Người trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.

Đó là suy nghĩ của những con người vốn có một thời gian xa Tổ quốc, nay quyết định trở về sinh sống ở quê hương, nơi họ sinh ra và lớn lên, trong đó có vợ chồng ông Lê Ngọc Hùng - bà Nguyễn Thanh Vân.

Đổi thay từng ngày

Trong căn hộ chung cư ấm cúng của vợ chồng ông Lê Ngọc Hùng và bà Nguyễn Thanh Vân ở phường Thảo Điền (TP Thủ Đức, TPHCM), chúng tôi được mời cùng dự tiệc trà mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với những người hàng xóm mới quen của hai ông bà. Trên nền ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” phát ra từ chiếc máy nghe nhạc đĩa than kiểu cổ, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh sự hào hứng và ngạc nhiên của ông Hùng, bà Vân về sự thay đổi của đất nước so với những năm 1975.

Ông Lê Ngọc Hùng và bà Nguyễn Thanh Vân tại lễ khánh thành công trình Ánh sáng vùng biên ở Quảng Trị năm 2023.

Ông Lê Ngọc Hùng và bà Nguyễn Thanh Vân tại lễ khánh thành công trình Ánh sáng vùng biên ở Quảng Trị năm 2023.

“Việt Nam không chỉ thay đổi từng ngày mà là thay đổi từng giờ, từng phút. Kể từ năm 1999, năm nào tôi cũng về Việt Nam 2-3 lần, và lần nào cũng bất ngờ trước sự phát triển của đất nước”, bà Vân biểu lộ cảm xúc của mình bằng ánh mắt lấp lánh. “Chúng ta đã vươn lên từ một nước gần như nghèo nhất thế giới để trở thành nước có thu nhập trung bình khá, quả là một kỳ tích”, ông Hùng tiếp lời và nói: “Tôi không biết Chính phủ và người dân Việt Nam đã làm như thế nào, nhưng rõ ràng tất cả đang thay đổi theo hướng rất tích cực”.

“Vậy thì anh chị đã yên tâm sống ở Việt Nam chưa?”, một trong số những người hàng xóm lên tiếng. “Tôi mà biết trước Việt Nam sẽ như thế này thì ngày xưa tôi chẳng vượt biên đâu!”. Tất cả mọi người cùng cười vang sau câu trả lời hóm hỉnh của ông Hùng. Thế rồi, khi được hỏi về quyết định rời Tổ quốc gần 50 năm trước, nét mặt ông trở nên buồn bã…

Bước ngoặt số phận

Những ngày cuối tháng 4-1975, Sài Gòn chìm trong hỗn loạn. Tin tức về cuộc chiến kết thúc kéo theo từng dòng người hoảng loạn tìm mọi cách chạy khỏi Việt Nam. Tiếng trực thăng cuồng nộ, tiếng gào thét, bến sông đông nghịt… tất cả những điều đó khiến lòng người hoang mang. “Trong mắt tôi tất cả là màu đen, tôi không nhìn thấy một tương lai nào cả. Tin đồn về tắm máu trả thù những người có quá trình liên quan đến tư sản càng khiến tôi lo sợ”, ông Hùng trầm ngâm. Bà Vân tiếp lời chồng: “Thêm vào đó, chúng tôi đã kết hôn và có con. Lúc ấy tôi nghĩ tới tương lai của con, phải lo cho gia đình. Thế nên, chúng tôi quyết định ra đi”.

Năm 1980, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, bà Vân cùng cô con gái 2 tuổi với hành trang là 10 viên thuốc kháng sinh và vài bộ quần áo sờn rách, cũng đã đến được Seattle thuộc tiểu bang Washington, Mỹ. Hai mẹ con bà được chồng và con trai 4 tuổi, cũng vượt biên trước đó một năm rưỡi, ra phi trường đón. Từ đây, gia đình bà bắt đầu cuộc sống nơi đất khách quê người với 2 bàn tay trắng. Mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 2 tiếng đồng hồ, 22 tiếng còn lại để làm một công việc toàn thời gian, một công việc bán thời gian, đi học tiếng Anh, chăm con và cố gắng quen với nỗi cô đơn cùng cực của phận người di dân.

Ông Hùng chỉ cho mọi người xem vết sẹo: “Trong 5 năm đầu tiên, tôi làm công nhân nhổ cỏ dại trong sân trường, rồi sau đó là đi gõ cửa từng nhà để rao bán bảo hiểm chôn cất, thậm chí còn bị cướp rạch dao vào cổ”. Bà Vân kể, bà nhận lau chùi nhà vệ sinh, đánh bóng sàn nhà lát đá hoa cương bằng một chiếc máy to và nặng gấp 3 lần cân nặng của bà, rồi bà được cất nhắc lên lau dọn phòng cho khách sạn 5 sao... Đến năm 1985, ông Hùng và bà Vân được tuyển vào làm cho hãng dầu Exxon, một hãng lớn của Mỹ lúc bấy giờ. Bằng sự chăm chỉ, cần cù, hai ông bà dần tạo lập được cuộc sống ổn định và thành công tới độ ít người bản địa nào có được. Thời gian trôi qua cũng đủ để hai ông bà suy ngẫm và nhận định được những gì đã diễn ra với đất nước, với thân phận con người sau ngày giải phóng. Dù chứng kiến và bị lôi kéo bởi hoạt động của nhiều cá nhân, tổ chức cực đoan kích động hận thù hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá nhà nước Việt Nam, nhưng ông bà kiên quyết độc lập trong tư duy chính trị và tôn giáo, luôn hướng về quê hương bằng những tình cảm yêu thương nhất.

Khẽ đặt tay lên tay vợ, ông Hùng đồng cảm: “Bản thân tôi thấy không hề có một sự đối xử khác biệt nào giữa những người đã di tản hay vượt biên từ nước ngoài trở về, người dân và chính quyền hoàn toàn không đối xử phân biệt với chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, ai đó còn tư tưởng phân biệt hận thù thì đó là bởi họ có mục đích cá nhân của họ. Nếu thực sự yêu Việt Nam thì thay vì hận thù, mình nên đóng góp vào sự phát triển của đất nước và đoàn kết dân tộc. Đất nước Việt Nam bây giờ so với trước đã khác một trời một vực. Có được điều đó là nhờ chiến tranh chấm dứt và đất nước thống nhất”.

Ra đi để trở về

Kể từ năm 1999, khi có điều kiện về Việt Nam thường xuyên hơn, gia đình ông Hùng, bà Vân cùng các con đã thành lập Hội thiện nguyện Hoa Lan với mục đích giúp người nghèo khổ, trẻ mồ côi, mục tiêu trọng tâm là sức khỏe và giáo dục cho Việt Nam và vì Việt Nam. Ngoài ra, Hội thiện nguyện Hoa Lan còn đóng góp cơ sở vật chất, xây dựng nhà tình thương ở các cơ sở khám chữa bệnh cho người nghèo. Nhiều dự án thiện nguyện đã được triển khai, hàng ngàn trẻ mồ côi, khó khăn đã được đi học và có công ăn việc làm, người già có nơi nương tựa, thi công, xây mới, cải tạo các công trình làm đường, kéo điện, xây trường…

Lật giở từng trang ghi rõ các dự án thiện nguyện đã thực hiện, bà Vân chỉ cho chúng tôi xem ảnh chụp các nhân vật, địa điểm mà gia đình bà hỗ trợ và bảo trợ: cô nhi viện Đức Sơn ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), cô nhi viện và viện dưỡng lão ở chùa Bình An, huyện Bình Chánh (TPHCM), nhà tình thương thánh Giuse ở Thuận An (Bình Dương), trại phong Bình Minh ở Long Thành (Đồng Nai), trường mầm non thôn An Hòa ở Tản Lĩnh (Hà Nội), hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học Mỹ Chánh, THCS Mỹ Chánh (huyện Châu Thành, Trà Vinh) hỗ trợ tài chính cho nhiều em học sinh nghèo ở Hà Nam, Lâm Đồng, Hải Dương, Yên Bái, TPHCM…

Mang trong mình nỗi khắc khoải với Tổ quốc, bà Vân luôn tự dặn lòng “đi để trở về, sẽ trở về”. Chính vì lẽ đó, hơn 20 năm qua, ông bà như cánh chim không mỏi, mải miết đi về để góp một phần sức lực của mình, cống hiến xây dựng quê hương. “Khi biết vợ chồng tôi quyết định về ở hẳn Việt Nam, ai cũng thắc mắc, vì sao lại bỏ cuộc sống sung túc, bên Mỹ để về Việt Nam”, bà Vân chậm rãi nói, “Thực sự ở bên Mỹ, con cái chúng tôi khá thành đạt, các cháu hiếu thuận, chúng tôi không thiếu thốn về vật chất, thế nhưng, mỗi người đều thuộc về một đất nước, một quê hương. Thế hệ con cháu của chúng tôi lớn lên ở Mỹ, chúng gắn bó với nước Mỹ, nói tiếng Mỹ, còn chúng tôi thuộc về Việt Nam. Càng có tuổi, ý niệm đó lại càng sâu sắc hơn. Về Việt Nam, chúng tôi được nhiều lắm. Bữa tiệc nhỏ hôm nay cũng vậy. Tất cả những hàng xóm mới quen của chúng tôi đều đến dự với tình cảm chân thành và không có khoảng cách. Tôi cảm nhận được thế nào là tình làng nghĩa xóm, là ấm áp quê hương, điều tôi không bao giờ tìm được ở Mỹ”, bà Vân nói với sự mãn nguyện, hạnh phúc.

Chúng tôi cùng ăn trái cây, trò chuyện thêm nhiều chủ đề khác. Hàng xóm của ông Hùng, bà Vân đều là cán bộ hưu trí, có người là bác sĩ, có người là giáo sư vật lý, nhà báo, sĩ quan quân đội… Trong xã hội, họ có một địa vị khác nhau, nhưng ở đây, họ chỉ đơn thuần là những người hàng xóm chân thành và thân tình. Bất chợt, tôi nhớ tới câu kết trong bài “Tình sông núi” của nhà thơ Trần Mai Ninh: “Có mối tình nào hơn Tổ quốc?”. Đã có những người phải đi gần cả cuộc đời mới tìm được câu trả lời, và họ lựa chọn trở về để trả nghĩa cho quê hương. Đã có những cuộc ra đi không hẹn ngày trở lại bởi không phải ai cũng may mắn vượt qua được thử thách của số phận như ông Hùng, bà Vân. Nhưng dẫu có thế nào thì người Việt Nam đang sống ở bất cứ nơi nào cũng là bầu bí một giàn.

Xin được dẫn lời bà Vân thay cho lời kết: “Giờ đây, khi trở về sống bình an giữa lòng Tổ quốc, đối với tôi, ngày nào cũng là ngày hạnh phúc. Chúng tôi mến chúc các bạn luôn được an vui với niềm tự hào dân tộc Việt, có sức khỏe dồi dào để được trở về sum vầy trên đất mẹ Việt Nam”.

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.