Những phần quà vì phụ nữ biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 5 giờ sáng 3-8, chúng tôi cùng đoàn công tác huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) lên đường đến với xã biên giới Ia Chía (huyện Ia Grai, Gia Lai) để trao tận tay những món quà nhằm tiếp sức cho phụ nữ vùng biên với tổng trị giá 220 triệu đồng.
Ấm áp tình người
Dù mưa to gió lớn khiến việc đi lại không mấy thuận lợi, song chỉ mới hơn 7 giờ, đoàn công tác của Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ia Grai và các Mạnh Thường Quân đã có mặt tại xã Ia Chía. 120 chị em phụ nữ nghèo và người dân trên địa bàn xã cũng đã tập trung đông đủ tại hội trường UBND xã. Các thành viên trong đoàn nhanh chóng mang những món quà từ trên xe vào địa điểm tập kết, gặp gỡ trò chuyện thân tình và trao tận tay chị em phụ nữ, bà con đồng bào dân tộc thiểu số những món quà ấm áp nghĩa tình. 
Bà Lê Thị Phương Hồ-Chủ tịch Hội LHPN huyện Củ Chi-cho biết: Từ sự vận động quyên góp của 23 cơ sở Hội và nữ doanh nhân, Mạnh Thường Quân với số tiền 170 triệu đồng, Hội LHPN huyện Củ Chi đã mua 20 cặp dê giống (trị giá 5 triệu đồng/cặp) tặng 20 hội viên, phụ nữ nghèo xã Ia Chía; tặng 100 phần quà (trị giá 600 ngàn đồng/phần) cho hội viên, phụ nữ xã; đồng thời hỗ trợ Đồn Biên phòng Ia Chía 10 triệu đồng nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ. “Những món quà tuy có giá trị vật chất không lớn nhưng hy vọng ít nhiều sẽ giúp chị em và bà con có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống”-bà Lê Thị Phương Hồ cho hay.
 Hội LHPN huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ dê giống cho hội viên, phụ nữ nghèo xã Ia Chía (huyện Ia Grai). Ảnh: H.T
Hội LHPN huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ dê giống cho hội viên, phụ nữ nghèo xã Ia Chía (huyện Ia Grai). Ảnh: H.T
Lưng địu cháu 3 tháng tuổi và tay dắt theo 2 đứa cháu nhỏ, bà Rơ Châm Keo (làng Beng) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được nhận quà nhiều như thế này. Hoàn cảnh các cháu tôi đáng thương lắm, bố mẹ chúng đã chết trong một vụ tai nạn giao thông. Nhà không có đất sản xuất. Hàng ngày, tôi đi làm thuê. Bà cháu sống nhờ vào sự đùm bọc của bà con dân làng. Hôm nay được các nhà hảo tâm tới tặng quà, tôi biết ơn nhiều lắm”.
Là một trong 20 hộ được nhận hỗ trợ sinh kế lần này, chị Rơ Mah Du (làng Nú 1) phấn khởi cho biết: “Từ 2 con dê giống của chương trình, gia đình mình sẽ chăm sóc thật tốt. Mong rằng con giống khỏe mạnh, mau chóng sinh sản. Nếu dê phát triển tốt thì chỉ chừng 2 năm nữa gia đình sẽ thoát nghèo”.
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” theo nội dung chương trình liên tịch giữa Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020, trong chuyến từ thiện tại Gia Lai lần này, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi còn hỗ trợ xã Ia Chía 50 triệu đồng để có thêm điều kiện hỗ trợ người dân biên giới vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Củ Chi tặng 100 phần quà cho phụ nữ nghèo xã Ia Chía. Ảnh: Đinh Yến
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Củ Chi tặng 100 phần quà cho phụ nữ nghèo xã Ia Chía. Ảnh: Đinh Yến
Ông Siu Tin-Bí thư Đảng ủy xã Ia Chía-cho biết: Xã có 10 thôn làng với 1.784 hộ, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%, số hộ nghèo chiếm 20,05%, hộ cận nghèo chiếm hơn 10%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. “Đoàn thiện nguyện từ TP. Hồ Chí Minh đã không quản ngại đường sá xa xôi đem những phần quà về trao tận tay người dân khiến chúng tôi rất cảm động. Chúng tôi trân trọng tấm lòng của các nhà hảo tâm khi đã chung tay cùng địa phương san sẻ khó khăn với người dân”-ông Siu Tin nói.
Ông Dương Văn Duyên-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi-chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng phụ nữ biên cương để góp phần nhỏ bé giúp đỡ các chị em còn khó khăn, hy vọng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển”. Còn anh Việt Anh-người tài trợ 20 triệu đồng cho chương trình-xúc động nói: “Đến với xã biên giới, trong lòng tôi có rất nhiều cảm xúc. Tôi vui vì những phần quà đã được trao đúng người, nhưng cũng buồn vì phụ nữ nơi đây còn khổ quá. Chỉ mong sao mình có điều kiện để cùng với Hội LHPN huyện Củ Chi đến với xã biên giới này thêm lần nữa”. 
Đánh giá về việc làm tốt đẹp của cấp ủy, chính quyền huyện Củ Chi, bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-nhấn mạnh: “Qua hơn 1 năm thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, có thể khẳng định đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia, thể hiện tinh thần “Tương thân, tương ái” góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hiện tại, đời sống của chị em phụ nữ vùng biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề đang tồn tại như: đói nghèo, trẻ em bị xâm hại, tảo hôn... Để góp phần giải quyết những vấn đề này, bên cạnh nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, mong lắm sự chung sức, chung lòng của những nhà hảo tâm để giúp phụ nữ nâng cao đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc và phát huy vai trò của phụ nữ vùng biên trong công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia”.
 HÀ TÂY 

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.