Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 với trang sử vẻ vang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 1-5-1964, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên, mang mật danh B3.

Mặt trận Tây Nguyên ra đời có nhiệm vụ xây dựng Tây Nguyên thành chiến trường đánh tiêu diệt lớn, có đội quân chủ lực mạnh làm nòng cốt thúc đẩy ba thứ quân phát triển, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch; thu hút, giam chân lực lượng chủ lực cơ động của Mỹ-ngụy tạo điều kiện cho đồng bằng và thành phố nổi dậy; phối hợp chặt chẽ với Trị Thiên, Đông Nam Bộ và các chiến trường khác tiến công địch trong những thời điểm chiến lược. Đồng thời xây dựng hậu phương trực tiếp của chiến trường thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng miền Nam và Đông Dương. Xây dựng và bảo vệ hành lang chiến lược nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, phá thế chia cắt của địch, tiến lên chia cắt địch.

Sau hai tháng được thành lập, ngày 3 và 4-7-1964, các đơn vị đã tổ chức tiến công tiêu diệt căn cứ biệt kích ngụy ở Bắc Kon Tum, loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 tên địch, có 9 cố vấn Mỹ; thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu của chúng.

Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nước ta. Chiến trường Tây Nguyên cũng diễn biến hết sức nhanh chóng và quyết liệt. Ta chủ động tiến công địch trên toàn mặt trận; đồng thời tích cực phát triển lực lượng để kịp thời ứng phó với âm mưu của Mỹ trực tiếp đưa quân lên chiếm giữ Tây Nguyên.

Cuối năm 1965, trong Chiến dịch Pleime, lần đầu tiên bộ đội chủ lực Tây Nguyên tiêu diệt gọn một tiểu đoàn quân Mỹ, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác, buộc Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Không vận số 1 Mỹ phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Đây là một thất bại chưa từng có của sư đoàn được mệnh danh “anh cả đỏ” của quân đội Mỹ, đồng thời báo hiệu cho sự phá sản của chiến tranh cục bộ mà Mỹ đang tiến hành.

Cuộc tháo chạy của Lữ đoàn Kỵ binh không vận số 3 đã làm chấn động nước Mỹ, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình của nhân dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh rút quân Mỹ về nước. Với ta, đây là chiến dịch tiến công quân Mỹ đầu tiên và cũng là chiến thắng lớn nhất của Quân giải phóng miền Nam ở thời điểm đó. Cùng với chiến thắng ở Ba Gia, Bình Giã, Vạn Tường đã củng cố quyết tâm đánh Mỹ và niềm tin nhất định sẽ thắng Mỹ của quân và dân ta.

Liên tiếp những năm sau đó, Mặt trận Tây Nguyên mở các chiến dịch Đông và Tây Sa Thầy (năm 1966), Đắk Tô 1 (năm 1967), Đăk Tô 2 (năm 1969), Bu Prăng-Đức Lập (năm 1969), Đăk Siêng (năm 1970), Chiến dịch Nam đường 14 (năm 1971)... Đặc biệt, đòn tiến công chiến lược Xuân 1968 đã làm thay đổi cục diện của chiến trường Tây Nguyên. Những sư đoàn thiện chiến nhất của Mỹ-ngụy đều được chúng điều động đến tham chiến trên chiến trường Tây Nguyên, nhưng tất cả các đơn vị này của chúng đều nếm thất bại đau đớn, bộ đội Tây Nguyên càng đánh càng mạnh và giữ thế chủ động tiến công.

Xe tăng của Tiểu đoàn xe tăng 297 (Mặt trận Tây Nguyên) xuất kích trong trận Đắk Tô - Tân Cảnh (năm 1972). Ảnh: TTXVN

Xe tăng của Tiểu đoàn xe tăng 297 (Mặt trận Tây Nguyên) xuất kích trong trận Đắk Tô - Tân Cảnh (năm 1972). Ảnh: TTXVN

Đầu năm 1972, bộ đội chủ lực Tây Nguyên đã có 2 sư đoàn bộ binh, 4 trung đoàn bộ binh độc lập, một trung đoàn đặc công và nhiều trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng với những trang bị khá hiện đại. Ta mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân Hè 1972, lần đầu tiên ta tiêu diệt căn cứ sư đoàn 22 ngụy trong công sự vững chắc tại Đăk Tô-Tân Cảnh. Đây là căn cứ cấp sư đoàn địch đầu tiên bị tiêu diệt trên chiến trường miền Nam lúc đó.

Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh đã khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang Tây Nguyên đồng thời mở ra khả năng đánh tiêu diệt lớn quân địch trong công sự vững chắc. Chiến thắng này cũng là cơ sở để quân ta mở các chiến dịch tiến công lớn; đồng thời góp phần quan trọng làm phá sản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ.

Với lực lượng có bước phát triển vượt bậc, từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4-1975, ta mở Chiến dịch Tây Nguyên. Trong vòng một tháng, quân ta diệt và làm tan rã quân đoàn 2 ngụy cùng toàn bộ lực lượng địch ở Tây Nguyên và hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa; giải phóng hoàn toàn địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Chiến thắng Tây Nguyên là đỉnh cao của nghệ thuật tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch tiến công, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của Quân đội ta. Đồng thời, mở ra bước ngoặt chiến tranh dẫn đến cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam làm cho chế độ Sài Gòn sụp đổ nhanh chóng chỉ chưa đầy một tháng sau đó.

Để đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, ngày 26-3-1975, Quân đoàn 3 ra đời trên cơ sở các đơn vị của Mặt trận Tây Nguyên. Quân đoàn 3 mang trong mình truyền thống của Tây Nguyên bất khuất; kế thừa trọn vẹn những kinh nghiệm quý báu của lực lượng vũ trang Tây Nguyên và đã lập công xuất sắc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh chiếm 2 mục tiêu quan trọng là sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu ngụy quân Sài Gòn. Sau đó Quân đoàn đã cơ động ra Bắc tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc rồi lại từ Bắc vào Nam tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia…

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.