẳn sẽ thấy không gian như được mở rộng thêm ra.

Tôi thích những buổi sáng thứ hai, vì hôm ấy cơ quan sẽ tập trung chào cờ và chị em phụ nữ sẽ mặc áo dài. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều chị em phụ nữ luôn ưu tiên chọn áo dài để mặc trong những dịp lễ lạt, hội hè.

Trong các loại trang phục, có lẽ áo dài phù hợp với tất cả mọi vóc người, đó là tôi chủ quan nghĩ vậy. Tà áo dài nhẹ nhàng bay trong nắng sớm luôn khiến tôi thấy rộn lên những xúc cảm tươi vui. Một thứ cảm xúc thật không dễ gì để có thể thể hiện hết bằng ngôn từ.

Khi khoác lên người bộ áo dài, tự dưng thấy mình tha thướt hơn, đi đứng khoan thai hơn, nói năng cũng nhẹ nhàng từ tốn, nữ tính hơn. Mỗi buổi sớm, trong sương mai và nắng nhẹ, giữa dòng người vội vã, thấp thoáng những tà áo thướt tha trên phố. Dẫu vẫn là sự tất bật đưa con đến lớp, ghé chợ, kịp giờ đến công sở theo nhịp điệu phố phường, nhưng chợt như thấy lòng mình dìu dịu một niềm gì thật riêng tư, thật thiết tha, đầy thương mến.

Cuộc đời có hằng hà khoảnh khắc. Mỗi người sẽ chọn cách cảm nhận và tận hưởng những khoảnh khắc sống rất riêng, không ai giống ai. Đời sống càng tiện ích, càng hiện đại thì dường như con người càng phải đẩy mình nhanh hơn để bắt kịp với xu thế chung.

Vẫn đi giữa dòng đời ấy, nhưng thỉnh thoảng chậm lại một nhịp, ngắm nhìn sự bộn bề của đời sống, để chắt ra những thoáng dịu dàng. Những thoáng ấy, dẫu là thoảng qua, cũng khiến tâm hồn mình được “ăn uống” đầy đủ dưỡng chất.

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Phú Hòa: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin

(GLO)- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, hướng đến giảm nghèo bền vững, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, thị trường và kỹ năng cần thiết góp phần nâng cao năng suất lao động.