Sắc màu văn hóa bên dòng Đăk Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm hai bên bờ sông Đăk Pne mát lành, làng Kon Brăp Ju và Kon Biêu (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) là nơi sinh sống của dân tộc Ba Na và Xơ Đăng.

Nhà rông ở đây vừa là biểu trưng của tộc người, vừa là thiết chế văn hóa quan trọng góp phần gìn giữ các giá trị truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

sac-mau-vh-dd.jpg
Bên mái nhà rông làng Kon Brăp Ju. (Ảnh: KHIẾU MINH)

Làng Kon Brăp Ju là nơi định cư lâu đời của người Ba Na (nhóm Giơ Lâng), còn làng Kon Biêu là nơi quần tụ của người Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá).

Nối với nhau bởi cây cầu treo bắc qua sông Đăk Pne, người dân ở đây lưu giữ khá nguyên vẹn các phong tục, tập quán tốt đẹp trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.

Nhịp sống dưới mái nhà rông

Trưa tháng 3, mái nhà rông làng Kon Brăp Ju cao vút như tạc lên nền trời xanh thẳm.

Nhà của già làng A Jring Đeng nằm ngay sau căn nhà rông sừng sững, với kiến trúc nhà sàn gỗ, lợp mái ngói giản dị. Cuối gian khách, bếp lửa âm ỉ nổ lách tách, khói xám vấn vương.

Ngồi quanh bếp lửa, già làng A Jring Đeng tự hào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thời lập làng, sức mạnh văn hóa nội tại đã bền bỉ “đánh bật” văn hóa Tây phương du nhập. Dân làng Kon Brăp Ju vẫn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và phong tục của dân tộc mình.

Câu nói “phong tục của chúng tôi, chúng tôi phải giữ” mà già A Jring Đeng ghi nhớ vẫn chi phối các hoạt động trong đời sống.

Cho đến nay, trong làng Kon Brăp Ju, bà con vẫn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp trong nếp ăn, nếp ở, nếp mặc. Cuộc sống hiện đại, điện vào từng nhà nhưng trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Ba Na, bếp lửa là linh hồn của căn nhà, âm ỉ không bao giờ tắt.

Nhớ lại thời nghèo khó, chăn màn còn thiếu thốn, để giữ ấm, cả gia đình ngủ quanh bếp lửa. Không chỉ thế, trong lao động nông nghiệp, nông sản sau khi thu hoạch được cất luôn vào kho, khi dùng mới lấy một gùi trải lên cái nia, hong trên bếp lửa một ngày, một đêm thì khô.

Chỉ khoảng 25-30 năm trở lại đây, người Ba Na mới thay đổi cách làm, lúa ngô thu hoạch được đem phơi nắng. Vì vậy, bếp lửa là thành tố quan trọng, mang lại sự ấm cúng cho căn nhà.

Đưa cho chúng tôi xem chiếc gùi được đan chắc chắn, kỹ càng, già làng A Jring Đeng vui vẻ gọi đây là chiếc gùi “ông đan, bà nẹp chỉ”.

Ông cho biết: “Dân tộc tôi, đàn ông nếu không biết đan lát thì đừng nghĩ chi đến lấy vợ. Đàn bà không biết kéo sợi, dệt thổ cẩm thì đừng nói đến kiếm chồng. Chúng tôi đan những chiếc gùi để đi rừng, đi núi. Tùy mùa măng hay mùa lúa mà đan gùi có sức chứa 35-50kg. Hiện giờ, nghề đan lát mây tre vẫn phổ biến trong đời sống. Sản phẩm chủ yếu bán cho bà con trong làng hoặc khách du lịch”.

Người Ba Na đang nắm giữ 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nghề dệt thủ công truyền thống và lễ Ét Đông (còn gọi là tết ăn con dúi) của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) huyện Kon Rẫy.

Già làng A Jring Đeng đưa chúng tôi tham quan ngôi nhà rông. Nắng gió Tây Nguyên là thế mà khi bước vào nhà rông, không khí mát rượi.

2sac-mau-vh.jpg
Già làng A Jring Đeng, làng Kon Brăp Ju. (Ảnh: KHIẾU MINH)

Ông chia sẻ, nhà rông rộng hơn 300m2, cao gần 20m, được ngăn vách làm hai; cột trụ bằng gỗ cà chít, lợp mái tranh; bên trong treo nhiều sừng trâu và tín vật của đồng bào.

Làng có 186 hộ và nhà rông là công trình của tập thể, cả làng cùng tham gia dựng nhà. Trong không gian này, dân làng Kon Brăp Ju tổ chức lễ mừng năm mới, lễ xuống giống, lễ sửa máng nước, lễ Ét đông, lễ ăn lúa mới…

Đội văn nghệ cồng chiêng của làng hoạt động rất tích cực dưới sự dẫn dắt của già làng A Jring Đeng. Với tri thức của một nghệ nhân ưu tú, ông đảm nhận vai trò truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Rời mái nhà rông cao vút đặc trưng của người Ba Na, đi qua cây cầu treo Thôn 5 bắc qua dòng Đắk Pne để sang làng văn hóa Kon Biêu (Thôn 4), chúng tôi sang thăm đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Đường vào làng được bê-tông hóa, sạch sẽ, phong quang, qua cổng là thấy bóng cây xanh mát bao quanh nhà rông, sân bãi rộng rãi.

Cũng như nhiều vùng dân tộc thiểu số, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các yếu tố hiện đại và truyền thống pha trộn trong không gian chung. Lý giải việc này, già làng Kon Biêu A Hiang cho biết: Điều kiện kinh tế tốt lên, người dân trong làng đều sửa sang nhà cửa, nhưng nhà sàn truyền thống vẫn được giữ lại.

Hiện nay, làng Kon Biêu có 163 hộ với hơn 500 dân, chủ yếu làm nông nghiệp. Người dân trong làng vẫn giữ nghề dệt truyền thống, tuy nhiên chỉ phục vụ trong gia đình.

Tương tự như nhiều dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên, nhà rông là bộ mặt của làng, là công trình của tập thể, được bà con cùng dựng với sự phân chia lao động cụ thể. Các hộ dân đóng góp vật liệu, ngày công. Điểm độc đáo là chỉ bằng chiếc rìu, các nghệ nhân đục đẽo, tạc gỗ, bổ cây, dựng cột, gia cố các mối buộc bằng mây mà không cố định bằng đinh.

Tuy am hiểu, nắm giữ tri thức dựng nhà rông truyền thống, nhưng bây giờ không có điều kiện dựng nhà rông mới, nên trong những lần tu bổ, sửa chữa, già làng A Hiang trực tiếp hướng dẫn người làng thực hiện từng công đoạn tỉ mỉ, vừa bảo đảm gìn giữ tối đa tính truyền thống, nguyên bản vốn có của nhà rông, vừa là truyền lại kỹ thuật dựng nhà.

Là không gian chung, nên các phong tục truyền thống đều diễn ra ở đây, từ các lễ truyền thống như đón năm mới, phát rẫy, đốt rẫy, tỉa lúa, làm đường, lúa mới, lễ cúng máng nước…

Già làng A Hiang cho biết, người dân trong làng ngày càng đông. Khi tách hộ lập buồng, rời khỏi gia đình bố mẹ, có chỗ ở riêng, theo luật tục, vào dịp làng có việc, nhà đó phải mang rượu đến nhà rông mời và “báo cáo” với làng việc vui.

Ngoài ra, nhà rông cũng là không gian tổ chức các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, bàn bạc những việc chung của làng.

Trong nhịp sống mới, bà con bảo ban nhau hiến đất làm đường, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự đoàn kết, chung tay vì cuộc sống tốt lên từng ngày, làng Kon Biêu đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Văn hóa bản địa được bảo tồn rất tốt nhưng du lịch cộng đồng ở làng Kon Brăp Ju và Kon Biêu chưa phát triển.

Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Kon Rẫy Phạm Viết Thạch cho biết, làng Kon Brăp Ju được huyện chọn xây dựng điểm mô hình du lịch cộng đồng, nhưng du lịch chưa thực sự chuyển mình.

Dùng du lịch để bảo tồn văn hóa hay dùng văn hóa là nguồn lực để phát triển du lịch, huyện Kon Rẫy vẫn xác định phát triển bền vững để không phá vỡ cấu trúc văn hóa vốn có.

Là địa bàn sinh sống của khoảng 10 dân tộc với sắc màu văn hóa đa dạng, huyện Kon Rẫy có 36 nhà rông, 16 nghệ nhân ưu tú về văn hóa dân gian, cồng chiêng, nhạc cụ; các lễ hội đa dạng gắn với di sản văn hóa cồng chiêng và không gian nhà rông, các nghề truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian… Đây là nguồn lực, tài nguyên văn hóa dồi dào để phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Sự tham gia của đội ngũ già làng, nghệ nhân trong vai trò truyền dạy các nghề đan lát, tạc tượng, làm gốm hay hát kể sử thi, dạy đánh cồng, chiêng, múa xoang và sự tiếp nối của lớp kế cận… bảo đảm cho dòng chảy văn hóa liên tục.

Quan trọng nhất, huyện Kon Rẫy xác định nhà rông vừa là biểu trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vừa là di sản văn hóa độc đáo cần phải gìn giữ. Vì vậy, trong bảo tồn, phục hồi giá trị nhà rông nguyên bản, cán bộ văn hóa huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có và nguồn lực của cộng đồng để xây dựng.

Từ đó, lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Kon Rẫy, hội thi cồng chiêng... được tổ chức thường niên gắn liền với không gian buôn làng. Cấu trúc không gian làng không bị mất đi.

Không chỉ làng Kon Brăp Ju, Kon Biêu, ở những ngôi làng khác trong xã Tân Lập, dấu ấn văn hóa bản địa đều đậm đặc.

Trong tiến trình phát triển, văn hóa ăn, văn hóa ở, văn hóa mặc của bà con được giữ gìn; trong đó, nhà rông, trang phục truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng là những dấu hiệu nhận diện bản sắc văn hóa tộc người. Trước xu thế giao thoa đan xen các vùng văn hóa, nhiều khi yếu tố văn hóa bản địa bị phai mờ.

Giải pháp là lựa chọn bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp, gìn giữ yếu tố văn hóa gốc trước làn sóng san bằng, cào phẳng của lối sống hiện đại.

Đề cao vai trò của nghệ nhân, của cộng đồng trong quá trình tự lưu giữ, tự thực hành tri thức dân gian, không tác động, can thiệp nhiều vào các thành tố văn hóa… khi đó văn hóa bản địa tự thân sẽ tỏa sáng.

Theo NGỌC LIÊN (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

(GLO)- Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng-những nữ tướng anh hùng đã nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán.

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

(GLO)- Ngày 9-3, tại đình làng An Mỹ (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) diễn ra lễ cúng đình với các nghi thức long trọng tưởng nhớ công ơn của các vị tiền hiền có công khai hoang mở đất, lập làng và cầu quốc thái dân an.

Nối nghề

Nối nghề

Lần đầu tiên nghệ nhân Y Pư giới thiệu nghề làm gốm thủ công tại Bảo tàng tỉnh trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 (năm 2016) đã để lại ấn tượng đẹp.

Ông Đinh Plih sắp xếp bộ cồng chiêng và các vật dụng sẵn sàng đem theo khi đi trình diễn, quảng bá văn hóa dân tộc Bahnar. Ảnh: N.M

Đinh Plih: Tự hào “vốn liếng” văn hóa Bahnar

(GLO)- “Ý nghĩa của công việc không phải chỉ nằm ở chỗ tiền bạc mà còn ở nhu cầu về tinh thần, biểu hiện của giá trị, một vốn liếng để tự hào”. Câu nói này thật đúng đối với ông Đinh Plih (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Với ông, hạnh phúc đơn giản là bản thân được sống trọn với đam mê.

Sức sống của lễ hội Tây Nguyên

Sức sống của lễ hội Tây Nguyên

(GLO)- Hoa pơ lang thắp lửa cuối khu nhà mồ làng Pyang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Nổi bật giữa lớp lớp nhà mồ cũ là 3 nhà mồ mới làm. Đó là những dấu hiệu mùa lễ hội giữa núi rừng Trường Sơn.

Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro

Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro

(GLO)- Từ 21 đến 23-2, làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) tưng bừng tổ chức lễ bỏ mả-một trong những lễ hội lớn và đặc sắc nhất của người Bahnar Đông Trường Sơn

Gìn giữ giai điệu của đá

Gìn giữ giai điệu của đá

Trong dịp đầu xuân, tại chương trình trình diễn, trải nghiệm di sản văn hóa diễn ra ở Bảo tàng – Thư viện tỉnh, người dân và du khách có dịp thưởng thức những giai điệu của đá được trình diễn bởi nghệ nhân ưu tú A Thu (50 tuổi) ở thôn Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô).

Sức sống từ lễ hội ở làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) khiến ngôi làng này trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Ảnh: M.C

Gìn giữ lễ hội để phát triển du lịch

(GLO)- Lễ hội Tây Nguyên không chỉ là sự kiện mang tính cộng đồng mà là “kho báu” cho du lịch. Đánh giá đúng thực trạng lễ hội trong các buôn làng để có giải pháp khai thác phát triển du lịch là vấn đề cần được tính đến.

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.