(GLO)- Thôn A Dơk Kông (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) hiện có hàng chục người bị tâm thần, rối nhiễu tâm trí, có người bỏ đi không biết sống chết ra sao, có người sống lầm lì như ma ám. Đau lòng hơn là chuyện bố, mẹ bị tâm thần vùi con vào bếp lửa khi con mới chào đời được 11 ngày tuổi.
Những chuyện xót xa
Chiều muộn một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi được anh Nip-Trưởng thôn A Dơk Kông dẫn đến từng nhà có người bị tâm thần. Ở căn nhà sàn nhỏ nằm giữa thôn, chúng tôi thấy bà Hich đang ngồi thẫn thờ trước nhà, cửa đóng kín mít. Bà Hich rầu rầu kể: Hơn-con gái bà năm nay 35 tuổi, bị tâm thần 12 năm nay. Lúc mới sinh, Hơn cũng bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Năm 18 tuổi, Hơn yêu say đắm một người con trai trong làng nhưng bị người này phản bội để đi lấy vợ ở làng khác. “Từ đó, nó trở nên điên dại, cứ nhìn thấy thanh niên là đi theo. Nhiều thanh niên trong làng thấy Hơn như vậy đều né tránh. Nhưng có một thanh niên trong làng cũng bị tâm thần giống nó, hai đứa “phải lòng” nhau, ở với nhau, rồi sinh ra một đứa con”.
Chị Hơn và đứa con của mình. Ảnh: Đ.Y |
Bà Hich thấy con gái có người bầu bạn cũng bớt đi nỗi buồn. Nhưng một buổi chiều nọ, khi đang nấu cơm, bà nghe tiếng vợ chồng con gái cười khúc khích còn cháu nhỏ thì khóc thét. Bà vội chạy vào thì thấy cảnh hãi hùng: vợ chồng Hơn đang vùi con vào bếp than! Bà cuống cuồng giật đứa bé ra. “Cháu mới sinh được 11 ngày tuổi, mặc dù phát hiện kịp thời nhưng cũng bị bỏng nặng, nhất là ở phần đầu, lưng. Mình nhờ họ hàng chở cháu đi viện cấp cứu. Sau đó mình nuôi cháu. Giờ cháu đã được 7 tuổi, đang gửi nhờ một bà xơ ở tỉnh Kon Tum chăm sóc, nuôi ăn học”-bà Hich kể. Từ đó, người bố tâm thần cũng bỏ đi, không biết hiện giờ sống chết ra sao. Song chuyện xót xa hơn là mới đây, Hơn lại bị hãm hiếp rồi sinh đứa con thứ hai. Hơn đóng cửa im ỉm cả ngày, không cho ai đụng vào con mình. “Nó quý con lắm! Nó tự tắm cho con, một mình chăm sóc con. Mình lo không biết rồi đây có xảy ra chuyện gì nữa không, nên nhiều khi phải ngồi đây canh chừng”-bà Hich lo lắng.
Còn trong lùm cây rậm rạp ở một mảnh vườn nhỏ cuối thôn có một căn nhà lụp xụp là nơi sinh sống của anh Mli. Anh Mli cũng bị tâm thần nhiều năm nay. Anh suốt ngày đi lang thang, sống lầm lì, thỉnh thoảng nói lảm nhảm những từ không rõ nghĩa. Có lúc tỉnh táo, Mli bảo với mọi người là mình khỏe mạnh nên không phải uống thuốc, điều trị tâm thần. “Chú Mli cũng có vợ và 2 con nhưng không hiểu sao lại bị mắc bệnh tâm thần 5 năm nay. Nhiều lúc chú Mli thèm thuốc lá xin tiền mọi người để mua, ai không cho là lấy gậy đuổi theo đánh người đó cho bằng được”-anh Kin, cháu ruột anh Mli kể.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà chị Bya. 2 người con và chồng chị Bya đều bị tâm thần. Hiện chồng và người con đầu là Hnưu đi lang thang không biết còn sống hay đã chết. “Cách đây 2 năm, Hnưu bỏ đi lang thang lên tới Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Bộ đội Biên phòng và người dân hỏi chuyện, biết Hnưu ở xã A Dơk nên đã mời chính quyền xã và Trưởng thôn lên để trao trả. Về nhà được ít bữa, Hnưu lại bỏ đi. Giờ không biết nó ở đâu”-anh Nip-Trưởng thôn, cho biết. Mắt ngân ngấn lệ, chị Bya tâm sự: “Không hiểu sao gia đình mình lại như thế. Mới đây, thằng thứ 2 là Hnôih đi lang thang bị xe tông phải nhập viện cấp cứu”.
Đâu là nguyên nhân?
Lý giải chuyện thôn A Dơk Kông có nhiều người bị tâm thần, Trưởng thôn Nip cho rằng: Một số người trong thôn (nhất là người trẻ tuổi) có thể là do thần kinh yếu nên khi gặp chuyện trắc trở trong cuộc sống thì dễ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Một nguyên nhân khác là do yếu tố di truyền (như gia đình chị Bya có chồng và 2 con bị mắc loại bệnh này).
Trao đổi với P.V, ông Lê Trọng Đoàn-Chủ tịch UBND xã A Dơk, cho biết: “Ở thôn A Dơk Kông vài năm trở lại đây có nhiều người bị mắc bệnh tâm thần. Chính quyền xã cũng đã đến tuyên truyền cho các hộ có người tâm thần hiểu rõ về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh để mọi người hiểu và biết cách chăm sóc người bệnh. Xã cũng nhiều lần vận động đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình chỉ điều trị tại nhà. Xã cũng mong các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ gia đình có người bệnh để họ được điều trị đúng hướng, tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra”.
Hiện nay, theo Thông tư Liên tịch số 37 ngày 28-12-2012 giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định mức độ khuyết tật, những người bị tâm thần cũng được xác định là một loại khuyết tật. Vì vậy, khi được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở các xã tiến hành họp xét, đánh giá và kết luận, người khuyết tật hoặc người tâm thần sẽ được Nhà nước hỗ trợ, trợ cấp kinh phí hàng tháng theo Nghị định 136 của Chính phủ. Ngoài chế độ trợ cấp hàng tháng, người bệnh còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. “Vì vậy, rất mong các sở, ngành quan tâm để các đối tượng bị tâm thần của thôn được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, giúp họ có cơ hội được điều trị bệnh, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”-Trưởng thôn Nip đề xuất.
Đinh Yến