Theo dấu trà Shan: Thất thế trên sân nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm 1990, trà Shan cổ thụ Việt đã xuất hiện trên thị trường Đài Loan, Hồng Kông, nhưng nếu muốn bán được giá phải che giấu “thân phận” Việt.
 
Thu hoạch trà Shan tuyết cổ thụ. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Trà Shan tuyết cổ thụ cũng có tại các nước Trung Quốc, Myanmar, Thái, Lào, nhưng diện tích trà Shan hoang dã cổ thụ thì Việt Nam đứng đầu. Đặc biệt, Việt Nam hiện còn các vùng trà nguyên sinh (chưa từng được khai thác), thân trà cao 30 - 40 m, mọc dày trong các tán rừng thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai, Lai Châu), Xuân Sơn (Phú Thọ)...
Câu chuyện “trà biên cương”
Vùng trà Shan cổ thụ Việt Nam phát triển chủ yếu ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc qua 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang với tổng chiều dài 788,86 km. Nguyên liệu trà Shan từ lâu không thuận hướng về xuôi, mà theo đường biên xuất sang Trung Quốc. Phần vì đường sá về xuôi không thuận tiện, phần vì lối chế biến trà của đồng bào Dao, H’Mông kỹ thuật thô sơ, hong héo, vò nhẹ rồi đem phơi, trà tự lên men, pha nước đỏ quạch. Thị hiếu người xuôi thấy trà nước đỏ, cho rằng hỏng, không mấy ai dùng. Trà Shan cổ thụ thất thế toàn tập trên sân nhà, từ cả cự ly, tốc độ đến kỹ thuật.
 
Mary Jane Hua, chuyên gia trà người Úc gốc Việt, trong chuyến khảo sát các vùng trà cổ thụ ở Việt Nam năm 2019. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Cách đây gần 30 năm, thương gia Quách Minh Huy (người Cao Hùng, Đài Loan) thường đến vùng Vân Nam mua trà Phổ Nhĩ (một trong tứ đại danh trà của Trung Quốc) và tình cờ phát hiện một dòng trà có nội chất kỳ lạ, nổi trội hơn các sản phẩm khác. Tìm hiểu kỹ, ông mới biết nguồn nguyên liệu ấy đến từ Tây Bắc, Việt Nam. Thế là ông Huy lặn lội đến Hà Giang và phát hiện nhiều vùng trà Shan cổ thụ còn hoang sơ, ít được khai thác.
Ông bắt đầu thu mua trà đã qua chế biến từ dân bản (chủ yếu ở hai vùng Cao Bồ và Quản Bạ, Hà Giang) đem vào Sài Gòn ép thành từng bánh rồi xuất khẩu sang Đài Loan.
Ông Huy kể lại, những bánh trà đầu tiên có nguyên liệu từ Cao Bồ ép bánh năm 1996, sang xứ Đài, người sưu tầm trà Phổ Nhĩ thử qua đều ngạc nhiên, cứ nghĩ đó phải là danh trà ở Dị Vũ, Mãnh Hải hay Băng Đảo... vùng Phổ Nhĩ. Khi nói đó là trà Việt Nam, dân trà bán tín bán nghi, không ai nghĩ trà Việt đẳng cấp như vậy.
Từ sau đó, nhiều thương lái trà ép bánh ở Cao Hùng thu mua sản phẩm Việt Nam nhưng không dùng nguyên gốc xuất xứ, mà chỉ gọi chung chung là “trà biên cương”. Nguyên do, nếu để xuất xứ trà Việt, không chỉ Đài Loan, mà cả thị trường Hồng Kông khi ấy (đang sốt trà ép bánh) cũng chê, không thèm thử chứ đừng nói đến chuyện mua về làm thương mại, bởi không ai nghĩ Việt Nam có trà cổ thụ. Trà Shan cổ thụ Việt một lần thất thế trên sân khách.
Trung Quốc “lùng” trà Shan Việt
Theo số liệu từ Hiệp hội Trà Việt Nam tháng 12.2019, trà cổ thụ Shan tuyết mọc hoang dã bạt ngàn từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên trên diện tích 8.508,5 ha, nhưng hầu hết sản phẩm đều xuất qua thị trường Trung Quốc. Vụ trà xuân bao giờ thương lái Trung Quốc cũng kéo sang càn quét khắp các địa bàn.
Gặp gỡ những nhà sản xuất trà Shan cổ thụ khắp vùng Hà Giang, nhận định chung là hầu hết máy móc, kỹ thuật làm trà, kể cả đầu ra sản phẩm đều lệ thuộc nguồn Trung Quốc. Mỗi vụ trà, người Trung Quốc sang tận xưởng, cầm tay chỉ việc. Hết vụ, họ mang trà về, người khác đến lại chỉ cách làm khác.
Tham dự các hội chợ trà lớn của Trung Quốc như Hạ Môn (Phúc Kiến) và Thâm Quyến (Quảng Đông), các doanh nghiệp trà Shan cổ thụ Việt Nam mang hàng đến đâu, bán hết đến đấy, ngay sau đó thương lái đều muốn tiếp cận vùng trà. Với chiêu đi tham quan, nhưng tìm cách tận thu nguồn nguyên liệu bằng mọi giá (hái cả lá già, dặn dân đốn đau để trà mau đâm chồi, khiến cây dần suy yếu), đem về nước, chế biến thành trà Phổ Nhĩ cao cấp, dĩ nhiên với nhãn mác không còn tí gì xuất xứ từ Việt Nam.
TS Nguyễn Quốc Vọng, người vừa thực hiện dự án nghiên cứu hoạt chất trong trà Shan cổ thụ ở Việt Nam, cho biết trà Tủa Chùa (Điện Biên) đặc biệt bởi amino acids, theanine, catechin, chất chát tannin... đều có chỉ số cao nhất so với tất cả các vùng trà khác ở Việt Nam. Nổi bật có catechin cao gấp 20 lần so với trà trồng công nghiệp. Vị ngọt umani của trà Tủa Chùa gồm hai thành phần axit amin và theanine cũng chiếm tỷ lệ cao nhất, gấp đôi với trà công nghiệp Mộc Châu và gấp ba trà Phú Thọ.
 
Các bánh trà tại chợ trà Cao Hùng, nguyên liệu Shan cổ thụ Việt nhưng không có chút thông tin gì về nơi xuất xứ. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Nội chất trà Tủa Chùa thực sự giá trị nên các nhà sản xuất trà Phổ Nhĩ từ Vân Nam, Trung Quốc dùng mọi cách sở hữu được nguyên liệu quý hiếm này. Trà phơi khi đem ép bánh, càng để lâu, nội chất trong trà tự biến chuyển nên sản phẩm được sánh ngang giá trị với vàng. Tiếc bấy lâu nay, nguồn nguyên liệu ấy đang bị bỏ quên.
Biết giá trị của trà Tủa Chùa, các thương lái Trung Quốc sau thời gian ngắn càn quét, thu gom trà tối đa bị địa phương phát hiện mời ra khỏi địa bàn. Sau đó, họ âm thầm thuê người Lào sang tiếp tục thu mua, sơ chế trà rồi chuyển về Trung Quốc.
Thương lái Trung Quốc “say máu” với trà Tủa Chùa, sẵn sàng thu mua bằng mọi giá do thứ nguyên liệu này nếu làm thành phẩm trà xanh bán ở Việt Nam rất khó tiêu thụ (vì độ chát đắng quá mạnh), trong khi làm trà phơi (hái, xào nhẹ, vò, đem phơi, nguyên liệu làm trà Phổ Nhĩ ép bánh danh tiếng) vừa dễ cho bà con thu hái, sản xuất, lại tiện cho thương lái thu gom, mang về chế biến. Trà phơi Tủa Chùa cứ thế âm thầm xuất qua đường tiểu ngạch.
Đến các bản có nhiều trà cổ thụ ở Tủa Chùa như Xín Chải, Páo Tỉnh Làng..., việc sản xuất trà vẫn đều đặn, giá thị trường hiện ở mức 40.000 đồng/kg trà tươi. Giàng A Dè, Trưởng thôn Páo Tỉnh Làng, cho biết: “Làm trà cho Trung Quốc, chỉ cần hái, cho héo nhẹ đem phơi là họ mua. Làm trà cho người Việt, học được nhiều kỹ thuật hơn, có máy móc phụ trợ. Cả thôn mình có khoảng 560 cây cổ thụ, mỗi lần hái một cây được cỡ 25 kg”. (còn tiếp)
Nguyễn Đình (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.