Cuốn sách in từ năm 1892 của tác giả người Pháp, tiết lộ về những câu chuyện về con người, đời sống, xã hội Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19, lần đầu được ra mắt tại Việt Nam với tựa Một chiến dịch ở Bắc kỳ đã gây thích thú cho độc giả.
Bồi phục vụ cho người Pháp ở Bắc Kỳ - Ảnh: Charles-Édouard Hocquard |
Ký sự hành trình Một chiến dịch ở Bắc kỳ của Charles-Édouard Hocquard (Thanh Thư chuyển ngữ) do NXB Đà Nẵng và Omega vừa ấn hành, kể về phong cách thời trang nón... "không đụng hàng" của những người Bắc kỳ xưa: "Nó có hình dáng như cái nắp đậy tròn, đường kính khoảng sáu mươi, bảy mươi centimét. Mỗi bên đính một chùm sáu hoặc bảy dây lụa thêu, dày như ống đựng bút, và thắt lại ở giữa ngực tạo thành dây quai nón dài xuống ngực. Ở chỗ buộc dây lụa và hai bên chiếc nón là hai quả tua bằng lụa đen hoặc vải mộc rất to, trông như hai cái tai khổng lồ vậy".
Hà Nội, đồn lính canh lối vào nhượng địa - Ảnh: Charles-Édouard Hocquard |
Đặc biệt, chất liệu để làm nón đa phần bằng lá cọ, rồi nhờ sự khéo léo của bàn tay con người mà thành, phía trong lót một lớp lưới mắt cáo mỏng bằng cói, giá thành rất đắt, nhất là khi chúng được trang trí hai móc bấm bằng bạc chạm trổ để treo quả tua bằng lụa. Tác giả cho biết thêm: "Nhiều phụ nữ dán trong chiếc nón một mảnh gương tròn nho nhỏ để soi mỗi khi họ bắt đầu ra phố và khi cần sửa sang lại khăn đội đầu. Chiếc nón còn là một phần phục trang mà những cô gái thanh lịch chăm chút nhất. Một số nón có giá không dưới mười đến mười lăm piastre (bốn lăm đến năm mươi franc)”.
Điều ít ai biết, đối với người An Nam bình dân nếu không đi chân đất thì họ sẽ mang một loại xăng-đan đế da với quai da buộc vào cổ chân. Quai được trang trí nhiều miếng đệm nhỏ bằng vải tạo thành một chữ V ôm lấy mu bàn chân, trong đó một điểm cố định ở đế dép giữa ngón cái và các ngón khác, hai điểm còn lại kéo dài tới tận hai bên rìa xăng-đan rồi đính vào phía dưới của ngón cái và phía sau của bốn ngón còn lại.
Người An Nam thường mang xăng-đan được viết trong sách khá buồn cười: "Họ giữ chiếc dép bằng sợi dây luồn giữa ngón thứ nhất với ngón thứ hai và khi di chuyển phải siết hai ngón ấy lại như chúng ta kẹp một vật gì giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ vậy. Cách vận động ngón chân cái như vậy, nhất là khi nó choãi ra so với những ngón còn lại, tạo thành một đặc điểm thể chất của giống nòi An Nam. Người Trung Quốc hay gọi dân bản địa này là Giao Chỉ, nghĩa là “chân tõe ra”.
Kiểu thời trang "độc chiêu"
Sách đã dẫn còn miêu tả cụ thể về kiểu thời trang "độc chiêu" mang dưới đôi chân phái đẹp: “Phụ nữ mang xăng-đan đẹp hơn xăng-đan của đàn ông. Đế của chúng bằng gỗ phủ sơn đen và cong lên ở phía trước. Phần cong lên đó thường được trang trí hoa văn. Đi những đôi dép gót rời ra như vậy rất khó và mỗi bước chân lại vang lên kêu lạch cạch; nhưng phụ nữ ở đây lại có một dáng đi rất uyển chuyển. Loại dép mà tôi vừa nói tới là dép truyền thống của người An Nam; ở Bắc kỳ chỉ có người bình dân còn đi loại ấy. Tầng lớp trung lưu và quan lại thì đi giày vải hoặc giày Trung Quốc đế dày và mõm nhọn, hoặc là hài bằng da màu đen, thậm chí cả giày Tây nữa. Phụ nữ thượng lưu thì có loại giày hở gót, mũi nhọn và cong giống như giày Mã Lai hoặc Cao Miên. Họ ưa thích những đôi giày ngắn và hẹp hơn bàn chân, để khi xỏ vào thì lộ hết những ngón chân; họ bước đi loẹt quẹt khiến cho dáng người núng nính như phụ nữ Trung Quốc. Họ để chân trần đi giày; chỉ vào mùa đông thì người Bắc kỳ mới mang tất len, và trong những đôi tất ấy, ngón cái bị tách ra khỏi những ngón khác”.
Phụ nữ Hà Nội và phía trong một chiếc nón ba tầm - Ảnh: Charles-Édouard Hocquard |
Ai cũng biết, vóc dáng của gười An Nam nhỏ bé nên cơ thể họ hơi mảnh mai, cơ bắp ít phát triển khiến cho họ có vẻ yếu ớt. Theo tác giả Charles-Édouard Hocquard: “Gương mặt của họ to bè; gò má nhô cao và cằm ngắn trông như hình thoi. Hình dáng to bè của gương mặt còn được tô đậm thêm bằng dải vấn đầu ở phụ nữ và khăn xếp phủ xuống giữa trán ở đàn ông, che hết hai bên thái dương. Cả đàn ông và phụ nữ đều có chiếc mũi bè và tẹt, lông mày thưa, mắt xếch. Ở những người này, vì mí mắt bị kéo lên phía thái dương nên đuôi mắt của họ gần như lúc nào cũng ti hí. Họ lắng nghe và hấp háy mắt như thể bị cận thị”.
Người xưa quan niệm “răng với tóc là góc con người”. Vì vậy, tóc người Bắc kỳ thường để rất dài và chăm chuốt cho đẹp. Còn râu ria của cánh đàn ông, tác giả cuốn sách viết: “Tôi chắc chắn rằng bộ râu dài của người Pháp là một thứ gì đó đáng sợ đối với người bản địa; đó là một trong những lý do mà những nhà truyền giáo của chúng ta không bao giờ cạo râu. Trái lại, cũng vì lý do đó, người Bắc kỳ dường như luôn trẻ hơn so với tuổi thật. Tôi cứ cho những người bản địa hơn hai mươi tuổi chỉ chừng mười hai đến mười lăm.Phụ nữ bản địa nhỏ bé nhưng khỏe mạnh; tay chân thanh mảnh, và gương mặt họ sẽ duyên dáng hơn nhiều nếu không có hàm răng nhuộm đen. Trẻ em thì xinh đẹp cho tới bảy, tám tuổi; từ độ tuổi đó mũi của chúng bắt đầu bè ra, gò má nhô lên và đôi mắt xếch hẳn và chúng mang hết mọi đặc điểm của giống nòi An Nam".
Ngôi làng và trẻ con trên bờ sông Hồng - Ảnh: Charles-Édouard Hocquard |
Ở Bắc kỳ, theo tác giả cuốn sách kể : "Phụ nữ không bế con trên tay mà kẹp trên hông; thói quen này thật tai hại về mọi phương diện: nó làm lệch cơ thể người mẹ và bẻ cong đôi chân của đứa bé. Trẻ sơ sinh được cho bú tới hai, ba tuổi, nhưng lên hai tuổi thì đứa bé đã được cho ăn cơm nhai. Đứa bé được bón ăn một cách khá lạ lùng: người mẹ cho cơm vào miệng và nhai kỹ, sau đó ghé miệng sát miệng con và đẩy hết vào cho tới khi đứa bé không chịu nuốt nữa. Cha mẹ không bao giờ ôm hôn con cái: khi họ muốn tỏ sự âu yếm, họ ghé mặt sát mặt đứa bé và hít hà như một con chó hửi chó con. Lính ta thường muốn ôm hôn những đứa bé thơm tho trắng hồng ấy. Bọn trẻ bỏ chạy vì sợ, và mẹ chúng quở mắng: “Sao-lam!” (Xấu lắm!)".
Đời sống khó khăn nên người ta không quan tâm tới áo quần của lũ trẻ. "Mùa hè chúng đi lại trên phố gần như trần truồng hoặc chỉ mặc một chiếc áo đơn sơ dài tới đầu gối. Cha mẹ thì buộc vào cổ chúng mấy đồng bạc hoặc bùa hộ mệnh để xua đuổi tà ma hoặc phòng tránh bệnh tật. Những đứa bé xíu cạo trọc đầu. Đến mười tuổi thì chúng mới để mọc một chỏm tóc trên đỉnh đầu hoặc rủ xuống giữa trán, đôi khi chúng buộc hai túm tóc lủng lẳng hai bên thái dương", sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ của Charles-Édouard Hocquard kể lại rất ngộ nghĩnh.
Theo Lê Công Sơn (thanhnien)