Ký ức 30/4

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.

Trò chuyện với chúng tôi, ông A Cốp, 74 tuổi, dân tộc Giẻ- Triêng (thôn Đăk Si, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cho hay, ông đi bộ đội từ năm 1968, tham gia nhiều trận đánh ở chiến trường Kon Tum, Gia Lai giai đoạn 1968-1975. Sau ngày đất nước thống nhất, do công tác trong lực lượng quân đội nên ông tham gia trong lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Camphuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt và giải phóng đất nước Campuchia (giai đoạn 1978-1979).

Đặc biệt, trong năm 1975, ông cùng đồng đội tham gia các trận chiến đấu ác liệt, góp phần cùng quân và dân ta giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3) và tỉnh Gia Lai (17/3), góp phần tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Là người có công với cách mạng nhưng ông A Cốp không ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực làm kinh tế, chăm lo đời sống gia đình. Ảnh: CC

Là người có công với cách mạng nhưng ông A Cốp không ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực làm kinh tế, chăm lo đời sống gia đình. Ảnh: CC

Ký ức trong ngày vui chiến thắng 30/4/1975 vẫn còn lưu giữ mãi trong tâm trí của ông đến tận hôm nay. Hàng năm, mỗi khi các địa phương tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (30/4), ông bồi hồi nhớ lại những giây phút hạnh phúc tràn ngập trong lòng với những hân hoan khó tả vào thời khắc lịch sử khi “non sông đất nước thu về một mối”.

Ông Cốp cho hay, khi ông và các sĩ quan trong đơn vị đang làm nhiệm vụ lập lại trật tự trị an, tuyên truyền nhân dân an tâm trở về nhà sinh sống sau ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975) thì nghe tin qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, quân ta đã đánh chiếm được Dinh Độc Lập- đầu não chính phủ của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện.

Ông và các đồng đội trong đơn vị ôm chầm nhau mà nước mắt cứ chảy dài trên khóe mắt. Ai cũng khóc vì sung sướng và đong đầy niềm hạnh phúc. Những giọt nước mắt thể hiện niềm kiêu hãnh của những người lính từng vào sinh ra tử, tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù.

Cũng như ông A Cốp, ông Nguyễn Đức Nhuận, 73 tuổi (thôn Tân Lập B, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) không thể nào quên được niềm vui khó có thể diễn tả được bằng lời, chỉ có niềm hạnh phúc dâng trào tại thời khắc lịch sử trọng đại của Ngày chiến thắng 30/4/1975.

Ông Nhuận cho biết, quê ông ở Hưng Yên. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Như bao chàng trai lúc bấy giờ, 18 tuổi, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, ông tình nguyện gia nhập quân đội vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù, năm 1973, ông bị thương ở chiến trường Quảng Trị với tỷ lệ thương tật 3/4.

Ông Nguyễn Đức Nhuận (trái) chia sẻ về niềm vui trong ngày chiến thắng 30/4/1975. Ảnh: C.C

Ông Nguyễn Đức Nhuận (trái) chia sẻ về niềm vui trong ngày chiến thắng 30/4/1975. Ảnh: C.C

Ông kể, trưa 30/4/1975, khi đang nằm điều trị vết thương ở bệnh xá quân đội, nghe mọi người hò reo vui mừng báo tin quân ta thắng trận, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, chế độ Ngụy quyền sụp đổ hoàn toàn, từ nay, đất nước được thống nhất. Vừa mừng vui, vừa vỡ òa hạnh phúc, nước mắt chảy dài trên gò má lúc nào không hay.

Ông chia sẻ, qua bao nhiêu năm chiến tranh, từ thời kháng chiến chống ách đô hộ của thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ xâm lược, đất nước Việt Nam bị mất mát khá nhiều. Gia đình ly tán, hàng triệu người con đất Việt đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường, những người may mắn còn sống sót trở về nhà sau cuộc chiến với thương tích đầy mình, gồng gánh nỗi đau về thể xác đến hết cuộc đời.

Bởi vậy, theo như lời tự sự của ông Nguyễn Đức Nhuận và ông A Cốp, chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại là niềm vui không chỉ riêng của những người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc mà là niềm vui chung của cả dân tộc Việt Nam anh hùng, dũng cảm, bất khuất, không bao giờ biết sợ bất cứ một kẻ thù xâm lược nào gây hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

Đơn giản là vì hàng ngàn năm qua, kể từ khi lập quốc, trải qua các triều đại phong kiến đến chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đều mong muốn chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác và làm bạn bè với tất cả các nước trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...