Luật Trẻ em sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1-6-2017 và sẽ có những quy định chi tiết hơn trong việc bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em đã quy định cấm đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ, tách trẻ em trong trường hợp khẩn cấp… sẽ có hiệu lực từ hôm nay.
Cấm tự ý sử dụng hình ảnh của trẻ
Khoản 11, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định hành vi “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em” bị cấm.
Ảnh minh họa |
Theo quy định của luật, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em. Đặc biệt, khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và của riêng trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên.
Ông Đặng Hoa Nam-Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, bắt đầu kể từ ngày luật có hiệu lực, cha mẹ, người thân, hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác đều không được phép tự ý đăng tải hình ảnh ảnh, thông tin cá nhân của trẻ bao gồm cả kết quả học tập… lên mạng và nếu vi phạm thì có thể bị xử lý theo luật định.
Tách trẻ em trong trường hợp khẩn cấp
Trong Luật Trẻ em, khoản 3, điều 52 cũng quy định rõ kế hoạch hỗ trợ, can thiệp quy định. Theo đó, đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan lao động-thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.
Trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp là trẻ em đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm họặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chính là người gây tổn hại cho trẻ em.
Đặc biệt, việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin về việc trẻ em bị xâm hại, bảo hành, bỏ rơi…
Nhà trường phải trả lời ý kiến của trẻ trong 7 ngày
Luật trẻ em cũng có những quy định về đảm bảo quyền tham gia của trẻ em. Khoản 4, điều 76 Luật trẻ em quy định về việc đảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
Nhà trường có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.
Luật quy định rõ, ban giám hiệu nhà trường có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và phải xem xét, trả lời những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm cửa ban giám hiệu trong thời hạn 7 ngàv làm việc. Nội dung trả lời nêu rõ việc thực hiện hoặc không thực hiện, thời gian thực hiện, lý do không thực hiện ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh.
Ban Giám hiệu nhà trường cũng có trách nhiệm gửi ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng, thẩm quyền xem xét, giải quyết nếu ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng không thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Giám hiệu và theo dõi việc trả lời để phản hồi cho học sinh.
Giáo viên làm tổng phụ trách đội hoặc bí thư chi đoàn phản ánh hoặc tổng hợp ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh chuyển đến ban giám hiệu nhà trường hoặc giáo viên trong trường họp học sinh không muốn phản ánh trực tỉếp vấn đề với ban giám hiệu nhà trường hoặc giáo viên.
Theo TTXVN