49 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2024)

Vì một Việt Nam hòa bình: Lấy nghệ thuật xóa hận thù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nỗ lực để góp phần hàn gắn hai quốc gia từng là cựu thù, cựu binh Mỹ David Thomas đã dùng nghệ thuật làm công cụ kết nối Mỹ - Việt và đạt thành quả ngoài mong đợi.

Ngày 11.7.1995, Tổng thống Bill Clinton trịnh trọng tuyên bố với thế giới việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Đấy là tin vui với tất cả cựu binh Mỹ, trong đó có David Thomas, bởi thành quả trên mặt trận ngoại giao ấy, càng củng cố vững chắc hơn cho hoạt động giúp người dân Mỹ hiểu hơn về Việt Nam mà David đang nỗ lực xây dựng, đóng góp kể từ lần quay trở lại đầu tiên vào năm 1987, không phải ở khía cạnh chính trị, chính phủ, quân sự hay kinh tế, mà là nghệ thuật.

David Thomas gặp gỡ cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. ẢNH: NVCC

David Thomas gặp gỡ cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. ẢNH: NVCC

Người lính không cầm súng

Nếu hỏi David về hội họa Việt, về họa sĩ mà ông yêu thích, câu trả lời sẽ là: "Tôi đặc biệt yêu thích Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng… và còn nhiều nhiều nữa. Cái cớ làm tôi thích, bởi tác phẩm của họ toát lên khí chất, bản sắc Việt cũng như những mối tương quan trong văn hóa và sự vận dụng, kết hợp kỹ thuật của hội họa phương Tây".

Tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Portland (Mỹ) và lập gia đình cùng vào tháng 6.1969, đến tháng 9.1969 David đã đến Việt Nam tham chiến. Là họa sĩ, David không phải cầm súng chiến đấu mà được xếp vào đội kỹ sư, trách nhiệm thiết kế bản vẽ ở nơi đóng quân thuộc Pleiku (Gia Lai), Kon Tum, rồi Quy Nhơn (Bình Định).

David kể lại thời chinh chiến: "Tôi có mối quan hệ khác biệt với Việt Nam, dù trong bối cảnh thời chiến, tôi được may mắn khi chiêm ngưỡng Việt Nam rất khác. Mỗi khi vào làng mạc, trẻ con vây quanh lấy chúng tôi, chúng tôi làm đường sá, cầu cống ở đó, nhờ vậy tôi quen với rất nhiều trẻ con thời chiến".

Xuất thân từ gia đình trung lưu ở Mỹ, bổn đạo Thiên Chúa, khi đến Việt Nam, David tiếp cận người bản địa, tận mắt thấy mưu cầu của họ cũng như bao người, là mong cho con cái được cuộc sống đủ đầy, có nơi ăn chốn ở. David thầm ước mọi người trên thế giới có cơ hội đi trải nghiệm nhiều nơi để nhận ra điều đó, thế giới sẽ trở nên hòa bình, an yên, không còn cảnh chiến tranh, đói nghèo, cùng cực.

Khi rời quân ngũ về lại Mỹ, điều đầu tiên David nói với bố mình là sẽ tìm cách quay trở lại Việt Nam. David giải thích: "Tôi không hiểu vì sao nói như thế, và cũng không thể hình dung làm sao có thể quay trở lại, nhưng chỉ đinh ninh việc đó chắc chắn diễn ra".

Sau năm 1975, quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ thực sự "đóng băng". Vậy mà năm 1987, David khăn gói trở lại Việt Nam với lý do: "Đến Việt Nam giai đoạn cấm vận cực kỳ khó khăn, giá cả thứ gì cũng đắt, nhưng tôi tự nhủ phải lên đường bằng mọi giá để làm điều gì đó cho bản thân và nước Mỹ. Tôi nghĩ nếu mình có thể góp một phần nhỏ đem lại thay đổi tích cực trong quan hệ Việt - Mỹ thì cuộc đời sẽ trở nên ý nghĩa hơn. Tôi muốn đưa nghệ thuật Việt Nam đến với người Mỹ và ngược lại".

David trong khai mạc triển lãm Nhìn từ hai phía tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. ẢNH: NVCC

David trong khai mạc triển lãm Nhìn từ hai phía tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. ẢNH: NVCC

Nối nhịp cầu cho tương lai

Những năm 1980, quan hệ hai nước vẫn rất căng thẳng nên khái niệm đưa nghệ thuật Mỹ vào Việt Nam được xem là "không tưởng".

Vậy mà năm 1988, David một mình trở lại Việt Nam lần 2, lập tổ chức phi lợi nhuận có tên Indochina Arts Partnership (IAP - Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương). Ý định làm một triển lãm cho họa sĩ Mỹ và Việt Nam ở chủ đề chung và cũng khá nhạy cảm là "chiến tranh".

David hồi tưởng lại: "Triển lãm ấy có tên As seen from both sides - Nhìn từ hai phía, tôi nhận được sự đồng ý trưng bày ở 16 bảo tàng tại Mỹ. Ban đầu tôi dự định chỉ số ít họa sĩ Mỹ và Việt tham gia trưng bày, đầu tiên ở Đại học Emmanuel (Boston), nơi tôi giảng dạy. Nhưng dự án mở rộng với 20 họa sĩ mỗi nước. Đề tài về chiến tranh nhưng triển lãm lại không về chiến tranh, mà về nghệ thuật, tình người, sự thiếu thốn tình thân, đặc biệt là sự kết nối, đối thoại, trò chuyện".

Nghệ sĩ Việt không có nhiều cơ hội ra nước ngoài để giao lưu, học hỏi, tiếp xúc trực tiếp với nghệ thuật tự do. David chính là người khai mở con đường ấy. Khi gặp gỡ các họa sĩ Việt tham gia triển lãm, David phải phỏng vấn, chụp ảnh, nhận tranh từ họa sĩ, mỗi người tham gia hai tác phẩm, tất cả đều nhiệt tình hưởng ứng, không hề ngần ngại dù rằng tiếp xúc nếu là người nước ngoài khi ấy đã là vấn đề, đằng này lại là một cựu binh Mỹ. Tất cả triển lãm đều thành công ngoài mong đợi, người Mỹ được trải nghiệm lần đầu về nghệ thuật Việt Nam ở góc nhìn chân thật, gần gũi nhất.

David và Jean trong một sắp đặt nghệ thuật của họa sĩ Lê Quốc Việt tại Mỹ. ẢNH: NVCC

David và Jean trong một sắp đặt nghệ thuật của họa sĩ Lê Quốc Việt tại Mỹ. ẢNH: NVCC

Phải mất đến 5 năm sau triển lãm Nhìn từ hai phía, ước mong đưa họa sĩ Việt sang Mỹ mới thành hiện thực, người đầu tiên là Đặng Xuân Hòa (năm 1994). David kể: "Tôi đưa Hòa đến các bảo tàng danh tiếng như Metropolitan, Whitney, Guggenheim. Trải nghiệm nhớ nhất là khi tôi thấy Hòa chiêm ngưỡng tác phẩm khổng lồ của Jackson Pollocks, anh ấy thực sự ngạc nhiên vì chưa thấy tác phẩm nào như thế trong đời".

Kể từ sau đó, David đã đưa hơn 50 nghệ sĩ Việt Nam đến Mỹ, ở chiều ngược lại, ông cũng đưa hơn 75 nghệ sĩ, cán bộ bảo tàng, giảng viên, sinh viên đại học ở Mỹ đến Việt Nam thông qua IAP. Việc vận hành IAP, David kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm và tiền túi của ông, không nhận lại một đồng lương nào. Năm 2000, David được Chính phủ Việt Nam trân trọng trao tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa của Việt Nam với những đóng góp to lớn của ông cho nghệ thuật Việt.

Họa sĩ Kim Chi và Lê Kinh Tài ở Wellesley bên chiếc xích lô Hà Nội do David mua lại năm 1995 với giá 100 USD, đủ để chủ nhân làm đám cưới cho con gái. ẢNH: NVCC

Họa sĩ Kim Chi và Lê Kinh Tài ở Wellesley bên chiếc xích lô Hà Nội do David mua lại năm 1995 với giá 100 USD, đủ để chủ nhân làm đám cưới cho con gái. ẢNH: NVCC

Một chi tiết thú vị là khi các nghệ sĩ Việt đến Mỹ, đều lưu trú tại nhà David hoặc bạn bè ông giới thiệu để có được trải nghiệm về Mỹ thật nhất, không phải như trong sách vở hay điện ảnh, và khách mời khi ở nhà David bắt buộc phải nấu ăn, dạy cho con gái của David cách nấu món Việt. David khoe thêm: "Tôi còn hy vọng con tôi lập gia đình với họa sĩ Việt nữa đấy".

Câu chuyện giao lưu, trao đổi nghệ sĩ mà David tiến hành được Nora Taylor, Giáo sư mỹ thuật Nam Á và Đông Nam Á của Đại học Mỹ thuật Chicago (Mỹ), nhận xét: "Đưa các nghệ sĩ Việt ra nước ngoài triển lãm tác phẩm, David đã giúp các nghệ sĩ có thêm nhiều trải nghiệm và tự tin hơn rất nhiều. Đó cũng là cách khơi nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ để họ thể hiện vào tác phẩm của mình, cũng như mang lại cảm hứng cho các đồng nghiệp. Hoạt động này định hình ra một hệ sinh thái nghệ thuật. Thực sự là đóng góp rất to lớn".

Từ khi vận hành IAP, David cho biết có đến 90% cảm hứng của ông đến từ các trải nghiệm ở Việt Nam. Hỏi David một lời khuyên với thế hệ họa sĩ trẻ Việt hôm nay, ông cho rằng: "Họa sĩ muốn để lại tiếng vang trong 50 - 100 năm nữa là những người giữ được phong cách riêng, không bị thương mại dẫn dắt, phải biết mình muốn làm gì và hãy làm với tất cả tự tin và chân thật, chắc chắn sẽ thành công". (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…