70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 7: Him Lam - 'trận đầu phải thắng'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đúng 17h5 phút ngày 13/3/1954, bộ đội ta nổ súng vào Him Lam, mở màn cuộc tổng tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đó là “cánh cửa sắt” của địch nhưng bị chúng ta phá toang bằng sự mưu trí và lòng quả cảm, trong “mưa dầm, cơm vắt”, trong “máu trộn bùn non”…

“Cánh cửa sắt” của Điện Biên Phủ

Trong bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu có đoạn: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”. Đó là 3 địa danh lớn nhất của chiến trường Điện Biên Phủ. Trên đất Điện Biên, Him Lam ở phía Bắc, phân khu trung tâm Mường Thanh ở giữa và Hồng Cúm ở phía Nam.

Bộ đội ta ném lựu đạn tiêu diệt địch tại Him Lam

Địa hình ở Him Lam chủ yếu là đồi thấp, xen lẫn các thung lũng nhỏ, có sông Nậm Rốm chảy qua. Him Lam là cách gọi trệch từ Hin Đăm của tiếng Thái. Hin là đá, đăm là đen. Trong phát âm, người Thái không phân biệt được phụ âm đ và phụ âm l, bộ đội ta nghe “đăm” thành “lam” nên thành ra tên gọi Him Lam như hiện nay. Him Lam có vị trí quan trọng hơn vì nó là một bệ lô cốt lớn, cách phân khu Trung tâm 2,5km, án ngữ ngay con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ. Dưới đổi là con suối có rất nhiều phiến đá màu đen.

Ông Bùi Kim Điều kể lại giây phút mở màn chiến dịch

Ông Bùi Kim Điều kể lại giây phút mở màn chiến dịch

Trung tâm đề kháng Him Lam được xây dựng trên ba quả đồi, tạo thành 3 cứ điểm dễ dàng hỗ trợ cho nhau, pháo ở Mường Thanh có thể yểm trợ. Him Lam còn được phòng ngự phức tạp và chắc chắn với hệ thống chiến hào ngang dọc nối liền các cơ quan, hầm ngầm và các hỏa điểm hiện đại, được bố trí thành nhiều tầng. Trong, ngoài cứ điểm này còn có hệ thống mìn, dây thép gai. Hàng thép gai có nơi rộng từ 100m đến 200m.

Trung tâm đề kháng Him Lam được mệnh danh là “cánh cửa sắt” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến mức, trước trận đánh, quân ta bắt được tù binh tên là Giắc Kơ. Khi được ta chăm sóc y tế chu đáo, Giắc Kơ “thành thật” khuyên: “Tôi khuyên các ngài một điều, các ngài chớ động vào Him Lam vì vào Him Lam là tự nguyện vào chỗ chết”.

Tấn công tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập

Tấn công tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập

Để được “sống lại” trong bầu không khí của trận đánh Him Lam, chúng tôi được Thiếu tướng Nguyễn Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên giới thiệu gặp người từng tham gia trận chiến. Đó là ông Bùi Kim Điều, chiến sỹ thông tin của Đại đoàn 312. Nhà ông Điều giờ nằm ngay chân suối cạn, nơi từng là hàng rào dây thép gai vòng ngoài của trung tâm đề kháng Him Lam năm xưa. Quê ở Gia Viễn (Ninh Bình), chiến sỹ Điều nhập ngũ năm 22 tuổi. Sau huấn luyện, chiến đấu ở chiến dịch Tây nam Ninh Bình, đơn vị ông được lệnh di chuyển lên Tây Bắc.

Ông Điều bắt đầu câu chuyện bằng việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao Đại đoàn 312 đánh trận mở đầu. “Nếu các đồng chí chiến thắng thì tạo điều kiện cho bộ đội ta rất nhiều, tạo khí thế cho các trận địa khác. Nếu các đồng chí không chiến thắng bộ đội ta thiệt hại rất lớn. Vì thế, dù có phải hi sinh nhiều, các đồng chí phải chiến thắng”, ông Điều nhớ lại lời Đại tướng nhắn gửi.

“Quân ta vừa hô vừa tiến như vũ bão”

“Đúng 17h5 phút ngày 13/3/1954, 40 khẩu pháo cỡ từ 75 mm đến cối 120 mm đồng loạt nhả đạn. Ba loạt pháo của ta trút bão lửa lên đồi Him Lam khiến quân địch bất ngờ và thiệt hại nặng nề. Để vượt qua hàng rào dây thép gai, ta phải dùng đến cả bộc phá. Rồi hai trung đoàn mở đường, tiến thẳng lên đồi Him Lam. Quân ta vừa hô, vừa tiến như vũ bão”, ông Điều kể.

Rồi ông tiếp tục, sau hai giờ đồng hồ, ta chiếm được cứ điểm 1 và nửa cứ điểm 2. Tại cứ điểm 2, có một khẩu đại liên bắn ra với diện rộng bộ đội ta hi sinh và bị thương rất nhiều, không tiến thêm được. “Trong lúc nguy cấp đó, Tiểu đội phó Phan Đình Giót (lúc đó 32 tuổi, lớn tuổi nhất) dù bị thương ở chân nhưng tay cầm khẩu tiểu liên vừa chạy vừa bắn, ném lựu đạn. Đến lỗ châu mai, anh vươn mình lấy đà, lao thẳng vào lỗ châu mai. Khẩu đại liên im bặt. Quân ta ào lên chiếm lô cốt. Từ lúc đó, sự kháng cự của địch yếu dần. Đúng 21h30 phút, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Him Lam”, ông Điều kể.

Theo ông Điều và các cứ liệu lịch sử hiện nay, trong trận chiến này, ta tiêu diệt 200 tên địch, bắt sống 375 lính Lê Dương, thu giữ toàn bộ vũ khí. Sau đó, Đại đoàn 312 cùng Đại đoàn 308 tập trung bao vây, đánh đồi Độc Lập.

Cứ điểm đồi Độc Lập tuy chỉ có một quả đồi nhưng được bố phòng kiên cố hơn, hầm hào nhiều hơn. Vì vậy, ta đánh 2 ngày đêm nhưng chưa chiếm được. Cấp trên nhận định, ta phải thay đổi cách đánh. Vì địch ở trên chỉ cần quăng lựu đạn xuống, quân ta bị thương nhiều. Còn ta bắn lên, chỉ bắn vào tường hào… mà không trúng địch.

“Lúc đó, có một mật báo từ Tiểu đoàn về Trung đoàn xin thay đổi cách đánh và chi viện lựu đạn, thủ pháo. Mật báo này được giao cho tiểu đội 3 người, do tôi làm tổ trưởng”, ông Điều kể.

Vượt qua quãng đường chừng 2km từ trận địa về Sở chỉ huy Trung đoàn, dưới là hầm hào bùn lầy, trên là lửa đạn nhưng không thể cản bước chân tiểu đội thông tin. “Cung đường 2km nhưng không thể đi thẳng, có lúc chạy dưới hào, có lúc trườn trên cánh đồng giữa làn đạn khói lửa của địch. Hai đồng đội tôi bị thương nặng bị tụt lại. Tôi cũng bị thương. Lúc đó, nghĩ rằng, nếu chậm một phút sẽ lỡ thời cơ nên tôi tự băng bó vết thương để tiếp bò, có lúc nhảy cò dưới hào. Cuối cùng, tôi đến được Sở chỉ huy Trung đoàn. Tôi thông báo cho Trung đoàn trưởng Lê Thùy rồi lịm đi vì mất máu. Tỉnh lại mới biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Lựu đạn, thủ pháo đã được chi viện kịp thời. Hai ngày sau, cứ điểm Đồi Độc lập bị tiêu diệt”, ông Điều nhớ lại.

Những ngày sau, trung đoàn của ông được lệnh đào hào chia cắt sân bay Mường Thanh. Đó là những ngày mưa liên tục, đất thành bùn lầy. “Nhiều ngày không nấu được cơm, chúng tôi ăn gạo rang, uống nước. Lúc ngủ thì vào hầm ếch ngay trên chiến hào. Cứ tiểu đội 3 người dựa lưng vào nhau lấy hơi ấm. Mỗi ca ngủ 3 tiếng. Đơn vị cứ thay nhau đào hào và ngủ như thế. Dưới hào là bùn non, là nước, thậm chí cả máu trộn lẫn. Nhưng tinh thần chúng tôi không nao núng. Hơn 10 ngày sau, hào của chúng tôi nối liền 2 đầu, chia cắt sân bay. Lúc đó, mặt mũi lấm lem, không nhận ra nhau nhưng vỡ òa sung sướng”, ông Điều kể.

Đường băng bị chia cắt, máy bay địch vì thể không thể hạ cánh, buộc phải thả người và hàng từ trên cao. Và, quân ta đã thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, có thêm nguồn tiếp tế, sức khỏe vật chất và tinh thần của bộ đội ta càng tăng lên…

Ngày 11/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận. Người viết: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.

Bác hôn các chú”

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.