1
Sau một thời gian trông nom An Khê đình, năm 1999, gia đình ông Đặng Ngọc Mai chuyển từ phường Tây Sơn xuống xã Song An sinh sống. Về nơi ở mới, ông Mai tiếp tục tự nguyện nhận trông nom, hương khói tại miếu Xà và tận tâm, không ngơi nghỉ cho đến bây giờ. Miếu Xà nằm trong Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo. Đầu năm 2022, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào của các địa phương khu vực phía Đông tỉnh nói chung và cán bộ, người dân thị xã An Khê, xã Song An nói riêng. Hàng ngày, các thành viên trong Ban nghi lễ miếu Xà vẫn luân phiên trực để tiếp đón người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu di tích.

“Gần 26 năm qua, ngoài trực bảo vệ di tích theo lịch phân công, mỗi buổi tối, tôi đều ra miếu coi ngó, khấn cầu các vị thần linh che chở cho bản thân, gia đình và cộng đồng thôn, làng luôn bình an, may mắn. Nếu tôi bận việc thì người nhà thay tôi thắp hương. Thỉnh thoảng, tôi mua bánh, trái cây cúng ngày rằm, mùng 1. Tôi không nhận phụ cấp từ những việc đang làm, tất cả xuất phát từ tâm nguyện”-ông Mai chia sẻ.
Có ông và bố từng giữ chức Trưởng ban nghi lễ miếu An Bình (phường An Phước) nên từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Trung đã gắn bó với ngôi miếu này. Lớn lên, ông giúp việc cho các cụ từ nấu nước pha trà đến biên chép văn khấn cúng lễ. Đầu năm 2024, ông Trung được tín nhiệm giới thiệu làm Trưởng ban nghi lễ miếu An Bình cho đến nay.
Trên địa bàn thị xã An Khê có 13 đình, 23 miếu được hình thành từ thế kỷ XVIII, XIX. Đến nay, phần lớn các đình, miếu còn giữ được nét cổ kính về mặt kiến trúc. Tại các đình, miếu có ban quản lý hoặc ban nghi lễ và đội hậu cần từ 16 đến 22 thành viên.
Theo lời ông Trung thì ông nội của ông là một trong những người chung tay thành lập, xây dựng miếu An Bình. Bố ông đã tiếp bước cha tham gia ban nghi lễ. Những năm qua, kế thừa truyền thống của gia đình, ông phối hợp với các thành viên tổ chức cúng lễ theo nghi thức truyền thống và vận động người dân đóng góp kinh phí để tu bổ, sửa chữa miếu, xây dựng nhà bếp, phục vụ nấu nướng, thờ cúng thần linh được tốt hơn.
“Các bậc tiền nhân đã có công xây dựng di tích, thế hệ chúng tôi phải gìn giữ và phát huy để mạch nguồn di sản văn hóa của cha ông mãi trường tồn”-ông Trung kiên định.
Còn ông Lê Văn Hương-Trưởng ban Quản lý kiêm Trưởng ban nghi lễ đình Tân Lai (phường An Bình) cho hay: Cụm đình miếu Tân Lai gồm có đình Tân Lai, miếu Tân Lai và miếu Tân Chánh. Từ năm 1996-2001, ông tham gia Ban nghi lễ miếu Tân Lai. Năm 2002, ông làm thư biên, ghi chép các cuộc họp, thu chi của Ban nghi lễ đình Tân Lai. Đến năm 2020, ông được các thành viên Ban nghi lễ giới thiệu làm Trưởng ban nghi lễ đình đến nay. Hàng ngày, ông cùng các thành viên trông coi, quét dọn, thắp hương các ban thờ thần linh trong đình.
Theo tục lệ, mỗi năm, ông Hương cùng Ban nghi lễ thực hiện gần chục lễ cúng lớn nhỏ tại đình. Trong đó, lễ Nguyên đán (sáng mùng 1 Tết) và lễ cúng Quý Xuân (ngày 10 và 11-2 âm lịch) tổ chức cúng tế theo nghi thức truyền thống. Ban nghi lễ đình còn hỗ trợ miếu Tân Lai, miếu Tân Chánh cúng Quý Xuân, Quý Thu theo nghi thức truyền thống.
“Tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng của thị xã trong việc thu thập thông tin, làm hồ sơ đề nghị tỉnh xếp hạng di tích. Năm 2020, cụm đình miếu Tân Lai, Tân Chánh được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tôi rất mừng vì đã đóng góp công sức, góp phần gìn giữ, bảo tồn di tích, bản sắc văn hóa truyền thống”-ông Hương thổ lộ.
2
Đội hậu cần miếu An Phú có 14 thành viên là hội viên phụ nữ thôn An Xuân 3 (xã Xuân An). Dịp cúng Quý Xuân (17-2 âm lịch), Quý Thu (17-8 âm lịch), bà Tô Thị Lan-Đội trưởng-sẽ tập hợp chị em, lên thực đơn, đi chợ mua nguyên liệu, chế biến mâm cúng và làm các nhiệm vụ bày biện mâm cúng, bưng bê, phục vụ cúng lễ.
Bà Lan cho hay: Bà tham gia đội hậu cần gần 10 năm. Lễ cúng Quý Xuân, Quý Thu, đội chế biến 3 mâm cúng và khoảng 15 mâm cỗ đãi khách cùng bà con dân làng. Kinh phí mua nguyên liệu từ nguồn đóng góp, ủng hộ của các hộ dân và các cơ sở, hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn. Mỗi khi thôn có việc, mọi người đoàn kết không nề hà góp công, góp sức để lễ cúng diễn ra theo cổ lệ, trang nghiêm. Kết thúc lễ cúng, người dân quây quần thụ lộc tại sân miếu.

Tương tự, từ năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Thị Sương (thôn An Bình) tham gia đội hậu cần của đình Cửu An (xã Cửu An). Vào các dịp lễ cúng quan trọng, bà và các thành viên đội hậu cần sẽ sửa soạn, chế biến mâm cúng dâng lên thần linh.
“Mâm cúng thường được chế biến từ các loại lương thực, thực phẩm do chính tay người dân làm ra. Việc làm này thể hiện lòng thành kính của chúng tôi với các đấng thần linh đã ban mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; đồng thời tưởng nhớ, hàm ơn các bậc tiền nhân đã có công khai mở ruộng đồng, xây dựng làng để con cháu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay”-bà Sương chia sẻ.
Ông Trần Thanh Luân-Trưởng ban Quản lý đình Cửu An-cho biết: “Ban nghi lễ đình Cửu An có 7 thành viên, còn đội hậu cần có 4 nam và 8 nữ. Nam giới trong đội hậu cần sẽ làm những việc nặng như mổ heo, kê bàn ghế; phụ nữ thì nấu nướng, chế biến mâm cúng.
Bao năm qua, nhờ đội hậu cần làm việc tích cực, tận tâm nên việc cúng lễ diễn ra đúng thời gian, kế hoạch. Đây cũng là nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần đoàn kết của bà con nhân dân vì việc chung của đình, của làng, xã”.