Những đôi chân trần mưu sinh trên phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trời chang chang nắng, những đôi chân bé xíu, đen nhẻm lấm lem đất cát cứ thế bước đi trên con đường bỏng rát. Chốc chốc, giẫm phải viên sỏi, cái dáng mảnh khảnh ấy nhảy cẫng lên xuýt xoa đau buốt...
Huy và Thuận chui rúc các xó xỉnh, lật tung từng bao rác để tìm phế liệu ẢNH: ĐỨC NHẬT
Huy và Thuận chui rúc các xó xỉnh, lật tung từng bao rác để tìm phế liệu ẢNH: ĐỨC NHẬT
Những đôi chân trần
12 giờ trưa một ngày chủ nhật, dưới ánh nắng như thiêu đốt, phố xá trở nên vắng tênh. Ngồi ở quán nước bên đường, tránh cái nắng hè oi bức, chúng tôi bị cuốn hút bởi những cậu bé nhặt phế liệu. 2 đứa trẻ mặc bộ quần áo cũ thếch, nhàu nhĩ. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới xin được theo chân 2 cậu bé này bởi vì các em rất ngại tiếp xúc với người lạ.
Hai đứa trẻ ấy là A Huy và A Thuận (cùng 10 tuổi, ở làng Kon Tu 1, xã Đăk Bla, TP.Kon Tum, Kon Tum). Nhiều tháng ngày qua, các em đã rong ruổi khắp các ngả đường, hè phố để mưu sinh. Hai đứa trẻ chui rúc khắp các xó xỉnh, lật tung từng bao rác để tìm mảnh sắt, thép, miếng nhựa vỡ hay đôi khi chỉ là miếng bìa các tông bé xíu. Những thứ đồ bỏ đi này sẽ là nguồn sống để các em tới trường.
Huy kể em là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em. Nhiều năm trước, do cuộc sống túng thiếu nên bố đã bỏ mẹ con em đi đâu mất. 4 mẹ con Huy không còn chỗ dựa nên về sống cùng bà ngoại. Nhà em nghèo lắm, lại không có đất canh tác nên mẹ và bà ngoại phải đi nhặt phân bò kiếm sống. Thương mẹ và bà nhọc nhằn nên em cũng ra đường nhặt rác kiếm tiền. Em bắt đầu nhặt phế liệu từ năm lên 8.
Vừa cúi nhặt chiếc vỏ chai nước ngọt cho vào bao, Huy vừa gạt giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt lem luốc. Huy kể: “Trước đây cháu đi học buổi sáng, buổi chiều nghỉ học mới vào phố kiếm tiền. Mấy bữa được nghỉ học do dịch Covid-19, cháu cùng bạn đi lượm rác cả ngày. Đến giờ đi học lại, tranh thủ thứ bảy, chủ nhật cháu mới đi lượm rác kiếm tiền phụ mẹ mua gạo”.
Cuối tuần nào cũng vậy, hành trình của A Huy bắt đầu từ 8 giờ sáng. Mẹ cậu dúi vào tay con 5.000 đồng để mua ổ bánh “mì chay” ăn trưa. Bước ra khỏi nhà, Huy không quên rủ thêm người bạn thân đi cùng. Hành trang của hai đứa trẻ chỉ là một chiếc bao bố đựng rác hôi rình. Chẳng mũ nón, giày dép, hai cậu bé cứ thế đi mãi.
“Dép cháu cất ở nhà, hôm nào đi học mới dám mang. Nếu mang đi nhặt rác lỡ nó đứt mất. Đi chân đất thế này cũng đau lắm nhưng cháu quen rồi”, Huy ngượng ngùng nói.
A Thuận khoe món quà tặng mẹ, nhặt được trong thùng rác
A Thuận khoe món quà tặng mẹ, nhặt được trong thùng rác
Khi nào đói, hai cậu bé dừng lại mua ổ bánh mì không nhân thịt rồi nhai ngấu nghiến. Đôi lúc trên đường đi, có những người tốt bụng gọi hai đứa trẻ lem luốc ấy vào nhà cho tấm bánh gói quà. Cũng có người mời hai đứa hẳn một bữa cơm gà sang trọng. Nhưng phải hiếm hoi lắm hai cậu bé mới được mời một bữa cơm như thế.
Mỗi ngày lang thang, Huy kiếm được từ 10.000 - 20.000 đồng. Cũng có hôm nhặt ít quá, Huy chẳng bán được nên đem về dồn lại bên hiên nhà. Chờ vài ba hôm, cái chỗ phế liệu ấy đầy lên, Huy mới đem bán.
Món đồ chơi từ thùng rác
A Thuận là bạn cùng lớp với A Huy. Hai đứa cùng ở trong con ngõ sâu hun hút ở làng Kon Tu 1. Vì có hoàn cảnh tương tự nhau nên chúng luôn bên nhau trong những hành trình mưu sinh nắng cháy này.
Thuận bảo rằng nhà em nghèo lắm. Bố mẹ làm thuê làm mướn khắp nơi chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi 3 anh em cậu lớn. Dù bố mẹ đã làm quần quật cả ngày nhưng cũng không đủ tiền trang trải nợ nần. Biết bố mẹ khổ, Thuận theo Huy đi nhặt rác kiếm tiền.
Ngồi nghỉ chân ở bóng mát ven đường, A Thuận đưa tay mân mê chiếc đầu lân vừa nhặt được. Cậu bảo rằng vì nhà nghèo nên những món đồ chơi là giấc mơ xa xỉ đối với em. Trước đây trong một lần bới thùng rác Thuận nhặt được 1 chiếc ô tô đồ chơi đã cũ. Thuận chẳng nỡ bán mà để đó làm đồ chơi mỗi khi rảnh rỗi.
“Cháu thích chiếc xe đó lắm. Nó như món quà Chúa ban cho cháu vậy. Vừa rồi chiếc xe bị gãy bánh, không dùng được nữa nên cháu mới đem bán phế liệu”, Thuận hồn nhiên khoe.
Chúng tôi theo chân 2 cậu bé, băng qua phố phường hoa lệ. Thi thoảng hai đứa trẻ dừng lại ngước nhìn lên nhìn những chiếc ô tô đồ chơi được bày bán ở một cửa hàng nào đó. Hồi lâu tụi nhỏ mới cất bước đi, đôi mắt còn vương chút tiếc nuối.
Ông A Trúc, Trưởng thôn Kon Tu 1, cho biết trong thôn có 137 hộ thì có đến 26 hộ nghèo. Hằng ngày trong thôn có rất nhiều trẻ em tìm vào thành phố nhặt phế liệu kiếm tiền.
Ông Trúc cũng cho hay gia đình A Thuận là hộ nghèo vĩnh viễn, nhiều năm nay không thể thoát nghèo. Cha A Thuận đã bỏ đi từ lâu. Hiện A Thuận đang sống cùng mẹ và bà ngoại. Hằng ngày mẹ và bà ngoại A Thuận đi nhặt phân bò còn A Thuận vào thành phố nhặt rác. Gia đình A Huy cũng là hộ có hoàn cảnh khó khăn, cận nghèo. Tuy nhiên cha mẹ A Huy còn trẻ lại chăm chỉ làm ăn nên có khả năng thoát nghèo.
Chiều về chầm chậm trên phố, những ánh nắng cũng chẳng còn gay gắt như lúc ban trưa. Hai cậu bé quay lưng với phố về làng. Con đường đất bụi mù in hằn vết chân trần của lũ trẻ. Sau những dãy phố dài, làng Kon Tu 1 cũng bắt đầu hiện ra, nghèo nàn, lạc hậu. Nhà của lũ trẻ nằm trong một con ngõ đất đỏ, sâu hun hút. Mẹ và bà ngoại Huy cũng vừa đi nhặt phân bò về. Trong căn nhà trống huếch trống hoác chẳng có chỗ ngồi, chị Y Lék (mẹ A Huy) lúng túng chẳng biết làm sao với người khách lạ.
“Nhà có mấy sào đất nhưng khô hạn không trồng nổi cây gì. Mình cùng mẹ chẳng có nghề nghiệp nên chỉ biết lượm phân bò, nhặt rác bán kiếm sống. Hôm nào nhiều thì kiếm được 40.000 đồng. Hôm nào ít chỉ đổi được vài lon gạo. Bữa cơm hằng ngày cũng chỉ cơm trắng với rau lang. Những hôm mưa gió không kiếm ra tiền, cả nhà đành nhịn đói”, chị Lék tâm sự.
Cả gia đình A Huy sinh sống trong căn nhà tình nghĩa được địa phương xây tặng từ năm 2000. Đến nay phần mái nhà đã hư hỏng nặng, mỗi khi mưa xuống cả gia đình chẳng biết trốn đâu cho khỏi ướt. Chị Lék dành dụm mãi mới có tiền mua tấm bạt che tạm trên mái ngói. Cánh cửa phía sau nhà cũng đã hỏng từ lâu. Để ngăn những cơn gió lạnh thổi thông thốc vào nhà, chị Y Lék nhặt được miếng bạt rách ở đâu đó mang về che lại.
Đôi dép của A Thuận
Cách nhà A Huy vài bước chân, nhà A Thuận cũng rách nát không kém. Chị Y Hương (34 tuổi, mẹ Thuận) đang lúi húi nấu cơm dưới bếp. Chị bảo rằng nhà có mấy sào lúa nhưng năm nay khô hạn quá nên vụ mùa thất bát. Biết không trông chờ được vào mấy sào ruộng, vợ chồng chị đi làm thuê khắp nơi, ai thuê gì làm nấy. Xoa đầu đứa con trai, chị Hương bảo nhà chị có 3 đứa con, Thuận là con cả. Thương bố mẹ khổ nên hằng ngày Thuận theo bạn đi nhặt ve chai kiếm tiền cho mẹ.
Hôm nào cháu đi nhặt ve chai cả ngày thì tôi cho cháu 5.000 đồng ăn trưa. Cũng chẳng biết nó ăn gì chỉ biết hôm nào về cũng cho mẹ tiền. Nhiều thì 20.000 ít cũng hơn chục ngàn bạc. Thấy con phải vất vả cũng thương nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn cả”, chị Hương thở dài.
“Hơn tháng trước cu Thuận đi nhặt rác rồi đem đôi dép này về tặng tôi. Hỏi ra thì nó bảo lục trong thùng rác, thấy còn dùng được nên mang về tặng mẹ. Nghe con nói vậy mà mình vừa thương con vừa tủi thân. Nhưng con cái hiếu thảo như vậy mình cũng được an ủi phần nào”, chị Hương nghẹn ngào nói.
Chúng tôi chia tay làng Kon Tu 1 ra về, hai cậu bé tiễn chân ra đến tận đường lớn. Bất chợt A Huy lên tiếng: “Sau này cháu muốn làm đầu bếp. Làm đầu bếp sẽ được ăn nhiều món ngon. Chứ không phải chỉ ăn cơm trắng với rau lang chú ạ”.
Theo Phòng LĐ-TB-XH TP.Kon Tum, trên địa bàn TP.Kon Tum có 1.425 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Các em chủ yếu là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật. Những trẻ em này đều được hưởng các chế độ của nhà nước hỗ trợ. Bà Lê Thị Thanh Tùng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Kon Tum, cho biết phòng thường xuyên có các văn bản đề nghị UBND các xã phường vận động tuyên truyền các em chăm lo học tập, không đi nhặt rác, phế liệu. Ở địa phương nào để xảy ra tình trạng trẻ em đi nhặt phế liệu, ve chai thì trách nhiệm thuộc về địa phương đó. “Đối với những trẻ lang thang, cơ nhỡ, phòng sẽ có phương án đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh”, bà Tùng nói.
Theo Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.