Hàng năm, trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang tại Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ) luôn đều đặn tái hiện lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.
Để phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia này, UBND tỉnh vừa phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Vua Lửa-Huyền thoại và hiện thực”. Đông đảo học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã tham gia hội thảo và dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện này.

Vua Lửa có thực hay huyền thoại?
Qua góc nhìn khảo cổ học, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử (Viện Sử học Việt Nam) chỉ rõ những đặc trưng, tính chất niên đại và giá trị lịch sử của huyền thoại Vua Lửa. Qua những chuyến khảo sát thực địa và chứng kiến nghi lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử cho biết: “Các nghi thức, đặc biệt là điệu múa cổ xưa trong lễ cầu mưa là loại hình nghệ thuật trình diễn đỉnh cao.
Chúng tôi đã tìm thấy những hình tượng mô phỏng điệu múa mang tín ngưỡng này khắc trên các hang đá có niên đại rất cổ xưa. Điều đó cho thấy Vua Lửa cùng tín ngưỡng cầu mưa bắt nguồn từ giai đoạn rất sớm, cần có sự kết hợp nghiên cứu giữa các nhà sử học, văn hóa, khảo cổ để thấy được giá trị và sự hấp dẫn vô cùng đặc biệt của hiện tượng này”.
Tiến sĩ Bùi Minh Đạo-nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên-cho rằng: Plei Ơi là nơi sinh sống của hầu hết các đời Vua Lửa. Đây cũng có thể là “cố đô” của tiểu quốc Hỏa Xá trong lịch sử. Trong thời gian tồn tại, các Pơtao Apui là thủ lĩnh tôn giáo nhưng ở thời điểm nào đó, mức độ nào đó, do uy tín về tâm linh, họ còn là thủ lĩnh quân sự của người Jrai.
Qua nhiều nguồn thư tịch cổ của nhà nước phong kiến Việt Nam, công trình nghiên cứu của các học giả người Pháp và các nhà khoa học trong nước, Tiến sĩ Bùi Minh Đạo chỉ ra những đóng góp quan trọng của Vua Lửa trong dòng chảy lịch sử, văn hóa.
Ông nhìn nhận: Mặc dù các Vua Lửa là những con người có thật trong lịch sử nhưng những câu chuyện về họ thường nhuốm màu sắc huyền thoại, bí ẩn và tạo nên vị thế khác biệt của tộc người Jrai trên cao nguyên đại ngàn. Đó cũng là “không gian sáng tạo” để cộng đồng thể hiện, gửi gắm khát vọng. Những câu chuyện đầy hư ảo ấy vẫn được người dân kể lại một cách gần gũi, giản dị và mang niềm tin tâm linh sâu sắc, đem đến trải nghiệm chân thực cho du khách. Đây cũng là một lợi thế để phát huy giá trị di tích Plei Ơi qua con đường du lịch.
Ý kiến tại hội thảo cũng như tham luận của các nhà khoa học đã đưa ra nhiều góc nhìn, cách tiếp cận, qua đó tập trung làm rõ các cứ liệu khảo cổ học về hiện tượng Pơtao Apui, hệ thống hóa các tư liệu thư tịch cổ, các huyền thoại về hiện tượng này. Các nhà khoa học phân tích, đánh giá giá trị của di sản văn hóa Pơtao Apui trên cả phương diện vật thể và phi vật thể; chỉ ra mối liên hệ về phương diện tín ngưỡng, thực hành văn hóa với những hiện tượng tương tự ở các vùng văn hóa cận kề.
Phát huy giá trị di tích
Pơtao Apui xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV, tồn tại 5 thế kỷ với 14 đời. Ông Siu Luynh là người được chọn kế vị Vua Lửa thứ 14 nhưng chưa làm lễ tiếp nhận gươm nên chưa được gọi là Pơtao. Ông Siu Luynh qua đời năm 1999, trở thành Vua Lửa cuối cùng và kể từ đây, hiện tượng này chính thức tan rã. Việc thực hiện các nghi lễ cầu mưa hiện nay do các phụ tá Rơlan Hieo và Siu Phơ đảm nhận.

Nếu Pơtao Ia (Vua Nước) và Pơtao Agin (Vua Gió) chỉ còn là truyền thuyết thì hiện tượng Pơtao Apui (Vua Lửa) vẫn hiện hữu sống động trong đời sống của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ.
Về hướng bảo tồn hiện tượng này trong đời sống, Tiến sĩ Trần Thị Phương Hoa (Viện Sử học Việt Nam) liên tưởng thú vị với hình tượng ông già Noel hay thế giới phù thủy trong Harry Potter ở phương Tây. Đây đều là những nhân vật được hư cấu để tôn vinh niềm tin, khát vọng của con người.
Vua Lửa gắn với thanh gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió cũng mang màu sắc hư ảo, đại diện cho ước mơ của cộng đồng. Nếu đưa hình tượng này đi vào cuộc sống như niềm tin vào sự tồn tại của ông già Noel, Vua Lửa sẽ trở thành một phần di sản sống được cộng đồng chung tay gìn giữ, phát huy.
Tại hội thảo, các nhà khoa học còn tư vấn giúp địa phương cách nâng tầm và phát huy giá trị của di tích quốc gia Plei Ơi. Trong đó, cần thiết đưa di sản quốc gia này vào chương trình giáo dục địa phương để nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ.
Về góc độ quản lý, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Xác định ý nghĩa lịch sử, văn hóa của hiện tượng Vua Lửa gắn với lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích Plei Ơi từ rất sớm. Năm 1993, Plei Ơi được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Năm 2015, lễ cầu mưa cũng được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xem xét, thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch di tích Plei Ơi phù hợp với tình hình thực tế theo đề xuất để địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Đồng thời, với sự tham gia, quan tâm của đông đảo các nhà khoa học tại hội thảo trong việc làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa của hiện tượng Vua Lửa gắn với di tích Plei Ơi, địa phương cũng có thêm cơ sở để lập hồ sơ khoa học đề nghị nâng hạng lên di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Chu Văn Tuấn-Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Plei Ơi là di sản lịch sử-văn hóa đặc thù cần được bảo tồn khẩn cấp. Hội thảo đã tổng hợp những tư liệu, kết quả nghiên cứu, đánh giá mới của các nhà khoa học liên quan đến vai trò, vị trí của Vua Lửa và việc thực hành nghi lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui. Hội thảo cũng nêu bật những giá trị để có thể nâng cấp địa điểm này thành di tích lịch sử-văn hóa quốc gia đặc biệt.
“Chúng ta cần đạt được nhận thức chung, đầy đủ hơn về nguồn gốc, lịch sử diễn biến, các giá trị văn hóa-tộc người của tín ngưỡng Vua Lửa, đồng thời thống nhất những giải pháp khả thi nhất cho việc bảo tồn di sản văn hóa-tâm linh độc đáo này và khai mở các tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa trong thời gian tới”-ông Tuấn nói.