70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Dòng chữ “A1: Bùn - máu và hoa” được đặt trên đỉnh đồi A1.

Dòng chữ “A1: Bùn - máu và hoa” được đặt trên đỉnh đồi A1.

Đào hào để giảm thương vong

Khi về thăm mảnh đất Điện Biên, có lẽ ai cũng muốn một lần được tới thăm khu di tích lịch sử đồi A1 - một biểu tượng anh hùng bất diệt của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Đây là nơi đã diễn ra trận đánh ác liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Khi ấy, đồi A1 chỉ toàn màu vàng của đất, màu đen của khói, thuốc súng và màu đỏ của máu. Đó là những gì còn đọng lại trong ký ức của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa như ông Phạm Bá Miều và ông Nguyễn Hữu Chấp.

Cựu binh Nguyễn Hữu Chấp (94 tuổi, nguyên là trung đội trưởng một trung đội súng cối 82mm) nhớ lại, ban đầu bên ta định tác chiến theo kiểu “đánh nhanh thắng nhanh”, nhưng do tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ quá hùng mạnh nên ta phải thay đổi phương châm thành “đánh chắc, tiến chắc” để giảm thương vong.

Với phương châm ấy, hệ thống giao thông hào là một trong những yếu tố cốt tử. Hỏa lực của địch rất mạnh, các lô cốt và công sự cũng vô cùng kiên cố, nếu bộ binh tiến công trên mặt đất sẽ phải chịu tổn thất rất lớn. Vì vậy, hệ thống giao thông hào sẽ che chắn bộ đội ta khỏi bom đạn của địch, đồng thời bảo đảm sự bí mật cho các cuộc tiến công của ta.

“Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã đào được tổng cộng hơn 400 km hầm, hào ở tất cả những nơi có chiến sự như đồi A1, C1, D1, Him Lam, Độc Lập… Không ai là không đào hào. Ai cũng giữ cái xẻng, cái cuốc như bùa hộ mệnh. Người đi đến đâu, giao thông hào phải đi đến đó. Giao thông hào là mạch máu của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, ông Chấp nói.

Theo cựu binh Phạm Bá Miều (94 tuổi, quê Thái Bình, từng chiến đấu tại Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316), trước khi đào bất kỳ đường hào nào, ta phải nắm rõ được các vị trí lô cốt, ụ súng đại liên, bãi mìn, dây thép gai… của địch để luôn đi trước một bước. Ngoài ra, bộ đội ta còn đào thêm cả những hầm ếch chỉ vừa ba người ngồi để làm nơi trú ẩn, tránh đạn rocket của địch.

“Thấy bộ đội đào hầm, hào vất vả quá, cả Bác Hồ lẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều viết thư động viên với nội dung: dù con đường phía trước còn rất gian khổ, mong các đồng chí cố gắng đoàn kết, vượt qua thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Miều nói.

Hố sâu tạo ra bởi khối bộc phá nặng gần 1 tấn được bộ đội ta kích nổ.

Hố sâu tạo ra bởi khối bộc phá nặng gần 1 tấn được bộ đội ta kích nổ.

Đào hầm để xuyên núi

Một bước ngoặt then chốt không thể bỏ qua khi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là khối bộc phá nặng 960kg đã được bộ đội ta kích nổ gần đỉnh đồi A1, nơi có hầm ngầm của quân địch. Trước đó, Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã xác định việc áp sát tiêu diệt các lô cốt, công sự của địch không khả thi vì địch đã tập trung binh, hỏa lực mạnh nhất về đây. Vì vậy, bộ chỉ huy đã vạch ra một kế hoạch “lấy hầm trị hầm”: bộ đội ta sẽ đào một đường hầm bí mật chạy thẳng tới lô cốt địch phía đỉnh đồi rồi chuyển khối bộc phá vào trong và kích nổ. Dự kiến đây sẽ là “cú đấm ngàn cân” để hạ nốc-ao lực lượng của Pháp tại đồi A1.

Ông Miều kể, Đại đội công binh M83 thuộc Trung đoàn công binh 151, Đại đoàn 351 được giao nhiệm vụ đào đường hầm. Dụng cụ đào hầm vẫn chỉ là cuốc chim và xẻng. Càng vào sâu, đất càng cứng và môi trường càng thiếu dưỡng khí làm nhiều đồng chí bị ngất. Chiến thuật được điều chỉnh: Chỉ bố trí một người đào, những người còn lại xếp thành hàng dài ngoài cửa hầm, dùng quạt nan quạt dưỡng khí vào trong. Dù vậy, cứ nửa tiếng là phải thay ca một lần vì việc đào hầm quá hao sức lực. Để không bị phát hiện, bộ đội ta cho đất được đào ra vào các túi dù, chuyển ra ngoài rồi đắp vào những bờ hào, bờ công sự.

Sau 15 ngày, đường hầm dài 47 mét đã hoàn thành, dù vẫn còn cách hầm ngầm của quân đội Pháp khoảng 30 mét. Các chiến sĩ xếp thành hàng dài, lần lượt chuyền tay nhau từng khối bộc phá nặng khoảng 20kg vào trong hầm cho tới khi đủ khối lượng 960kg. Đúng 20h30’ ngày 6/5/1954, các đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn Bạch điểm hỏa khối bộc phá. Tiếng nổ hóa ra không quá lớn, nhưng rung chấn là rất mạnh, làm cả quả đồi rung lên bần bật như có động đất. Vụ nổ đã phá hủy một số lô cốt, chiến hào và tiêu diệt phần lớn đại đội dù số 2 của địch.

“Nhân lúc địch còn đang hoảng loạn, hiệu lệnh tổng công kích được phát đi, bộ binh chúng tôi từ mọi hướng lập tức xông lên, đánh chiếm hầm chỉ huy đồi A1. Ta và địch giành giật nhau từng chiến hào, từng ụ súng, cuối cùng tới sáng ngày 7/5/1954, đồi A1 đã thuộc về ta”, ông Miều kể.

“Tôi nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dặn dò rằng, “Chúng ta không được để đồng chí nào hy sinh mà không được về nghĩa trang cùng với các đồng đội”. Đến nay, đã có tổng cộng 644 liệt sĩ được đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ A1. Mong rằng, trong tương lai, sẽ còn có thêm nhiều đồng chí nữa được đưa về đây an nghỉ, để tâm nguyện của Đại tướng được hoàn thành…”.

Ông Miều xúc động

Bùn - máu và hoa

Chiều tối ngày mùng 7/5, lá cờ Việt Nam tung bay trên hầm tướng De Castries (tướng Đờ Cát), chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn. Đêm hôm ấy, ông Miều cùng các chiến sĩ dẫn tù binh Pháp ra bờ sông Nậm Rốm, giam tạm vào những chiếc lều dựng bằng dù của địch. Những đồng đội của ông, có người hét lớn vì vui mừng, có người hát vang, có người ngồi khóc nức nở… “Còn tôi chỉ nói với đồng đội rằng “Sống rồi. Chúng ta sống rồi”. Lúc ấy, tôi không rõ mình vui hay buồn, chỉ cảm thấy mình may mắn. Tiểu đội 12 người của tôi chỉ còn 5 người sống sót”, ông Miều trầm ngâm.

Cổng vào khu di tích đồi A1

Cổng vào khu di tích đồi A1

Ngày mùng 8/5, ông Miều, ông Chấp cùng những chiến sĩ Điện Biên khác bắt đầu đi tìm thi thể của những người lính đã ngã xuống trong những đường hào ngập trong bùn, đất và máu. Trưa hôm ấy, có 58 thi thể được tìm thấy. Không phải ai cũng nguyên vẹn, nhiều đồng chí đi tìm đồng đội khóc nghẹn. Những giọt nước mắt hòa cùng nước mưa, rơi trên thi thể đồng đội…

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Những ngày này, dòng người thập phương đổ về khu di tích và nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 ngày một đông.

Những cựu chiến sĩ Điện Biên râu tóc đã bạc trắng, vẫn bước đi đầy tự hào trong màu xanh áo lính. Những cháu học sinh cấp 1, cấp 2 với gương mặt ngây thơ lấp ló phía sau vành mũ. Và cả những du khách nước ngoài đi tới đâu, họ trầm trồ đến đó. Ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa”.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.