Chuyện thú vị về Vua Lửa và hòn đá Chlơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vua Lửa (Pơtao Apui) là hiện tượng lịch sử văn hóa độc đáo, cho đến nay vẫn được các nhà nghiên cứu quan tâm và không ngừng tìm hiểu để giải mã về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của một mô hình nhà nước sơ khai.

Đâu đó vẫn còn nhiều câu chuyện thú vị về các vua Lửa. Và chuyện về một hòn đá gắn với vị Vua Lửa đầu tiên Ksor Chlơi (Jơlơih) nằm trong số đó.

Theo kế hoạch, cuối tháng 12 này, UBND tỉnh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo về Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Plei Ơi với chủ đề “Vua Lửa-huyền thoại và hiện thực, giải pháp bảo tồn phát huy giá trị di tích Plei Ơi”.

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu về di tích, chúng tôi bắt gặp những câu chuyện thú vị xung quanh vị Vua Lửa Ksor Chlơi và hòn đá nằm cạnh lùm cây ở cánh đồng Plei Dmun, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Người dân trong vùng vẫn gọi là hòn đá Chlơi.

anh-2-hon-da-chloi-nay-da-bi-lat-nghieng-nam-o-canh-dong-plei-dmun.jpg
Hòn đá Chlơi nay đã bị lật nghiêng nằm cạnh lùm cây rậm rạp ở cánh đồng Plei Dmun. Ảnh: H.B.T

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập nên nước Hoa Anh và Nam Bàn, tạo “vùng đệm” nhằm ngăn cách Đại Việt với Champa. Theo thư tịch cổ, cương vực Hỏa xá, Thủy xá là vùng đất thuộc Nam Bàn trong lịch sử.

Người đứng đầu Thủy xá là Pơtao Ia (Vua Nước), đứng đầu Hỏa xá là Pơtao Apui (Vua Lửa). Cùng với chiếc “gươm thần” là sự xuất hiện của các Pơtao Apui đã tồn tại suốt 5 thế kỷ qua.

Tương truyền, Ksor Chlơi là người đầu tiên được người Jrai tín nhiệm giao cho việc giữ gìn “gươm thần”, có khả năng hô mưa, gọi gió.

Theo quy định lúc bấy giờ, những người được giao gìn giữ thanh gươm phải kiêng cữ, không được ăn thịt bò, ếch, nhái, nội tạng của động vật nuôi trong nhà. Nếu ăn những thứ trên, bản thân người đó bị ô uế sẽ làm giảm đi quyền lực của thanh gươm.

Vì nhà nghèo, Ksor Chlơi không thể kiêng cữ trong ăn uống nên ông kiên quyết từ chối việc giữ gìn thanh gươm. Mặc dù được người dân ra sức thuyết phục nhưng ông vẫn khăng khăng từ chối và bỏ làng đi nơi khác. Điều này đã làm cho những người tín nhiệm ông cảm thấy bị xúc phạm và tập hợp nhau lại để đánh ông.

Lúc bấy giờ, những người trong dòng họ Ksor thấy nhiều người từ các dòng họ khác nhau kéo đến đánh Ksor Chlơi nên họ quyết định tự giết ông để không bị những người ngoài dòng họ hành hạ nữa. Trong bài viết “Hiện tượng lịch sử-văn hóa Pơtao Apui từ tư liệu đến thực địa” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, sự kiện này đã được kể lại như sau: “…Thấy người ta định giết mình, ông vùng bỏ chạy, liền bị chặt đứt 2 chân, ông ngoái đầu nhìn lại thì bị chặt đứt 2 cánh tay và đầu. Vừa lúc đó, nước biển dâng lên ngập cả vùng. Khi nước biển hạ xuống, ông đã hóa đá”.

Các ông Rmah Yơi, Rmah Thuyn (Plei Ơi, xã Ayun Hạ) kể cho chúng tôi biết: Sau khi bị giết, đầu ông Chlơi được mang xuống vùng Krông Pa và tứ chi của ông được người Bahnar mang đến vùng Mang Yang ngày nay.

anh-4-cong-vao-di-tich-cap-quoc-gia-plei-oi.jpg
Cổng vào di tích cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: H.B.T

Chúng tôi trở lại Plei Ơi vào một ngày đầu tháng 12. Dẫn tôi đi dọc theo con kênh Ayun Hạ đầy ắp nước, băng qua vài bụi cây, lội qua các thửa ruộng sũng nước, chị Kpă Loan-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa-Thông tin Phú Thiện chỉ về phía một lùm cây rậm rạp nằm giữa cánh đồng và cho biết: Trong lùm cây rậm ấy là hòn đá Chlơi, có hình thù giống một người bị chặt đứt đầu và tứ chi. Người Jrai tin rằng đó chính là thân xác của ông Ksor Chlơi.

Chị Kpă Loan cho biết thêm: Ngày xưa, mỗi khi hạn hán, mất mùa, đau ốm, dịch bệnh, dân làng thường đến chỗ hòn đá Chlơi để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe, bình an. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, có người cúng gà, người cúng heo, thậm chí có người cúng con trâu và nhiều ghè rượu.

Theo lời kể của ông Ksor Soan-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sol thì còn một câu chuyện thú vị nữa. Ấy là ngày trước, mỗi buổi sớm, người dân các buôn Plei Athai, Plei Klah (thị trấn Phú Thiện) và Plei Tel (xã Ia Sol) nhìn về hướng Plei Dmun thì thấy hình ảnh hòn đá Chlơi màu trắng bị chặt tứ chi phản chiếu lên núi Chư Pơl (thuộc Plei Dmun, xã Ia Ake).

Chị Kpă Loan dẫn theo lời kể của bà Siu H’kách (tổ 10, thị trấn Phú Thiện) cho biết rằng: Trước đây, mỗi khi mọi người đi ngang qua đưa cơm, đưa nước cho hòn đá Chlơi thì đêm đó có ánh sáng từ hòn đá phản chiếu lên núi Chư Pơl như ngôi sao băng. Những người trong vùng còn tương truyền rằng: Ngày trước có ông Nay Lâm sinh sống tại Plei Amăng (thị trấn Phú Thiện) không tin về sự linh thiêng của hòn đá Chlơi nên có những hành động xúc phạm. Khoảng 3 tiếng đồng hồ sau, ông không kiểm soát được bản thân, cứ chạy lung tung khắp buôn làng. Gia đình ông phải đến nhờ phụ tá của Vua Gió Ơi Băm là Rmah Sâm cúng 1 con heo và 1 ché rượu. Sau đó, ông Nay Lâm mới hết bệnh.

anh-3-nui-chu-pol-thuoc-plei-dmun-xa-ia-a-ke-huyen-phu-thien.jpg
Núi Chư Pơl (thuộc Plei Dmun, xã Ia A Ke, huyện Phú Thiện). Ảnh: H.B.T

Cũng theo người dân trong vùng, có một điều kỳ lạ là khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khi hòn đá bị lật nghiêng thì họ không còn nhìn thấy hình ảnh đó phản chiếu trên núi Chư Pơl. Và cũng từ đó, dân làng không đến chỗ hòn đá Chlơi để cúng cầu mưa, cầu bình an, cầu sức khỏe nữa.

Một hiện tượng lạ được thần thánh hóa không phải là hiếm thấy trong tư duy của người Jrai nói riêng và cư dân Tây Nguyên nói chung-nơi vẫn tồn tại tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Những cây to, những ngọn núi, những hòn đá… đều được cư dân tin rằng có Yàng trú ngụ. Chúng tôi được chị Loan nhiệt tình dẫn đến tận nơi có hòn đá Chlơi, được tận mắt nhìn thấy và sờ vào hòn đá “thiêng” ấy. Chưa biết thực hư những chuyện trên thế nào, nhưng qua đó có thể thấy một điều rằng, các Pơtao Apui luôn tồn tại trong tiềm thức một bộ phận người Jrai trong khu vực ảnh hưởng của Pơtao Apui niềm tin về sự linh thiêng của những người có khả năng hô mưa gọi gió như những vị thần. Và các Pơtao Apui cũng đã cố gắng để tạo dựng cho mình một bờ cõi riêng mà ở đó họ được tôn kính như những vị thần.

Có thể bạn quan tâm

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi

(GLO)- Người Tây Nguyên làm du lịch không chỉ bằng khu nghỉ dưỡng, mà còn bằng lòng hiếu khách và nghệ thuật kể chuyện. Vậy nên, đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi mà hãy đánh thức nó bằng chính giọng nói của rừng, bằng bàn tay của bà con và bằng tình yêu với buôn làng của mình.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Nhắc đến đại ngàn Tây Nguyên, có lẽ biểu tượng văn hóa “sừng sững” chính là những mái nhà rông, nhà dài truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong những biến chuyển của thời đại, không gian che chở các hộ gia đình và lan tỏa văn hóa cộng đồng ấy khó tránh khỏi những hư hao, nghiêng ngả.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null