Họ là những nhân vật gây “ám ảnh” nhất cả về nghĩa đen và nghĩa bóng trong lần tác nghiệp này của chúng tôi. Họ đang lay lắt sống qua ngày, mặc dù, xung quanh họ vẫn còn sự bao bọc của cộng đồng xã hội và người thân. Cơn bão HIV/AIDS đã từng tràn qua những vùng đất miền Tây như “lũ dữ” và những con số thống kê vẫn đang tiếp tục nói lên rất nhiều vấn đề, trở thành nỗi sợ hãi ở hết thảy người dân và những cán bộ đi dập dịch “căn bệnh thế kỷ”.
Gia đình nhỏ tan tác vì HIV/AIDS
Giữa cái xóm được mệnh danh “nhảy dù” ở ấp Long Thạnh 1 - phường Thốt Nốt - quận Thốt Nốt, Cần Thơ, cái chòi dột nát của anh Lê Tự Lập (37 tuổi) đã bị cơn bão quật đổ. Trên nền đất cũ, chính quyền địa phương và bà con chòm xóm đang cất cho anh một nóc nhà mới. Cơ thể gầy guộc, sức khỏe kém và lúc nào cũng đổ mồ hôi của anh không cho phép anh có được một công việc ổn định. “Buổi sáng nó đi gom giỏ bánh mì về cho chị Ba thì chị ấy nuôi cơm, mỗi ngày cho vài ba chục ngàn uống cà phê. Cháu nó có bệnh thì tụi tôi nấu cháo cho ăn thôi. Gia đình và hàng xóm đều quen rồi nên không có sợ bệnh gì hết trơn á. Lập nó hiền lành lắm, không có mắc tệ nạn gì bao giờ, chẳng may nhiễm bệnh. Chúng tôi thương nó lắm” - bà thím dâu của anh Lập nói.
Anh Lê Tự Lập - người nhiễm HIV duy trì sự sống bằng thuốc ARV. |
Anh Lập trông già hơn nhiều so với tuổi thực của anh, giọng nói của anh rất khó nghe, chỉ nhi nhí ở trong cổ họng: “Tôi không có sức khỏe, chân tay yếu ớt nên không làm được việc gì. Từ ngày được điều trị bằng thuốc ARV, sức khỏe có ổn định hơn nhưng tôi biết bệnh của mình, chỉ cố làm sao cho sống được lâu hơn. Sắp có nhà mới, tôi vui lắm”.
Theo các cán bộ phòng chống HIV/AIDS huyện Thốt Nốt, anh lây từ người vợ cũng đã chết cách đây khoảng chục năm vì căn bệnh HIV. Rồi anh vật vã, đau đớn chứng kiến đứa con mình ra đi cũng vì HIV lây nhiễm từ mẹ. Khoảng 3 năm sau ngày vợ mất, trong một lần bị ốm, người thân đưa anh đi chữa trị ở bệnh viện, kết quả xét nghiệm máu của anh dương tính với HIV/AIDS, lại thêm một lần nữa, anh ngã quỵ. Hóa ra, cho đến lúc phát hiện ra bệnh, bản thân anh không biết vợ con mình chết vì nhiễm H.
Tưởng chừng mọi thứ sẽ kết thúc nhưng anh được cán bộ y tế đến tận nhà tư vấn điều trị HIV. Kể từ cái lần đầu tiên uống thuốc, anh bị co giật liên hồi, toàn thân toát mồ hôi đến nay cũng gần 6 năm trời, anh đã quen với việc uống thuốc hàng ngày mà không cần báo thức hay ghi nhớ gì. “Mỗi ngày đều phải uống thuốc, vì nhà nước đã hỗ trợ cho mình để mình được sống, thì không có cớ gì mà tôi lại không cố gắng để sống. Bà con chòm xóm vẫn đùm bọc tôi, người thân gia đình vẫn thương tôi, họ cưu mang tôi nên tôi mới sống được đến giờ” - anh tâm sự.
“Cuộc sống anh Lập bấp bênh, không có thu nhập gì ổn định nên đời sống vô cùng khó khăn, hàng tháng chúng tôi hỗ trợ dinh dưỡng, đường sữa, gạo cho anh ấy, cán bộ của phường cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ. Qua khai thác nguy cơ, chúng tôi tìm hiểu được anh ấy bị lây nhiễm qua đường tình dục, vợ con anh ấy cũng chết vì nhiễm HIV. Chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi những trường hợp người nhiễm HIV vì hoàn cảnh của họ quá đặc biệt” - anh Đinh Văn Phú, cán bộ Phòng xét nghiệm - Trung tâm y tế quận Thốt Nốt nói.
Anh Lập chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp nhiễm H ở Cần Thơ. Theo các cán bộ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP. Cần Thơ, dịch HIV/AIDS tại đây vẫn trong giai đoạn dịch tập trung, tổng số nhiễm HIV/AIDS phát hiện hàng năm giảm, tuy nhiên có xu hướng gia tăng ở nhóm người trẻ tuổi. Nhưng đáng lo ngại, lây truyền HIV qua đường tình dục vẫn là xu hướng lây truyền chính tại Cần Thơ. Các chỉ số về hành vi tiêm chích an toàn và tình dục an toàn đều giảm có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV cao, điều này cho thấy tiềm ẩn nguy cơ dịch HIV có thể gia tăng trở lại nếu thiếu sự quan tâm đến các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Cơ quan phòng chống dịch HIV ghi nhận, trong số người nhiễm HIV/AIDS phát hiện được có xu hướng tăng ở nhóm trẻ tuổi, năm 2016 trong số người nhiễm HIV phát hiện có 24,3% người trong nhóm từ 16 đến 25 tuổi, cao hơn 2,3% so với cùng kỳ năm 2015. Về nguy cơ lây nhiễm ghi nhận số người nhiễm HIV phát hiện năm 2016 lây qua quan hệ tình dục chiếm 87,5% tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính đến ngày 31.12.2016, số người nhiễm HIV phát hiện được là 5.763 người, trong đó có 3.457 người còn sống và 2.306 người tử vong. Số nhiễm HIV còn sống toàn thành phố theo báo cáo là tỷ lệ 456 người trên 100.000 dân, cao nhất ở quận Ninh Kiều (536), tiếp đến là Cái Răng (352) và Thốt Nốt (320).
2 vợ chồng nhiễm HIV bấu víu vào nhau mà sống
Tại một tỉnh miền Tây khác, anh Nguyễn Thành Phúc (SN 1983) và chị Lê Thị Thủy (SN 1977) trú tại xã An Ngãi Trung - huyện Ba Tri - tỉnh Bến Tre là cặp vợ chồng nhiễm HIV đang được điều trị thuốc ARV đã 7 năm nay. Họ quen nhau từ lớp tập huấn cho những người điều trị ARV, anh chị tìm thấy sự đồng cảm, và rồi họ đến với nhau “rổ rá cạp lại” như sự đắp bù, an ủi của số phận.
Anh Phúc cũng lây nhiễm HIV từ người vợ trước. Đứa con duy nhất của anh Phúc cũng chết vì nhiễm HIV, anh ly hôn với người vợ cũ, rồi bỏ về quê sinh sống bằng nghề chăn vịt. Sức khỏe yếu, cả anh Phúc và chị Thủy đều không thể kiếm được một công việc ổn định hơn, họ chỉ biết bấu víu vào nhau mà sống cho qua ngày. Ngày nào khỏe, anh Phúc lùa vịt ra đồng, ngày nào mệt, anh lại nằm ở nhà cùng vợ vào ra chăn mấy con lợn.
Trong căn nhà nhỏ tình nghĩa được chính quyền xây cất, anh chị vui vẻ, bằng lòng với cuộc sống khốn khó, với những niềm vui nho nhỏ do mình tự gây dựng. Anh Phúc chị Thủy là 2 trong số 12 bệnh nhân nhiễm HIV của xã An Ngãi Trung đang được điều trị bằng ARV để duy trì sự sống. Họ cũng chỉ là 2 trong số hàng nghìn người đang nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre, tính đến ngày 30.6.2017, số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 2.467 người, số người chuyển sang AIDS là 1.521 và tử vong 935 người. Hiện số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 1.532.
Nói về công tác phòng chống HIV/AIDS của Bến Tre, bà Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Trung tâm phòng HIV/AIDS tỉnh Bến Tre cho hay: Trong khi ở phía Bắc, việc lây truyền HIV chủ yếu qua máu, thì ở Bến Tre việc lây truyền lại chủ yếu qua đường tình dục, chiếm tới 85%. Vì thế, việc kiểm soát lây nhiễm HIV rất khó khăn.
Đáng lưu ý, chỉ từ đầu 2017 đến nay, thông qua giám sát phát hiện, Bến Tre đã phát hiện thêm 96 người nhiễm HIV, trong đó, 65 trường hợp phát hiện mới, 31 trường hợp nhiễm từ các năm trước và từ các phòng khám ngoại trú ở các tỉnh khác chuyển về, 16 trường hợp ngoài tỉnh. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có chiều hướng gia tăng đang trở thành mối lo rất lớn của Bến Tre trong khi hiện mới quản lý được khoảng 600 người. Số người diện MSM chủ quan không sử dụng bao caosu khi quan hệ tình dục, do đó, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm này là rất lớn.
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Thoa, khi một số địa phương vẫn còn sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống HIV/AIDS, thì Bến Tre đang phải “tự lực cánh sinh” vì không còn nguồn hỗ trợ. Điều này có thể được chứng thực qua con số gần 25% người mắc HIV ở Bến Tre là phụ nữ, trong đó hầu hết các chị mắc HIV đều sống ở vùng nông thôn xa xôi, không phải là gái mại dâm, không tiêm chích, mà họ mắc bệnh do lây từ người chồng. Rất nhiều phụ nữ bị nhiễm HIV cũng không biết cho đến lúc sinh con, được xét nghiệm máu mới biết.
Tính đến ngày 30-6-2017, toàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện 155 ca phụ nữ mang thai nhiễm HIV, tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành 34 ca, Mỏ Cày Bắc 22 ca, Bình Đại 21 ca, TP. Bến Tre 17 ca... Nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV còn rất trẻ, có tới hơn 7% ở độ tuổi từ 15 - 19; 20 - 29 tuổi chiếm 63,9%.
Những con số trên đã chỉ ra những vấn đề, những khó khăn không nhỏ trong công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian tới của tỉnh Bến Tre. Làm thế nào để tiếp cận những người nhiễm mới, rồi duy trì điều trị ARV để kéo dài sự sống cho họ, làm sao để bảo vệ được tất cả những em bé được an toàn khi sinh ra từ những người mẹ nhiễm H..., đó là những trăn trở chưa có hồi kết của những người làm công tác phòng chống dịch, khi mà căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vẫn còn là “cơn ác mộng” không chỉ ở Việt Nam.
Thùy Linh/laodong