70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 10: Hồng Cúm – nơi tàn quân cố thủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù phân khu Trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ, tướng Đờ Cát đầu hàng vô điều kiện nhưng quân Pháp ở phân khu Hồng Cúm vẫn còn nguyên 3 tiểu đoàn. Chúng ngoan cố chống cự để tìm đường tẩu thoát sang Lào...

Cánh cửa hậu

Phân khu phía Nam hay còn gọi là phân khu Hồng Cúm là một trong ba phân khu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phân khu này cách phân khu Trung tâm ở Mường Thanh khoảng 5 km. Hồng Cúm bắt nguồn từ tiếng dân tộc Thái là “Hoong Cúm” (tên một khe suối) nên quân đội ta gọi là phân khu Hồng Cúm. Còn người Pháp đặt cho cụm cứ điểm/phân khu này này là Isabelle - tên cô gái đẹp của nước Pháp.

Trận địa Hồng Cúm giờ đây đã thành cánh đồng lúa xanh mướt, với dòng Nậm Rốm bồi đắp phù sa

Trận địa Hồng Cúm giờ đây đã thành cánh đồng lúa xanh mướt, với dòng Nậm Rốm bồi đắp phù sa

Ban chỉ huy phân khu Hồng Cúm của địch đặt giữa cánh đồng, các cứ điểm được bố trí hai bên bờ sông Nậm Rốm, gọi theo phiên hiệu A, B và C. Tổng quân số địch tại đây là 2.000 lính, 2 xe tăng, pháo 105 ly và pháo 12 ly. Phân khu này đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Đại tá La Lăng, Chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cho thấy vai trò quan trọng của nó. Theo đó, phân khu này có nhiệm vụ, vừa bảo vệ phía Nam của tập đoàn cứ điểm, vừa chi viện cho phân khu Trung tâm. Tại đây còn có một sân bay dã chiến (gọi là sân bay Hồng Cúm, bên cạnh sân bay Mường Thanh ở phân khu Trung tâm) có nhiệm vụ tiếp nhận quân tư trang, vũ khí, đạn dược vận chuyển bằng cầu hàng không từ Hà Nội lên. Phân khu Hồng Cúm còn được Pháp toan tính là cánh cửa hậu để mở đường thoát chạy sang thượng Lào khi quân Pháp ở Điện Biên Phủ có nguy cơ thất thủ.

Phân khu Hồng Cúm được dựng tấm bia ghi dấu chiến công của bộ đội ta ngay sát đường 41 đi cửa khẩu Tây Trang.

Phân khu Hồng Cúm được dựng tấm bia ghi dấu chiến công của bộ đội ta ngay sát đường 41 đi cửa khẩu Tây Trang.

Tại phân khu này, từ đầu chiến dịch đến gần cuối chiến dịch, quân ta chủ yếu triển khai phương án bao vây, kiềm chế pháo binh địch, ngăn chặn lực lượng ở phân khu này tiếp viện cho phân khu Trung tâm. Đồng thời, quân ta cũng triển khai các biện pháp để khống chế sân bay Hồng Cúm, cắt đường tiếp tế của địch bằng đường hàng không cho phân khu này và toàn bộ tập đoàn cứ điểm.

Cổ thủ đến phút cuối

Để hình dung lại cuộc chiến tại đây, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Viết Điểm (SN 1930), nguyên là Tiểu đội phó Tiểu đội DKZ (pháo không giật B10). Đơn vị của ông Điểm từng chiến đấu tại Bản Ten, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) và khu C4 (thuộc tổ dân phố 9, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ). Đây là những trận địa của ta bố trí để làm gọng kìm, bóp chặt phân khu Hồng Cúm.

Ông Điểm quê ở xã Phú Cường huyện Ba Vì (Hà Nội) tham gia Quyết tử quân từ năm 1946, hoạt động từ thị trấn Phùng lên thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Sau quá trình chiến đấu tại Hà Nội, ông Điểm xung phong ra mặt trận và được biên chế vào Đại đoàn 308. Trận đầu tiên ông tham gia đánh Nà Si rồi ngược đường 6, tham gia đánh Mộc Châu.

Khi chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) nổ ra, ông Điểm vinh dự tham gia chiến dịch. Đơn vị của ông hành quân về Tuần Giáo rồi tiến về Điện Biên Phủ. Sau đó, đơn vị được bố trí ở dọc đường 41 phía nam phân khu Trung tâm Mường Thanh, cạnh phân khu Hồng Cúm. “Tôi nhớ, ăn Tết xong, chúng tôi tham gia một số trận đánh nhỏ trước khi tiến về Điện Biên Phủ. Về đến Điện Biên Phủ thì chúng tôi đào hào. Người đi đến đâu, giao thông hào đi đến đó để tránh thương vong. Chúng tôi đào hào và ăn ở luôn tại đó”, ông Điểm nhớ lại.

Ông Nguyễn Viết Điểm

Ông Nguyễn Viết Điểm

Ở phía Nam lòng chảo Điện Biên lúc đó, Đại đoàn 304 có mặt từ trước, áp sát cứ điểm Hồng Cúm, hình thành một vòng vây ngăn chặn không cho địch chạy sang Lào. Pháo binh của ta ở đó có thêm một tiểu đoàn DKZ 75, một tiểu đoàn hỏa tiễn 75 ly sáu nòng, là những hỏa lực mạnh khiến địch khó phá được vòng vây.

Ông Điểm kể: “Tôi còn nhớ, hôm đó là ngày 21/4, địch từ Hồng Cúm quyết định chi viện cho phân khu Trung tâm. Chúng điều xe tăng và lính hướng về Mường Thanh. Trên đường đi, chúng phá giao thông hào của ta. Khi xe tăng địch đến khu vực bản Ten (xã Thanh Xương, thành phố Điện Biên Phủ ngày nay - PV) cách ta chừng 800m, tiểu đội chúng tôi đã đưa DKZ lên ngắm bắn. Chiếc xe trúng đạn, đứt xích không chạy được nữa. Hai tổ lính địch hoảng loạn, rút lui. Quân ta đuổi theo truy kích, địch đánh trả quyết liệt. Tôi bị dính mảnh đạn vào ngực trái, dưới tai trái, rồi được đưa đi sơ cứu. Sau trận đó, tôi được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường”.

Ông Điểm kể tiếp, chiều 7/5, quả bộc phá nặng gần một tấn phát nổ trên đồi A1 (đã nêu ở bài trước), phân khu Trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đứng đầu là tướng Đờ Cát đã đầu hàng quân ta vô điều kiện. Khắp mặt trận, quân ta nhận được thông báo nên vui mừng, khí thế dâng cao hừng hực. Nhưng địch ở phân khu Hồng Cúm vẫn còn nguyên vẹn 3 tiểu đoàn ngoan cố chống cự. Ý định của chúng là giữ nguyên đội hình, không đầu hàng, lựa thời cơ để tẩu thoát sang Lào theo kế hoạch định trước của tướng Na va.

Phân khu Hồng Cúm là một trong những trận địa ác liệt, quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội Pháp. Tuy nhiên, hiện nay, nơi đây chỉ còn sót lại một tấm bia ghi dấu chiến công của bộ đội ta ngay sát đường 41 đi cửa khẩu Tây Trang. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đang đề xuất triển khai các hạng mục bảo tồn tôn tạo di tích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.

Quân ta tập trung pháo 105 ly bắn cấp tập vào cứ điểm Hồng Cúm và kêu gọi toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm ra đầu hàng. Nhưng chúng vẫn nằm im, không hề có một phản ứng nào. Thậm chí, có lúc, chúng bất thần mở đường máu để rút lui. Khi ta tấn công, giặc điên cuồng chống trả các cuộc tấn công của quân ta để hòng trốn thoát. Cuộc chiến đấu diễn ra trong thế giằng co ác liệt.

Đến tối ngày 7/5, chúng ta yêu cầu và tướng Đờ Cát đã nhất trí gọi điện hạ lệnh cho Hồng Cúm đầu hàng nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế. Không còn cách nào khác, đến 20h cùng ngày, được sự chi viện của các đơn vị trên mặt trận, quân ta quyết định “dọn sạch” tàn quân của địch tại Hồng Cúm.

Bộ đội chủ lực sử dụng pháo bắn thẳng vào đội hình địch rồi xung phong tấn công. Lúc này, hàng trăm tên địch hoảng loạn, vứt vũ khí tháo chạy khỏi trận địa. Quân ta truy kích, tiêu diệt và bắt sống gần 2.000 tên, thu được nhiều đạn, súng cối và khí tài khác. Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng của chúng ta chính thức kết thúc thắng lợi.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, những cựu chiến binh như ông Nguyễn Viết Điểm đã ở lại xây dựng Nông trường Điện Biên. Sau đó, ông chuyển về làm Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy thị xã Lai Châu (cũ) rồi nghỉ hưu năm 1987.

Chiến tranh đã lùi xa 70 năm, bao phủ lên chiến trường ác liệt xưa giờ là sức sống mới, cuộc sống mới của người dân nơi đây. Trận địa Hồng Cúm ngày xưa với thép gai, bom mìn và hầm hào nay đã thay da đổi thịt, thành cánh đồng lúa xanh mướt có dòng Nậm Rốm uốn quanh.

(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.