Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ, ác liệt, giữa lằn ranh sinh - tử, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt đội ngũ những người làm báo.
Xem lại những tư liệu rất quý thời chống Mỹ, càng nghẹn lòng bởi nhiều tác giả đã nằm lại vĩnh viễn trong từng thước đất chiến hào. Thời gian có thể làm phai mờ nét chữ, trang giấy có thể ố vàng, hiện vật có thể cũ đi nhưng giá trị lịch sử thì còn mãi.
Đó là đội ngũ phóng viên báo QĐND luôn bám sát chiến trường, bám sát bước chân chiến sĩ, phản ánh nhanh nhạy, kịp thời, sinh động thông tin chiến sự nóng hổi từ các chiến trường Khu 4, Vĩnh Linh, Khe Sanh, Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh, trong đó có thượng úy, phóng viên, liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Đình Dư, với câu nói nổi tiếng trước lúc hy sinh ngày 21.1.1968 tại chiến hào Cửa Việt: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn. Còn phóng viên chúng tôi lúc này chỉ có thể đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là cây bút và máy ảnh để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù!”.
![]() |
Tổ phóng viên báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Bắc Quảng Trị. Từ trái sang, đồng chí Nguyễn Đức Toại và hai nhà báo liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu, Lê Đình Dư. Ảnh tư liệu |
Đây là một trong những tấm gương cao đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, hiện thân của tinh thần tận hiến, hy sinh cao cả của nhà báo - chiến sĩ, góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của báo chí quân đội và báo chí cách mạng Việt Nam.
Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, ra đời ngày 12.10.1960 trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Không ngại hiểm nguy, gian khổ, các phóng viên, điện báo viên tác nghiệp tại chiến trường miền Trung và miền Nam luôn có mặt ở các điểm nóng, trong những giờ phút lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kịp thời ghi lại những khoảnh khắc quý giá, truyền đi tin vui thắng trận cho độc giả trong nước và quốc tế. Hơn 240 phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Điển hình như đồng chí Trương Thị Mai, phóng viên ở Trung Nam Bộ, bị địch bắt tra tấn dã man nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hy sinh để bảo toàn căn cứ…
Trên chiến trường khu 5, lực lượng phóng viên báo Quân Giải phóng Trung Trung Bộ (nay là báo Quân khu 5) ngồi viết ngay dưới hầm công sự khi quân địch vẫn đang nổ súng bên ngoài. 5 đồng chí đã mãi mãi nằm lại trên các chiến trường: Hồ Hoàng Đỡ (hy sinh ở vùng đông Phù Mỹ, Bình Định), Phan Đình Côn (hy sinh trong trận tiến công Chi khu quận lỵ Minh Long, Quảng Ngãi), Lê Văn Luyện (hy sinh trên Đường 16 Quảng Nam), Nguyễn Thiện Tơ (hy sinh ở Thượng Đức, Quảng Nam), Phạm Quang Dụ (hy sinh ở An Lão, Bình Định).
NGỌC DIỆP