70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 12: Về bức tranh panorama tại bảo tàng Điện Biên Phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không nhiều người biết để tạo nên bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ, gần 200 họa sĩ đã phải lao động rất miệt mài, gian khổ. Trình độ mỹ thuật cao chỉ là một trong nhiều yếu tố tạo nên tác phẩm nghệ thuật đồ sộ ấy…

Kết quả của hàng trăm lần “thử và sai”

Tháng 5/2022, giới hội họa Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đã phải trầm trồ khi bức tranh panorama (dạng tranh toàn cảnh) về chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức được trưng bày tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bức tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu, với 4.500 nhân vật có chiều dài 132m, chiều cao 20,5m, đường kính 42m và tổng diện tích 3.225m2, đây là bức tranh tường lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong top những bức tranh tường lớn nhất thế giới, cùng các bức tranh nổi tiếng như “Trận chiến Borodino” cao 15m, dài 115m tại bảo tàng tranh panorama (Nga), hay bức “Trận chiến Sevastopol” cao 14m, dài 115m trưng bày tại bảo tàng tranh panorama ở Sevastopol (Ukraine)...

Ông Nguyễn Văn Mạc (trái) - trưởng nhóm họa sĩ vẽ bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ và bà Vũ Thị Tuyết Nga - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Văn Mạc (trái) - trưởng nhóm họa sĩ vẽ bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ và bà Vũ Thị Tuyết Nga - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Bức tranh đã giành được nhiều giải thưởng lớn về nghệ thuật như giải Nhất giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022; giải Đặc biệt giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023…

Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình tạo nên bức tranh chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Mạc, “kiến trúc sư trưởng” đã đứng ra tập hợp gần 200 họa sĩ để vẽ nên bức tranh này. Theo ông Mạc, mất 9 năm để các họa sĩ hoàn thành bức tranh. Quá trình này có thể chia làm 3 giai đoạn chính: Phác thảo bước 1 (từ 2014-2016), phác thảo bước 2 (từ 2016-2019) và giai đoạn hoàn thiện (từ 2019-2022). Ở bản phác thảo đầu tiên, bức tranh chỉ có diện tích 76 m2.

Hình ảnh các họa sĩ hoàn thiện bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ trên giàn giáo

Hình ảnh các họa sĩ hoàn thiện bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ trên giàn giáo

Ông Mạc cho biết, trong số gần 200 hoạ sĩ tham gia, phần lớn tham gia vẽ phác thảo và vẽ phối cảnh sơ bộ, chỉ có một nhóm hoạ sĩ nòng cốt khoảng vài chục người đảm nhiệm những phần quan trọng nhất của bức tranh. Đó là những người đã làm việc với bức tranh ngay từ giai đoạn phác thảo bước 1.

Nhưng không phải cứ đặt cọ xuống là họ có thể vẽ một mạch từ đầu đến cuối. Thực tế, bức tranh thành phẩm là kết quả của quá trình thử và sai lặp lại hàng trăm lần. Ông Mạc cho biết, số bản phác thảo phải bỏ đi trong giai đoạn vẽ tranh nhiều vô kể. Cũng giống như những nhà khoa học, trước khi tạo ra một phát minh mới đã phải thử đi thử lại hàng trăm, hàng ngàn lần đến khi thành công mới thôi.

Bên cạnh đó, người trưởng nhóm phải nắm được sở trường của từng hoạ sĩ một để phân công nhiệm vụ phù hợp với họ. Bởi có anh thì vẽ người tốt, anh thì vẽ vũ khí tốt, anh lại vẽ phong cảnh tốt…

“Trong 6 năm đầu tiên, toàn bộ chi phí đều do chúng tôi tự lo hết. Bởi ngay từ đầu, đây là dự án riêng của công ty chứ không phải ký kết với bên nào cả. Một dự án nghệ thuật đồ sộ như vậy, lại chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam thì ai dám tin mà ký! Chỉ có mình tin vào mình thôi”, ông Mạc chia sẻ.

Sau khi hoàn thành giai đoạn phác thảo bước 2, nhóm của ông Mạc mới liên hệ với tỉnh Điện Biên, mời các lãnh đạo tỉnh và các thành viên thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tới xem bức tranh rồi đề xuất đặt tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khi hoàn thành. Ông Mạc kể, khi xem xong, các lãnh đạo và thành viên của Hội VHNT tỉnh Điện Biên đã đồng ý ngay. “Trong giai đoạn hoàn thiện bức tranh từ năm 2019-2022, nhóm họa sĩ của tôi đã trực tiếp làm việc tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, ông Mạc cho biết.

Trên cây cọ vẽ là niềm tự hào dân tộc

Những du khách đến tham quan bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Những du khách đến tham quan bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ông Mạc tâm sự, trong suốt quá trình tạo nên bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ, không lúc nào là ông không lo lắng. Vì lịch sử là lĩnh vực không có chỗ cho bất cứ sai lầm nào dù là nhỏ nhất. Chưa cần biết anh làm hay ra sao, nhưng đầu tiên anh phải làm đúng đã. Đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật về lịch sử bị công chúng “ném đá” dữ dội vì làm sai, hoặc tự ý hư cấu thêm. Ông Mạc không lo về trình độ mỹ thuật của các họa sĩ, mà lo rằng không biết họ có thật sự hiểu rõ về thứ mình đang vẽ hay không. Bởi họ hầu hết đều khá trẻ (rất nhiều 9x, người lớn tuổi nhất sinh năm 1985) nên không có bất cứ ký ức hay hoài niệm gì về chiến tranh cả.

“Nếu thành công, bức tranh sẽ gây được tiếng vang lớn cả trong nước lẫn quốc tế. Còn nếu thất bại, chúng tôi sẽ mất tất cả những gì đã xây dựng, đầu tư suốt mấy năm trời. Đó là sự khắc nghiệt của hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung. Tôi muốn các họa sĩ trẻ phải hiểu được chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào với dân tộc, các chiến sĩ và đồng bào ta đã vượt qua những gian khổ, khó khăn như thế nào…”, ông Mạc chia sẻ.

Vì vậy, trong suốt 9 năm trời, ông Mạc cùng các họa sĩ đã liên tục về Điện Biên đi điền dã để nắm được toàn bộ phong cảnh và không gian cần thể hiện. Bên cạnh đó, họ sưu tầm rất nhiều tranh, ảnh, tư liệu, đọc những cuốn sách, xem những bộ phim về chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ tìm gặp cả những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở nhiều tỉnh thành khác nhau như Điện Biên, Hải Phòng, Nghệ An… để nghe những câu chuyện chiến tranh năm xưa. Và không thể thiếu công đoạn xin ý kiến tư vấn từ rất nhiều chuyên gia về lịch sử, quân sự, mỹ thuật, các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà điêu khắc…

Mặt khác, việc đi điền dã, nghiên cứu tài liệu, gặp các nhân vật và xin ý kiến chuyên gia không chỉ nhằm củng cố kiến thức về lịch sử, mà còn giúp các hoạ sĩ trẻ cảm nhận được tinh thần chiến đấu anh hùng của cha ông ta, khơi dậy lòng yêu nước trong trái tim họ. Khi ấy, cảm hứng nghệ thuật của họ sẽ tuôn trào, giúp những nét vẽ trở nên thăng hoa hơn. Trên những cây cọ lúc ấy không chỉ có đam mê của người họa sĩ, mà còn hàm chứa những kiến thức về lịch sử, lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc của người trẻ Việt Nam.

“Dù còn nhiều điều tiếc nuối, nhưng chúng tôi biết mình đã thành công khi những chiến sĩ Điện Biên năm xưa nói rằng họ thấy bản thân mình bên trong bức tranh. Với chúng tôi, điều đó còn quý giá hơn cả những giải thưởng danh giá”, ông Mạc chia sẻ.

Theo bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ khi bức tranh được trưng bày, lượt khách tới thăm bảo tàng đã tăng gấp đôi. “Trước đó, mỗi năm bảo tàng đón khoảng 100.000 lượt khách du lịch. Nhưng trong năm 2022, bảo tàng đã đón tới 220.700 lượt khách. Năm 2023, sân bay Mường Thanh phải đóng cửa để nâng cấp một thời gian nên lượt khách giảm, dù vậy vẫn đạt con số hơn 135.000 lượt. Nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, bảo tàng đã đón hơn 50.000 lượt khách”, bà Nga cho biết.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.