Vì một Việt Nam hòa bình: Xoa dịu nỗi đau da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trở về Mỹ năm 1972, ông Matthew Keenan chưa bao giờ dự định sẽ quay lại Việt Nam, cho tới khi ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư và khả năng cao là do di chứng của chất độc màu da cam.

Điều còn day dứt

Cuộc sống thời niên thiếu của ông Matthew Keenan (ở New York, Mỹ) trôi qua trong êm đềm cho tới thời điểm ông bị điều đến Việt Nam tham chiến. Ông Matthew diễn tả rằng mình đã rất sợ hãi lúc nhận lệnh vì ông biết nhiều người đã mất mạng sống vì chiến sự kéo dài.

"Tôi không nhớ chính xác thời gian mình đến Chu Lai (Quảng Nam) vì phải qua nhiều chặng bay khác nhau mới tới được nơi này. Nhưng tôi biết nó tầm tháng 9.1971 và thời tiết ở đó rất nóng. Những tiếng nổ vang tới tai liên tục. Tôi chỉ ở Chu Lai trong thời gian ngắn rồi sau đó về Đà Nẵng vào tháng 11.1971. Công việc của tôi chủ yếu là hành chính, hỗ trợ lính Mỹ về nước, hỗ trợ sức khỏe cho quân nhân nghiện ma túy và thống kê số liệu thương vong của lính Mỹ", ông Matthew kể lại.

Chiếc xe mà ông Matthew gây quỹ ủng hộ cho Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP.Đà Nẵng

Chiếc xe mà ông Matthew gây quỹ ủng hộ cho Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP.Đà Nẵng

"Tôi luôn nghĩ tối nay tôi đi ngủ và sáng mai tôi có còn thức dậy được không nếu chẳng may khu vực mình ở bị pháo kích. Chưa kể thời điểm đó còn diễn ra một thứ đáng sợ hơn: cơn bão ập đến vào tháng 10.1971. Có nhiều người thiệt mạng trong cơn bão đó. Căn cứ quân sự của chúng tôi cũng bị phá tan tành", ông Matthew nhớ lại.

Đến tháng 5.1972, ông Matthew có thể trở về nước Mỹ. Ông kể: "Tôi biết mình sắp an toàn, nhưng có nhiều điều hỗn mang trong tâm trí tôi lúc ấy".

Có nhiều điều vẫn khiến ông Matthew đau lòng mỗi khi nghĩ tới. Bây giờ, người đàn ông đã 74 tuổi hồi tưởng lại và ví von rằng căn cứ không quân Đà Nẵng những năm 1960 là nơi bận rộn nhất thế giới, bởi thành phố nhỏ này của Việt Nam hằng ngày chứng kiến các phương tiện vận tải quân sự, hàng hóa, máy bay phản lực, trực thăng ra vào liên tục.

"Tôi còn nhớ rất rõ ngày cuối cùng ở căn cứ không quân ấy. Tôi đang chờ máy bay đến đón về nước thì bỗng dưng thấy hàng trăm phụ nữ và trẻ em Việt Nam bước ra đường băng. Họ đều sợ hãi, đói lả. Đó là dòng người được di tản khỏi các khu vực giao tranh ác liệt ở các tỉnh như Quảng Trị, Huế (chiến trường Bình Trị Thiên). Tôi lên chiếc máy bay mà họ bước xuống. Khi ấy, tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với họ, nhất là những đứa trẻ sơ sinh vô tội bị buộc phải rời xa nhà cửa, gia đình, quê hương mình. Hình ảnh đó vẫn còn day dứt, ám ảnh tâm trí tôi", ông Matthew kể lại.

Hình ảnh Matthew Keenan (trái) đến Việt Nam năm 1971

Hình ảnh Matthew Keenan (trái) đến Việt Nam năm 1971

Trở lại và sẻ chia

Sau khi trở về nhà, ông chưa bao giờ có ý định quay lại Việt Nam cho tới năm 2013, ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư và nhiều khả năng đó là di chứng do phơi nhiễm chất độc màu da cam. Vào thời điểm đó, ông Matthew hay tin một đồng đội của mình năm xưa cũng mắc bệnh cùng nguyên nhân như của ông.

Ông Matthew tìm hiểu và biết những nỗi đau của con người ở Việt Nam phải gánh chịu bởi loại chất độc hóa học này. Lúc ấy, trong tâm tưởng của mình, ông chỉ biết phải làm sao đó trở lại Việt Nam.

Năm 2015, ông Matthew đặt chân trở lại trên đất nước ngày xưa ông từng đến thời chiến tranh. Đầu tiên, ông đến làm tình nguyện viên ở Làng Hữu nghị Việt Nam ở Hà Nội. Đây là nơi chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin như các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và tập trung công việc giáo dục, dạy nghề cho con, em của các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam.

Ông Matthew gặp gỡ cựu chiến binh Việt Nam

Ông Matthew gặp gỡ cựu chiến binh Việt Nam

Trước khi quay về Mỹ, ông Matthew đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Đà Nẵng (DAVA), thăm và làm tình nguyện viên trong vài ngày ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP.Đà Nẵng (đơn vị trực thuộc DAVA).

"Ban đầu, tôi nghĩ mình chắc chỉ đi đến Việt Nam duy nhất một lần này thôi, để thăm và gặp gỡ những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Nhưng trải nghiệm của tôi trong chuyến đi đó đã thay đổi mọi thứ. Khi tôi lên máy bay rời Việt Nam, tôi biết mình sẽ quay trở lại. Và đúng 3 tháng sau, tôi đã trở lại", ông Matthew cho biết.

Từ đó, mỗi năm, ông Matthew đến Việt Nam 2 lần, mỗi đợt dành 2 - 3 tháng ở lại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP.Đà Nẵng để hỗ trợ chăm sóc các em, rồi sau đó ông lại trở về Mỹ điều trị bệnh và thăm gia đình. Ông nói hầu như ngày nào ông cũng tình nguyện ở trung tâm này, chăm sóc, chơi cùng các em. Theo thời gian, tình cảm của ông với những đứa trẻ ấy ngày càng lớn dần và ông xem trung tâm như đại gia đình của mình vậy.

Thế là năm 2019, ông Matthew quyết định dọn hẳn đến Đà Nẵng sống, thỉnh thoảng có về Mỹ điều trị ung thư và thăm gia đình. "Việc tôi chọn ở lại Việt Nam có thể vì tôi đồng cảm với các em. Nhưng tôi còn cảm thấy mình có một mục đích mạnh mẽ khác ở đất nước này, đó là nỗ lực giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của chất độc này đã gieo rắc", ông Matthew nói.

"Hãy là chiến binh, nhưng là của hòa bình"

Nỗ lực vì mục tiêu mới, ông Matthew dấn thân vào các công việc tình nguyện và kêu gọi, vận động, kết nối nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để gia tăng nguồn lực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng, từ xây nhà tình thương, làm sân bóng rổ...

Theo lời kể của ông Matthew, các em là nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng phải chen chúc nhau trong một chiếc xe tải nhỏ để đến ở bán trú tại cơ sở của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP.Đà Nẵng. Do đó, năm 2018, cựu chiến binh Mỹ làm dự án "Xe buýt an toàn cho trẻ em" (Safe Bus for Kids). Sau khi đăng tải video về chuyện này, có một nhà hảo tâm người Mỹ đã quyên góp 60.000 USD để hỗ trợ trung tâm mua xe buýt đưa đón các em.

Ông Matthew và vợ Lana cùng nhau làm nhiều dự án thiện nguyện

Ông Matthew và vợ Lana cùng nhau làm nhiều dự án thiện nguyện

Ông Matthew và vợ Lana cùng nhau làm nhiều dự án thiện nguyện

Năm 2020, ông Matthew kết hôn với bà Lan (Lana). Từ đó, hai vợ chồng đồng lòng với nhau trong các hoạt động xã hội, nhất là tới nay đã gây quỹ hỗ trợ gần 1.000 chiếc xe cho những học sinh ở Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Ông Matthew hiện cũng là thành viên điều hành của Veterans For Peace Chapter 160 (VFP 160, Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ tại Việt Nam), tham gia vào nhiều công tác hòa giải, khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.

Chỉ cho tôi xem hai tấm thẻ bài quân nhân được cấp từ hồi đi lính ở Mỹ mà ông đeo đến ngày nay, vị cựu chiến binh này nói với tôi rằng đó là lời nhắc nhở về quá khứ của ông khi còn là một người lính trong chiến tranh.

"Tôi đã từng ở đây ngày xưa và tôi là một người lính chiến tranh. Nhưng bây giờ tôi cũng sẽ cố gắng để làm một chiến binh, nhưng là của hòa bình. Chúng ta không dùng bom, mà sẽ dùng trí óc và sức lực để xây dựng hòa bình", ông Matthew nói.

"Tôi còn nhớ lúc tôi đến chiến trường Việt Nam. Mẹ tôi sợ con trai mình chết nên hằng ngày bà đều đến nhà thờ cầu nguyện. Lúc tôi trở về nhà, mẹ ra đón tôi. Trên cánh cửa nhà, mẹ đề các dòng chữ: "Welcome home, Matt. Love, Peace, Happiness" (tạm dịch: Chào mừng con về nhà, Matt. Yêu thương, hòa bình, và hạnh phúc nhé con). Đó cũng là lời nhắn nhủ của mẹ tôi. Tôi sẽ dành cả đời mình chắp tay nguyện cầu cho thông điệp đó, cho thế giới và ở đất nước Việt Nam thân yêu này", ông Matthew chia sẻ. (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?