Mật danh B29

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Cuộc gặp mặt chỉ còn 4 bậc lão thành về dự. Cuộc gặp mặt trước đó vào tháng 3/2017 cũng chỉ có 7 vị “nguyên lão” có thể về dự. Quân số ít ỏi, song những gì cán bộ, nhân viên của Quỹ B29 đã làm được đều là kỳ tích, góp một phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Mạch máu” cho chiến trường miền Nam

Từ cuối năm 1960, chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, nhu cầu trang bị vũ khí, khí tài cho chiến trường miền Nam ngày một tăng cao. Bộ Chính trị đã quyết định chi viện tiền mặt ngoại tệ cho miền Nam đấu tranh.

Xe tải chở vũ khí đạn dược vào chiến trường miền Nam qua ngã ba Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. (Ảnh tư liệu)

Xe tải chở vũ khí đạn dược vào chiến trường miền Nam qua ngã ba Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. (Ảnh tư liệu)

Tại miền Nam, nhu cầu tiền mặt chỉ gồm hai loại là tiền Sài Gòn và đôla Mỹ. Cuộc đấu tranh mở rộng địa bàn, nảy sinh thêm nhu cầu chi phí tại địa bàn các nước Campuchia, Lào, Thái nên tiền chi viện cũng cần có thêm tiền mặt bằng đồng riel, kip và baht.

Công tác chuẩn bị nguồn tiền mặt của ta diễn ra ở Trung Quốc, trung tâm chuẩn bị đặt ở TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Phía Trung Quốc giúp ta lập cơ sở tin cậy tại một số ngân hàng ở Hong Kong, lấy một phần đôla Mỹ trong số viện trợ tài chính mua gom tiền Sài Gòn, riel Campuchia, baht Thái Lan và kip Lào, rồi cùng tiền mặt đôla Mỹ được đưa về Việt Nam.

Theo giải thích của ông Nguyễn Nhật Hồng (sau này là Tổng Giám đốc Ngân hàng EXIMBANK), toàn bộ công tác này đều diễn ra trong bí mật, mỗi phần việc mang một mật danh. AZ là đổi đôla Mỹ thành tiền Sài Gòn. AK là đổi thành tiền kip Lào, AR là đổi thành tiền riel Campuchia, AB là đổi thành baht Thái Lan. Tiền đổi tại Hong Kong, chuyển về Quảng Châu, từ đó đưa về Hà Nội.

Công tác đóng gói và vận chuyển tiền đến chiến trường do C100 - một đơn vị vận tải của Đoàn 559, Bộ Quốc phòng đảm nhận. Tiền được đóng trong hòm kẽm chống cháy, ngụy trang bên ngoài bằng thùng gỗ như đạn dược, lương khô, để lẫn với các loại hàng hóa khác. Người vận chuyển, giao nhận đều không biết là trong hàng có tiền. Mỗi đợt hàng chi viện lên tới hàng chục xe tải nhưng chỉ một xe có thùng tiền, chỉ có người chỉ huy chiến dịch chuyển hàng chi viện mới biết. Hàng trăm triệu đôla đã được đưa vào chiến trường, khi bằng đường bộ, khi bằng xe cơ giới, khi bằng chính vai trần của con người. Tiền đi đến đâu, cán bộ giám sát (bí mật) theo đến đó.

Dọc đường mòn Hồ Chí Minh, Mỹ rải bom liên tục, bảo vệ dòng tiền là hết sức cam go, mất nhiều tháng trời. Tính đến cuối năm 1964, cùng với máu xương của bao lớp cán bộ chiến sĩ, gần 4 triệu đôla đã bị bom đạn địch biến thành tro bụi trên đường vào chiến trường. Càng về sau, nhu cầu chi viện tiền càng cấp thiết, đòi hỏi thời gian lưu chuyển từ hàng tháng phải rút xuống thành ngày.

Tháng 4/1965, từ đề xuất của Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Bộ Chính trị đã cho thành lập Quỹ Ngoại tệ đặc biệt, mật danh B29 để tiếp nhận, tập trung các nguồn ngoại tệ viện trợ để chi viện cho miền Nam.

Ông Lê Văn Châu cùng hình ảnh các đồng nghiệp và kỷ vật Quỹ B29.

Ông Lê Văn Châu cùng hình ảnh các đồng nghiệp và kỷ vật Quỹ B29.

Công khai, "Quỹ ngoại tệ đặc biệt B29" có danh nghĩa Cục Ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đủ điều kiện để làm các thủ tục hợp pháp. Tuy nhiên, Quỹ B29 lại không phải là một đơn vị trong ngân hàng nhà nước, ngay cả lãnh đạo ngân hàng cũng không mấy ai được biết. Quỹ được Phó Thủ tướng Phạm Hùng chỉ đạo trực tiếp trong 2 năm 1965-1967. Khi đồng chí Phạm Hùng được cử vào miền Nam đảm nhiệm chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Quỹ mật B29 được Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị nối tiếp chỉ đạo trong suốt trong 8 năm, cho đến năm 1975.

Trực tiếp chỉ huy, điều hành hoạt động của B29 là ông Mai Hữu Ích, lúc đó là Cục phó Cục Ngoại hối, đồng thời là Ủy viên Ban Viện trợ miền Nam. Ông Mai Hữu Ích có quan hệ rất tốt với với ông Trang Thế Bình, sau là Tổng Giám đốc Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China - BOC) ở Hồng Kông. Ông Bình đã giúp Cục Ngoại hối của ta mở tín dụng thư L/C tại BOC và nhiều ngân hàng khác tại Hồng Kông để phục vụ phát triển ngoại thương. Sau đó ông ông Trang Thế Bình lại tích cực giúp ta chuyển đổi tiền đôla Mỹ sang tiền Sài Gòn và nhiều biệt tệ khác, gọi là "chế biến", rồi sau nữa là giúp thực hiện các phi vụ chuyển khoản đặc biệt để tiền từ Hồng Kông vào đến tận cơ sở tiếp nhận của ta ở miền Nam.

Các loại tiền mặt đã được đổi sẽ được ba bộ phận đặc trách BOC Hồng Kông, BOC ở Quảng Châu và B29 ở Hà Nội, bí danh chung là “Anh Bảo” chuẩn bị. Tiền được tập kết về cơ sở “Anh Bảo” tại chi nhánh BOC ở Quảng Châu. Chuẩn bị xong, cán bộ biệt phái hải ngoại của B29 dùng đường điện cơ yếu của Bộ Ngoại giao thông báo từ Bắc Kinh về cho B29 ở Hà Nội để trong nước cử người sang Quảng Châu nhận về.

Cán bộ đặc nhiệm giữ vai trò “Anh Bảo” tại Bắc Kinh là ông Lê Văn Châu, sau này là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chứng khoán quốc gia. Trong suốt 10 năm tồn tại bí mật của Quỹ B29, ông Lê Văn Châu là "trung tâm của ba trung tâm” gồm Anh Bảo ở Hong Kong, BOC ở Quảng Châu và B29 ở Hà Nội. Người của ba trung tâm không bao giờ liên hệ trực tiếp, không hề biết nhau, chỉ liên lạc bằng mật mã qua hệ thống cơ yếu của ngành Ngoại giao và Quốc phòng.

Viên hoa tiêu của tàu B29

Cuối năm 1966, ông Huỳnh Văn Đàng, một cán bộ tình báo thuộc bộ phận nghiên cứu tài liệu đang hoạt động ở châu Âu được gọi về nước. Tại Hà Nội, đích thân đồng chí Phạm Hùng, lúc bấy giờ đang là Ủy viên Bộ Chính trị giao cho ông nhiệm vụ mới: Thiết lập đường dây bí mật Hà Nội – Phnom Pênh để chuyển tiền bạc và tài liệu, chi viện miền Nam đánh Mỹ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ông là cán bộ cấp cao đầu tiên được đường dây B29 đón vào chiến trường miền Nam qua đường Campuchia. Ngồi cạnh ông, bên trái là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, phía sau là nữ tướng Nguyễn Thị Định. (Ảnh tư liệu)

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ông là cán bộ cấp cao đầu tiên được đường dây B29 đón vào chiến trường miền Nam qua đường Campuchia. Ngồi cạnh ông, bên trái là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, phía sau là nữ tướng Nguyễn Thị Định. (Ảnh tư liệu)

Lúc này, Campuchia là một quốc gia trung lập. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được thiết lập ở cấp Đại sứ. Với một lý lịch giả mang tên Huỳnh Thanh, sinh năm 1931- trẻ hơn tuổi thật 11 năm – ông Đàng được bố trí giữ chức Bí thư thứ 2 của Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh, phụ trách Lãnh sự Việt kiều. Ngoài đồng chí Phạm Hùng, không một ai biết nhiệm vụ thật của Huỳnh Thanh. Đại sứ Ngô Điền cũng chỉ được thông báo: Huỳnh Thanh là cán bộ tình báo. Không ai được phép tìm hiểu gì thêm về nhiệm vụ cụ thể của ông.

Đến Phnom Pênh, với danh nghĩa đại diện cho giới kinh doanh người Việt, ông Đàng đã đến thăm hỏi, làm quen được với khá đông quan chức cao cấp của các ngành Cảnh sát, Hàng không, Thương mại... của Campuchia. Đại tướng Lon Nol, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia lúc ấy cũng tỏ ra nể trọng ông. Huỳnh Thanh đáp lại khá hậu hĩnh: Hai lần sinh nhật, vợ chồng Lon Nol đều nhận được hai món quà đắt giá: Một biệt thự sang trọng trên đường số 6 (Phnom Penh) và một chiếc Mercedes mới cáu cạnh. Tất cả đều là quà của “Hội Việt kiều”, thông qua ngài Bí thư Đại sứ quán “gửi tặng đại tướng và phu nhân”. Lon Nol càng tỏ ra biệt đãi Huỳnh Thanh và giới kinh doanh người Việt. Thỉnh thoảng ông ta lại sẵn sàng cấp “công vụ lệnh” và phương tiện để “các nhà buôn” vận chuyển “hàng hóa” - toàn vũ khí, súng đạn miền Bắc chi viện - từ Phnom Penh đến biên giới, mà thật ra là chạy thẳng vào căn cứ của R (Trung ương Cục Miền Nam) đóng trên đất Campuchia.

Sau đúng hai tháng, Huỳnh Thanh nhận được điện từ Hà Nội gọi về “họp”. Trở lại Campuchia, hành lý của ông có thêm một valy nặng toàn đôla Mỹ. Valy tiền này được đích thân ông Nguyễn Nhật Hồng (Sau này là Tổng Giám đốc Ngân hàng EXIMBANK) thuộc bộ phận chi viện miền Nam (trong B29) chuẩn bị. Ở Ngân hàng Nhà nước, chỉ có đồng chí Mai Hữu Ích, Phó Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương biết đến sự tồn tại của Phòng B29. Cứ mỗi quý một lần, Huỳnh Thanh lại được gọi về một lần để chuyển tiền đi, mỗi lần 2 triệu đôla, đi bằng máy bay DC8 của hãng Air France (Pháp), theo lộ trình Hà Nội – Quảng Châu - Phnom Penh. Tại sân bay Pochentong, với hộ chiếu ngoại giao, Huỳnh Thanh dễ dàng đưa valy tiền ra xe của Đại sứ quán chờ sẵn, không hề bị kiểm tra. Đến Đại sứ quán, valy tiền được ông đặt vào một két sắt đặc biệt, chờ người của Ban Kinh tài Trung ương Cục đến nhận, trở thành ngân sách hoạt động cho cuộc đấu tranh chống Mỹ ở Miền Nam. Ngoài Huỳnh Thanh và một vài điệp báo viên có nhiệm vụ chuyển tiền cho Ban Kinh tài, không ai được biết đến bí mật của chiếc két sắt này.

Những chuyến đi tuyệt mật

Tiến thêm một bước, Huỳnh Thanh đã nhiều lần bay sang Trung Quốc, tiền trạm và lập kế hoạch đưa đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta vào Nam theo ngả Campuchia. Những phác thảo của ông được phía Trung Quốc tán đồng và ủng hộ. Sun Hao, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh đã nhiều lần giúp Huỳnh Thanh tổ chức an toàn các chuyến đưa đón.

Đầu năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở thành người đầu tiên được đón vào Nam bằng đường đi này. Từ Hà Nội, Đại tướng đi máy bay đến Quảng Châu. Với giấy tờ, hộ chiếu giả, Đại tướng được đưa xuống một tàu vận tải của Trung Quốc, đóng vai một thành viên của thủy thủ đoàn, trực chỉ cảng Shihanoukville. Tàu cập bến buổi sáng, trong lô riêng dành cho tàu Trung Quốc. Suốt ngày hôm đó, có khá nhiều thủy thủ được đón lên bờ - xuống tàu bình thường.

Chiều, lúc 16h45’, một ôtô “biển số vàng” (biển số ngoại giao) có Tham tán Sun Hao ngồi cạnh lái xe, phóng vào cầu cảng. Thêm 4 thủy thủ Trung Quốc được đăng ký rước lên bờ. Việc đón rước này đã quá quen thuộc nên chẳng gây chút nghi ngờ nào cả. Trời đã sập tối, những viên cảnh sát gác cổng chỉ đếm đầu người trong xe rồi mở cổng, không tò mò gì thêm. Nhưng, về đến Phnom Penh, xe không chạy về Đại sứ quán Trung Quốc mà lao thẳng ra đường số 6. Tại một cột cây số giữa quãng vắng có một chiếc xe biển số trắng chết máy, hai người đang lui cui sửa bên đường. Thấy chiếc “biển vàng” nháy đèn xin đường, người lái chiếc xe biển số trắng bèn huơ đèn pin yêu cầu giúp đỡ. Tham tán Sun Hao ra lệnh cho tài xế xe biển vàng áp sát vào lề, đỗ ngay bên cạnh chiếc xe hỏng. Cửa mở, một “thủy thủ” nhanh nhẹn bước xuống và ngồi ngay vào chiếc “xe hỏng” đã mở cửa sẵn. Đó chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Xe của viên Tham tán lại tiếp tục chạy, vẫn đủ 4 thủy thủ, vì có một người lúc nãy ngồi thấp dưới sàn xe, bây giờ mới thay vào chỗ Đại tướng. Chiếc “xe hỏng” cũng nhanh chóng... chuyển bánh.

Một tuần sau, cảnh trên lại được diễn lại lần nữa. Lần này, người được đón là đồng chí Nguyễn Văn Xô (Hai Xô) – Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam.

Giai đoạn sau, những chuyến đưa đón được thực hiện bằng đường hàng không, lộ trình thay đổi liên tục. Mỗi lần có “khách”, Huỳnh Thanh lại trực tiếp bay về Hà Nội, đưa “khách” đến Quảng Châu, Thượng Hải, hoặc Bắc Kinh. Cơ sở tại Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn hộ chiếu, giấy tờ và lo liệu vé máy bay cho Huỳnh Thanh và “khách” đi Phnom Penh bằng máy bay của hãng Air France. Toàn bộ hồ sơ tài liệu đều do Huỳnh Thanh giữ trong chiếc cặp ngoại giao mang theo bên người. Đến sân bay Pochentong, việc đóng dấu thị thực đã có cơ sở lo, Huỳnh Thanh chỉ xuất hiện, chìa hộ chiếu ngoại giao khi có rắc rối, còn “khách” thì cứ thẳng bước ra xe của Đại sứ chờ sẵn.

Các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Hoàng Văn Thái... đã được đưa đón một hoặc nhiều lần bằng đường này trong suốt 4 năm 1967-1970.

Tuy nhiên cũng có không ít chuyến gặp trục trặc. Lần thứ nhất vào cuối năm 1967, chuyến đưa đồng chí Hoàng Văn Thái. Theo lộ trình, máy bay sẽ bay tắt qua Đà Nẵng và Gia Lai trước khi đến không phận Campuchia. Lúc này, phía Việt Nam Cộng hòa tăng cường kiểm soát gắt gao, kể cả vùng trời. Chiếc DC8 bị bắt buộc phải hạ độ cao từ 10.000m xuống còn 4.000m khi bay qua Gia Lai. Từ dưới đất, 4 chiếc tiêm kích của Mỹ vọt lên, hai chiếc kèm trên, hai chiếc bọc dưới, kè chiếc DC8 sang đến đất Campuchia mới quay trở lại.

Đến nơi, thấy sân bay dày đặc cảnh sát tăng cường, Đại tướng Hoàng Văn Thái và Huỳnh Thanh hơi chột dạ. Trước đó không lâu, Đại tướng từng làm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam qua Campuchia thi đấu hữu nghị, được Chính phủ Hoàng gia Campuchia tiếp đón khá long trọng. Rất có khả năng, ông sẽ bị nhận diện. Quá gấp, Huỳnh Thanh đành phải áp dụng một biện pháp đơn giản và cổ điển: Mua ngay một chiếc mũ phớt tại sân bay cho Đại tướng chụp lên đầu và kéo sụp xuống, thêm một chiếc kính đen cho Đại tướng đeo che bớt mặt. Rất may, không có ai trong số các nhân viên Hải quan và cảnh sát Hoàng gia có mặt ở sân bay ngày hôm đó nhận ra vị khách quý của Hoàng gia mấy tháng trước!

Lần thứ hai, trong chuyến đón đồng chí Phạm Hùng, hành lý có thêm hai thùng plastic làm giấy căn cước. Tại cửa khẩu kiểm tra, hai thùng hàng bị giữ lại, đồng thời cảnh sát dã chiến xuất hiện dày đặc chốt chặn tất cả mọi ngả ra vào. Huỳnh Thanh tái mặt, phải ngay lập tức gọi điện về Đại sứ quán, nhờ người đến can thiệp. Sau hơn hai giờ chạy đôn chạy đáo, “hàng” mới được lấy ra... Hai hôm sau, các quan chức của Cảnh sát và Hàng không Phnom Penh đã cử người đến Đại sứ quán xin gặp Huỳnh Thanh để... xin lỗi. Họ cho biết: Hôm đó, có một đoàn kiểm tra liên hợp chính phủ đến sân bay Pochentong, do đó họ đành phải kiểm tra chiếu lệ, thực tình không muốn làm khó gì phía Việt Nam.

Lần thứ ba. Huỳnh Thanh đón đồng chí Phạm Hùng và Đại tướng Lê Trọng Tấn về Hà Nội. Tại sân bay Thượng Hải, đột nhiên có người chào “anh Hai”. Lần này chắc chắn bị lộ, bởi “người quen” kia nguyên là Chủ tịch Hội Hoa liên Chợ Lớn những năm chống Pháp, từng nhiều lần gặp gỡ, làm việc với đồng chí Phạm Hùng. Lần này, anh ta đang tháp tùng đồng chí Bí thư Thượng Hải ra đón một đoàn khách khác tại sân bay, trong tư cách thư ký kiêm thông dịch viên. Không thể tránh mặt, đồng chí Phạm Hùng bèn phân công: “Anh Tấn làm trưởng đoàn, anh Thanh thư ký, tôi là đoàn viên, ta đến chào đồng chí Bí thư Thượng Hải”.

Thành ủy Thượng Hải vì quí trọng “các đồng chí Việt Nam” nên đã mở tiệc chiêu đãi. Tại nhà khách, thấy sự chuẩn bị quá long trọng, “đoàn” Việt Nam tỏ ra lo ngại. Đồng chí Phạm Hùng đành phải gọi anh cựu Chủ tịch Hội Hoa Liên lại thông báo thật: Trưởng đoàn Việt Nam là Phạm Hùng – Ủy viên Bộ Chính trị. Tức khắc, nhà khách Thành ủy Thượng Hải lại sôi lên. Toàn bộ bàn tiệc được sắp xếp lại, từ chỗ ngồi, món ăn cho đến dao nĩa trên bàn. Cả nghi thức đón tiếp cũng được tổ chức cho tương xứng với vị trí Ủy viên Bộ Chính trị của đồng chí Phạm Hùng. Sau đó, chuyến về Hà Nội của đoàn được chuyển hẳn sang công khai, có nghi lễ tiễn long trọng...

Hú hồn, trong suốt thời gian tiếp xúc, vì tế nhị, phía Trung Quốc đã không hề đề cập gì đến chuyến đi “kỳ lạ” của phía Việt Nam.

Chuyến đưa đồng chí Lê Đức Thọ đi vào cuối năm 1968 càng nguy hiểm hơn, bởi lúc đó, Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đang đến cao trào. Ở trong nước, máy bay Mỹ đang tăng cường oanh kích ác liệt miền Bắc. Cầu Long Biên sập, đích thân Trung tướng Phùng Thế Tài phải bố trí trực thăng đón đồng chí Lê Đức Thọ từ Bệnh viện Bạch Mai đến sân bay Gia Lâm. Đến Trung Quốc, tại sân bay Vũ Hán, một sự cố lại xảy ra. Thay vì chuẩn bị vé máy bay hạng hai, cơ sở của Huỳnh Thanh tại đó lại chuẩn bị vé hạng nhất, trong khi cả đồng chí Lê Đức Thọ lẫn Huỳnh Thanh đều đã cố tình ăn mặc rất “hạng hai”. Vào phòng chờ, khách đi vé hạng nhất được đưa vào lô riêng của VIP. Thấy “khách sang” từ Việt Nam sang, đám Hồng vệ binh lau nhau xúm lại hỏi han tíu tít. Một Hồng vệ binh đường đột chen vào ngồi giữa đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Thuận - bác sĩ riêng của ông. Gã vỗ ngực tự xưng: “Tôi là lãnh đạo của chính quyền Vũ Hán, đề nghị “đồng chí” nói chuyện về tình hình Việt Nam”.

Đồng chí Lê Đức Thọ đành phải đóng kịch, chỉ vào Huỳnh Thanh: “Tôi là Việt kiều, không rõ tình hình trong nước lắm, anh hỏi đồng chí này biết nhiều hơn...”.

Huỳnh Thanh đành phải đứng ra diễn thuyết bất đắc dĩ một hơi gần cả tiếng đồng hồ. Mãi đến giờ lên máy bay, đoàn Việt Nam mới thoát được những cái đuôi Hồng vệ binh bám theo...

Sau Tết Mậu Thân 1968, chính quyền Sài Gòn đóng cửa hành lang bay, không cho máy bay nước ngoài quá cảnh không phận Nam Việt Nam. Những chuyến bay của hãng Air France phải đi dọc bờ biển, vòng xuống qua mũi Cà Mau để vòng vào đáp xuống Phnom Penh. Dù vậy, những chuyến đưa đón vẫn tiếp tục.

Năm 1970, Lon Nol làm đảo chính hạ bệ Shihanouk. Đại sứ quán ta bị đập phá, cướp bóc. Cán bộ - nhân viên ngoại giao Việt Nam phải di tản sang các tòa đại sứ quán khác của các nước Xã hội chủ nghĩa, sau đó trở về nước. Huỳnh Thanh được cử sang Paris nhận nhiệm vụ mới. Đường dây đưa đón cán bộ cao cấp Hà Nội - Phnom Penh cũng chấm dứt hoạt động.

Số thành viên tham gia Quỹ mật B29 vốn đã rất ít ỏi, nay chỉ còn lại vài ba người. Tận hiến cho đất nước và sự nghiệp Cách mạng, họ đến và đi trong lặng lẽ, không mấy ai được biết. Nhưng Tổ quốc không quên, năm 2009, Ban B29 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.