Nhọc nhằn chạy thận mùa dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trót mang trong mình căn bệnh suy thận mãn tính, nhiều người bệnh phải gắn bó với máy chạy thận nhân tạo cả đời. Đều đặn hàng tuần, họ phải sắp xếp thời gian để đến bệnh viện lọc thận từ 2 đến 3 lần (mỗi lần khoảng 4 giờ đồng hồ). Chỉ cần bỏ một bữa là sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bình thường đã nhiều khó khăn, trong mùa dịch Covid-19, những bệnh nhân suy thận lại càng thêm nhiều nỗi lo chồng chất.
Đời nghèo chạy thận
Đơn vị Thận nhân tạo-Khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) hoạt động từ năm 2001 đến nay. Đơn vị hiện có 19 máy lọc thận với gần 200 bệnh nhân; trong đó 181 bệnh nhân ngoại trú, còn lại nội trú. Hầu hết các bệnh nhân đều chạy thận 3 lần trong tuần nên cứ cách một ngày là họ lại phải có mặt tại bệnh viện để điều trị. Những bệnh nhân ở gần thì thuận lợi hơn còn những người ở xa thì việc đi lại để chạy thận cũng là một hành trình vất vả, gian truân nhất là trong mùa dịch Covid-19.
Đơn vị Thận nhân tạo- Khoa Hồi sức- Tích cực- Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) có gần 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Ảnh: Như Nguyện
Đơn vị Thận nhân tạo- Khoa Hồi sức- Tích cực- Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) có gần 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Ảnh: Như Nguyện
Mới 28 tuổi nhưng anh Lâm Chí Thanh-thôn Quý Tân, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã có thâm niên hơn 3 năm chạy thận. Căn bệnh suy thận đã cướp đi của anh nhiều thứ, ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ và nhất là sức khỏe. Một tuần 3 lần, anh Thanh phải có mặt tại bệnh viện để chạy thận. Không vợ con, gia đình anh em đều khó khăn nên anh Thanh tự túc mọi việc. Anh Thanh thổ lộ: Thời gian trước, tôi chạy thận xong là đón xe về nhà, nay do dịch Covid-19 đi lại khó khăn nên gần cả tháng nay tôi tá túc tại khu nhà tạm bố trí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hàng ngày tôi xin cơm từ thiện ăn hoặc mua ít gạo dành nấu ăn dần. “Vì sức khỏe yếu nên tôi không tìm được việc làm phù hợp, thu nhập không có, sống phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình nhưng gia đình cũng là hộ nghèo, anh chị em đều khó khăn. May nhờ có bảo hiểm y tế nên cũng đỡ lo chi phí khám chữa bệnh còn lại tôi cố gắng tự túc lo cho bản thân để không làm khổ gia đình”- anh Thanh buồn bã nói.
Chung cảnh ngộ, ông Hoàng Quỳnh Giao (60 tuổi)- thôn 3, xã Hneng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai bộc bạch: Tôi chạy thận gần 2 năm nay, không chỉ vậy còn bị tai biến trước đó nên đi lại hạn chế. Gia đình vốn dĩ là hộ cận nghèo nay bệnh tật khó khăn càng thêm chồng chất. Con cái đều lập gia đình sinh sống ở xa nên hai vợ chồng già chăm sóc lẫn nhau. Đến kỳ chạy thận, vợ tôi chở tôi lên bằng xe máy chờ chạy thận xong lại chở về. “Hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiệm tạp hóa nhỏ của gia đình phải đóng cửa nên thu nhập không có. Mong dịch mau qua đi để mọi người còn làm ăn buôn bán kiếm chút tiền chứ như vầy thì…”- ông Giao bỏ lỡ câu nói, mắt nhìn xa xăm.
Với bà Nguyễn Thị Điệu- làng Lung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai thì bệnh viện cũng chẳng khác nhà là mấy. Căn bệnh suy thận gắn đời bà với cái bệnh viện; một tháng 30 ngày thì có gần nữa thời gian bà Điệu phải có mặt tại đây để chạy thận. May mắn là bà Điệu có anh con trai đầu vô cùng hiếu thảo, nghỉ việc, lên bệnh viện ở để tiện bề chăm sóc mẹ. Bà Điệu tâm sự: Trước đó, tôi ốm nằm liệt giường mấy tháng tưởng đã chết. Qua cơn thập tử nhất sinh thì gắn bó với đời chạy thận. Gần tháng nay do dịch nên xe cộ không có, 2 mẹ con đành tá túc tại viện. Lúc thì xin cơm từ thiện, lúc mấy cô chú điều dưỡng cho ít tiền mua gạo nấu ăn dần.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đi lại khó khăn nên hơn nửa tháng nay, bà Nguyễn Thị Điệu (ngoài cùng bên phải) ở luôn tại bệnh viện. Ảnh: Như Nguyện
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đi lại khó khăn nên hơn nửa tháng nay, bà Nguyễn Thị Điệu (ngoài cùng bên phải) ở luôn tại bệnh viện. Ảnh: Như Nguyện
Chia sẻ với bệnh nhân nghèo
Bệnh tật khiến sức khỏe con người suy kiệt, với người nghèo lại thêm nhiều khó khăn. Hiểu hoàn cảnh của các bệnh nhân nơi đây, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế Đơn vị Thận nhân tạo luôn tận tình chăm sóc, giúp đỡ, động viên để mọi người yên tâm điều trị. Ngoài ra, họ còn vận động, quyên góp các mạnh thường quân hỗ trợ bệnh nhân nghèo để họ có thêm điều kiện điều trị bệnh. “Đa số bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều hết sức khó khăn, nhiều người là hộ nghèo, cận nghèo. Chính vì vậy, hễ giúp được gì cho bệnh nhân là chúng tôi sẵn sàng”- Điều dưỡng trưởng Trần Thị Kim Chung- Khoa Hồi sức- Tích cực- Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) cho biết.
Ông Mai Văn Huấn (áo hồng)- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai tặng quà bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Ông Mai Văn Huấn (áo hồng)- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai tặng quà bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Góp phần giúp bệnh nhân nghèo vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19 có thêm điều kiện khám chữa bệnh, mới đây, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai đã trao 200 phần quà đến bệnh nhân nghèo, khó khăn đang chạy thận tại Đơn vị Thận nhân tạo- Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi suất quà gồm 5 kg gạo, một thùng mỳ tôm. Ngoài ra, đơn vị còn trao tặng thêm 100 suất quà gồm 200.000 đồng tiền mặt cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Tổng giá trị quà tặng khoảng 44 triệu đồng. Ông Mai Văn Huấn- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai chia sẻ: Mặt dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đơn vị gặp nhiều khó khăn nhưng với mong muốn góp chút tấm lòng chia sẻ với bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh nên chúng tôi tổ chức chương trình này. Trước đó, đơn vị cũng đã chuyển 1 tấn gạo cho UBND phường Hoa Lư, TP. Pleiku để phường phát gạo cho các đối tượng khó khăn, yếu thế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo ông Phạm Bá Mỹ- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, hiểu được khó khăn của các bệnh nhân chạy thận nhân tạo nên đơn vị luôn có sự sẻ chia, kêu gọi, vận động để hỗ trợ bệnh nhân. Với những bệnh nhân chạy thận có thẻ bảo hiểm y tế, ngoài được thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định thì số tiền còn lại bệnh nhân phải thanh toán thì cũng đã có mạnh thường quân đứng ra tài trợ luôn. “Sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời giúp các bệnh nhân nghèo có thêm điều kiện điều trị bệnh nhất là trong mùa dịch Covid-19 và không để ai bị bỏ lại phía sau”- ông Mỹ nói.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

3 người ngộ độc nặng do ăn bọ cánh cứng

3 người ngộ độc nặng do ăn bọ cánh cứng

(GLO)- Chiều 8-5, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, Trung tâm Chống độc của bệnh viện này đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bọ cánh cứng (một số tỉnh phía Bắc gọi là sâu ban miêu).
Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

(GLO)- Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất và trang-thiết bị y tế, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) còn tạo điều kiện cho y-bác sĩ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.