Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Gói mắm, đùm cơm đi gác rừng

Con đường mòn bé tẹo dẫn lên đỉnh ngọn núi Prông (địa phận xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển toàn dốc dựng đứng. Mấy chiếc xe máy thiếu dây xích quấn bánh cứ quay tròn trên nền đường, gầm rú rồi tắt lịm. Tấp xe máy bên vệ đường, chúng tôi tiếp tục hành trình cuốc bộ ngược núi. Mồ hôi túa ra ướt sũng áo trong tiết trời nóng như bưng.

Sau chừng 1 tiếng rưỡi leo núi, lán gác của lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cũng hiện ra trước mắt.

Phát dọn cây cỏ thảm thực bì rừng trồng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Ảnh: H.S

Phát dọn cây cỏ thảm thực bì rừng trồng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Ảnh: H.S

Tại lán gác có 7-8 người đàn ông dân tộc Jrai đang ngồi nghỉ ngơi. Với tay lấy can nước uống ừng ực rồi chuyển tay cho người khác, trở lại chiếc võng ngồi, già Thup (trú tại làng Wet, xã Chư Đang Ya) đưa ánh nhìn về rừng thông phía ngọn núi gần đó, chậm rãi kể: 4 hộ trong làng nhận giao khoán bảo vệ 110 ha rừng thông trồng được 2-3 năm tuổi ở tiểu khu 262 và 263. Nhiệm vụ của các hộ nhận khoán là phát dọn thực bì, canh động vật phá cây trồng và phòng ngừa hỏa hoạn. Mỗi năm, mỗi hộ được nhận khoản tiền công chừng 15-20 triệu đồng.

“Lo nhất là xảy ra cháy rừng vào mùa khô. Cho nên các gia đình phải cắt cử thành viên lên đây canh gác. Mỗi người sẽ canh ở đây 1 ngày, 1 đêm rồi xuống núi. Chỉ khi gặp được người lên thay rồi họ mới được về nhà. Khi đi gác núi, chúng tôi thường mang theo gạo, mắm muối, cá khô, mắm cà. Để có thêm nguồn thức ăn, chúng tôi đặt bẫy chuột và hái lá rừng nấu cho qua bữa. Đêm đến, chúng tôi tận dụng mọi chỗ trong lán rồi mắc võng ngủ.

Cả ngày lẫn đêm, dù nóng hay lạnh, chúng tôi phải thay phiên nhau đi tuần hoặc ngồi gác, không để xảy ra cháy rừng hay bị kẻ xấu phá hoại. Năm nay nắng nóng kéo dài quá, cây cối héo queo hết, nguy cơ cháy rất cao nên mọi người nhắc nhau phải cảnh giác hết sức”-già Thup nói.

Ở góc khác, ông Bi cùng 4 người dân làng Plei Nhiên (xã Nghĩa Hưng) đang rỉ rả chuyện trò. Ông Bi bộc bạch: “Nhóm mình có 9 hộ, nhận canh gác hơn 1.000 ha rừng ở tiểu khu 257 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Phiên trực hôm nay có 5 thành viên của 5 hộ giao nhận khoán bảo vệ rừng.

Do năm nay hạn nắng kéo dài, công việc canh gác vất vả hơn trước nhiều. Trời nóng nực 30-40℃, chỉ cần 1 đóm lửa nhỏ là bùng phát thành đám cháy lớn ngay. Với điều kiện khí hậu như này, dập lửa khó lắm. Thế nên hôm nào trực, anh em chúng tôi cũng phải căng mắt nhìn kỹ để phát hiện, ngăn ngừa hỏa hoạn”.

Hộ nhận khoán tuần tra rừng tại lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Ảnh: H.S

Hộ nhận khoán tuần tra rừng tại lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Ảnh: H.S

Chọn một khoảnh đất bằng phẳng có cây lớn tỏa bóng che mát cạnh suối Pờ Yầu, các thành viên của Tổ Quản lý bảo vệ rừng số 2 (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng, huyện Mang Yang) ăn bữa cơm trưa sau giờ tuần tra phòng cháy rừng. Ngoài 3 nắm cơm đùm trong túi ni lông, thức ăn họ mang theo là cá khô trộn với xoài rừng, chấm với muối lá é.

“Tổ được giao quản lý 6 tiểu khu ở địa phận xã Lơ Pang, huyện Mang Yang. Trong 6 tiểu khu thì có tiểu khu 535 và 536 là rừng trồng, thường trực nguy cơ cháy. Để chủ động phòng ngừa cháy rừng, từ tháng 11-2023, chúng tôi đã phát dọn và đốt thực bì. Còn hiện nay đang tổ chức tuần rừng và nhắc nhở các hộ dân có rẫy sản xuất gần đó cảnh giác trong sử dụng lửa, tránh để xảy ra các vụ cháy rừng do cháy lan.

Đang vào cao điểm mùa khô nên anh em đi canh rừng vất vả lắm. Chuyện chúng tôi mắc võng ngủ tại rừng để ngừa hỏa hoạn là thường tình. Ăn uống cũng chọn cách nào giản tiện nhất. Đi rừng mà, lỉnh kỉnh đồ đạc đâu có hay”-anh Nguyễn Văn Giang-tổ viên Tổ Quản lý bảo vệ rừng số 2-tâm sự.

Trò chuyện về bảo vệ rừng biên giới trước “bà hỏa” trong thời điểm nắng nóng kéo dài hiện nay, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch (huyện Chư Prông) Nguyễn Anh Vũ cho hay: “Trước mùa khô, Ban đã triển khai công tác tuyên truyền phòng ngừa cháy rừng đến người dân trên địa bàn. Chúng tôi cũng đã treo các biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tiến hành đốt thực bì tại các khoảnh rừng. Lâm phần Ban được giao quản lý là rừng khộp, phải đốt hàng năm, không được để thực bì tích tụ thành lớp dày, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Hiện Ban đã huy động toàn bộ nhân lực cùng với các hộ giao nhận khoán túc trực tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy cao nhất. Anh em làm lán tạm rồi ăn ở trên núi để tiện cho việc quản lý, bảo vệ và phòng cháy rừng. Ban cũng trích kinh phí hỗ trợ thêm chi phí xăng xe và thức ăn cho lực lượng bảo vệ rừng để họ làm tốt nhiệm vụ được phân công”.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch tiến hành đốt thực bì. Ảnh: H.S

Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch tiến hành đốt thực bì. Ảnh: H.S

Để đại ngàn mãi xanh

Trái ngược với tiết trời ban ngày nóng nực, càng về khuya, gió trên đỉnh Prông thổi thông thốc. Lán trại tạm bằng liếp tre, thưng chưa kín 4 phía không đủ để cản gió. Đống lửa to giữa lán cũng không đủ sức nóng làm ấm cơ thể, những người đàn ông gác rừng nằm co ro xung quanh. Trong hơi thở nghe sương giá rét, họ í ới gọi nhau rọi đèn pin nhặt thêm củi về đốt cho hết đêm.

Đứng trên đỉnh núi nhìn ánh đèn đường hoa lệ từ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) kéo dài đến phường Yên Thế (TP. Pleiku) rồi ngoái lại phía nhóm người co ro bên đống lửa phập phù, trong tôi lẫn lộn cảm xúc. Được hưởng 10-30 triệu đồng/người/năm tiền công nhận khoán bảo vệ rừng là con số lớn với một số người. Nhưng số tiền ấy có thấm tháp với công sức họ bỏ ra lại là chuyện khác. Mướt mồ hôi lên núi rồi ngủ giữa sương đêm, rừng lạnh. Bệnh tật, hiểm nguy chực chờ họ... Có lẽ chỉ có tình yêu với núi rừng mới khiến hộ nhận khoán bảo vệ rừng vượt lên tất thảy. Già Thup là một điển hình như thế.

Hơn 20 năm trước, ông và bao trai tráng trong làng gánh thông lên trồng trên một số dãy núi cao ở Chư Păh. Già Thup kể: “Hồi trước, chúng tôi đi trồng cây phủ xanh đồi trọc. Khi đó, đường sá còn khó đi, mỗi ngày lên xuống 2 lượt và chỉ gùi mấy chục cây thông thôi. Sau này, mình làm Trưởng thôn nên thường phối hợp với các cơ quan, tổ chức vận động người dân trồng cây phủ xanh đồi trọc và bảo vệ rừng. Làm riết rồi quen, giờ thôi làm trưởng thôn nhưng vẫn muốn gắn bó với rừng.

Giờ lớn tuổi rồi, mọi người khuyên can nên thôi bởi việc bảo vệ rừng vất vả. Có điều là do muốn giữ gìn cho con cháu đời sau nên mình quyết định nhận khoán hộ. Chẳng hiểu sao, cứ ở trên núi, mình cứ cảm thấy người khỏe khoắn và vui vẻ lắm”.

Già Thup (trú tại làng Wet, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) trong lán gác rừng trên đỉnh Prông. Ảnh: H.S

Già Thup (trú tại làng Wet, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) trong lán gác rừng trên đỉnh Prông. Ảnh: H.S

Không chỉ già Thup, một vài hộ dân ở huyện Chư Prông mà tôi đã tiếp xúc cũng có ý nghĩ này. “Nhận quản lý, bảo vệ rừng, chúng tôi có thêm một khoản tiền kha khá. Ngoài ra, hộ nhận khoán còn được thụ hưởng lâm sản phụ trong lâm phần quản lý như chôm chôm rừng, ươi, nho rừng, nấm, măng… Tuy nhiên, cái chính là chúng tôi tham gia giữ rừng để bảo vệ cây gỗ quý, bảo tồn cho thế hệ mai sau. Như mấy năm trước, dân các nơi đổ xô về cắt cây ươi nhặt quả mà không chờ đến lúc hạt bay xuống đất. Ươi có giá trị dinh dưỡng cao, khai thác như vậy khác gì tận diệt.

Năm nay chúng tôi đi tuần tra liên tục, vừa phòng cháy vừa ngăn ngừa xâm hại rừng nên cây cối không còn bị đốn hạ vô tội vạ như trước kia”-anh Siu Vân (trú làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) thổ lộ.

Tiết trời ở Gia Lai vẫn nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn thường trực. Ngành chức năng của tỉnh và các đơn vị chủ rừng đang triển khai giải pháp ngăn ngừa “bà hỏa”. Theo ông Nguyễn Ngọc Ni-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh: "Đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của người dân. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đơn vị chủ rừng triển khai lực lượng tuần tra để kịp thời ngăn ngừa, xử lý nếu phát hiện nguy cơ cháy rừng".

Còn Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng Lê Đức Tấn thì cho hay: “Chưa có năm nào mà khô hạn kéo dài như năm nay. Dù chưa xảy ra vụ cháy rừng nào trong lâm phần quản lý nhưng chúng tôi rất lo lắng. Cả tháng nay, tôi cùng anh em trong đơn vị thường xuyên ăn ngủ tại rừng để canh gác. Nét mới trong công tác phòng ngừa cháy rừng năm nay là chúng tôi thuê các hộ gia đình ở gần rừng hoặc có nương rẫy tiếp giáp lâm phần của Công ty để quản lý, trông coi. Mỗi hộ được trả 200 ngàn đồng/tháng/ha rừng. Qua đó tạo việc làm, thu nhập và giúp cho công tác bảo vệ rừng triển khai có hiệu quả hơn. Công ty tiếp tục duy trì việc này trong thời gian tới”.

Tổ Quản lý bảo vệ rừng số 2-Công ty lâm nghiệp Kông Chiêng dọn cây cối, thực bì ngăn ngừa cháy rừng. Ảnh: H.S

Tổ Quản lý bảo vệ rừng số 2-Công ty lâm nghiệp Kông Chiêng dọn cây cối, thực bì ngăn ngừa cháy rừng. Ảnh: H.S

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy gần 25 ha keo lai mới trồng tại huyện Ia Grai.

Qua theo dõi, dự báo tình hình thời tiết ở trên địa bàn tỉnh tiếp tục nắng kéo dài. Chi cục đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy rừng có hiệu quả. Trong đó công tác tăng cường kiểm tra, tuần tra được chú trọng triển khai để kịp thời khống chế ngay từ khi đám cháy mới bùng phát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng ngừa cháy rừng trong người dân.

Chúng tôi cũng đang tham mưu cấp trên chi kinh phí hỗ trợ cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng trong cao điểm mùa khô để động viên họ khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ phòng ngừa cháy rừng".

Có thể bạn quan tâm

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Đứng sừng sững bên dòng sông Bứa (đoạn qua Khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cây thị cổ được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời ước tính hơn 1.100 năm vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát. Hàng năm, “cụ” thị vẫn ra hoa trái lan tỏa mùi hương nồng nàn.