Nhớ lại ngày mất của một nữ liệt sỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghĩa trang liệt sỹ Thị xã An Khê một chiều tháng tám. Cánh cổng sắt hé mở đưa tôi đến gần hơn với những “ngôi nhà nhỏ” yên bình mà các liệt sỹ đang nghìn thu an giấc. Ánh nắng vàng vọt cuối ngày chiếu rọi một cách yếu ớt lên các tấm bia mộ tạo thành những vệt sáng loang lổ. Nằm ở dãy cuối cùng trong nghĩa trang, mộ phần của liệt sỹ Đặng Thị Minh có lẽ là ngôi mộ mới nhất tại nơi này. Sau gần 60 năm nằm cô đơn, vô danh trong đất lạnh, giờ đây, anh linh của bà chắc cũng đã phần nào cảm thấy ấm áp và bình yên...

.

Tận lòng với cách mạng
 

Mộ phần của liệt sỹ Đặng Thị Minh tại Nghĩa trang liệt sỹ thị xã An Khê. Ảnh: Hồng Thi
Mộ phần của liệt sỹ Đặng Thị Minh tại Nghĩa trang liệt sỹ thị xã An Khê. Ảnh: Hồng Thi

Liệt sỹ Đặng Thị Minh sinh năm 1924, tại xã Bình Giang (nay là xã Tây Thuận), huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Lớn lên trong cảnh chiến tranh loạn lạc, bà đã sớm hình thành ý chí và quyết tâm đánh giặc. Sau cách mạng tháng Tám 1945, Pháp tái chiếm lại một số vùng của nước ta, trong đó có Tây Nguyên. Lúc này, bà tham gia vào hàng ngũ địch vận (vận động binh lính địch đứng về phía quân ta) tại địa bàn An Khê (Gia Lai). Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh, sự kiên trì và lòng dũng cảm. Năm 1948, bà vận động được 3 lính Âu-Phi (2 ở đồn Cửu An, 1 ở đồn An Thượng) ra hàng. Ba tên này là lính pháo binh của Pháp, có tên tiếng Việt là Ba, Sáu và Sinh.

Năm 1950, bà Minh đảm nhận thực hiện nhiệm vụ địch vận tại đồn An Thạch. Dưới vỏ bọc là một người dân thường buôn gánh bán bưng, bà có thể mặc nhiên vào ra nơi này mà không bị địch nghi ngờ gì, thậm chí bà còn kết thân với tên đồn trưởng để dễ dàng khai thác tin tức và theo dõi nhất cử nhất động của địch.

Cuối năm 1950, theo phương án chiến đấu, một đám cưới vờ giữa bà Minh và đồn trưởng đồn An Thạch dự định được tổ chức. Bộ đội ta muốn nhân cơ hội này diệt gọn những tên chỉ huy của Pháp đến dự đám cưới, rồi tiến tới công phá đồn địch. Tuy nhiên, khoảng 3 ngày trước lễ cưới, kế hoạch tấn công của ta bị bại lộ. Địch âm thầm di chuyển tất cả lực lượng ở An Thạch qua Ka-Nát. Trên đường đi, chúng dừng chân nghỉ lại ở đồn Tú Thủy (thuộc xã Tú An- Thị xã An Khê bây giờ).

 

Niềm vui trên gương mặt của vợ chồng bà Thậm, ông Châu khi đã hoàn thành được ước nguyện bao năm của mình. Ảnh: Hồng Thi
Niềm vui trên gương mặt của vợ chồng bà Thậm, ông Châu khi đã hoàn thành được ước nguyện bao năm của mình. Ảnh: Hồng Thi

Không bỏ cuộc, bà Minh (lúc này vẫn chưa bị địch phát hiện) tiếp tục bám theo với danh nghĩa vợ sắp cưới của đồn trưởng An Thạch. Nhưng không may cho bà, tên đồn trưởng đồn Tú Thủy lúc trước là người của đồn Cửu An. Vì đã từng chạm mặt với bà nhiều lần khi bà đang thực hiện nhiệm vụ nên hắn nhận ra ngay người phụ nữ cộng sản này. Tình thế đó buộc bà Minh phải rút về lại căn cứ và âm thầm hoạt động.

Một thời gian, bà tiếp tục quay lại vận động địch ở đồn Cửu An. Tháng 6-1951, trong khi đang cố gắng khai thác thông tin tại đồn địch, bà bị bắt. Suốt 3 tháng ròng địch tiến hành tra khảo dã man bà; nhưng kẻ thù vẫn không thu được ở bà kết quả gì, ngày 3-9-1951, giặc Pháp đem bà đi xử bắn. Lúc bấy giờ, bà mới vừa tròn 27 tuổi.

Ấm lòng tình đồng đội
    
Nhận được giấy báo tử của chị mình, bà Đặng Thị Thậm- em gái liệt sỹ Đặng Thị Minh- gần như cạn cả dòng nước mắt trong niềm xót thương xen lẫn tự hào. Ấp ủ nguyện vọng tìm lại hài cốt của người chị ngay từ lúc bà Minh hy sinh nhưng mãi đến tận sau năm 1975, khi đất nước được hoàn toàn độc lập, bà Thậm cùng chồng mình là ông Phạm Châu (cũng từng là đồng đội của liệt sỹ Minh trong Ban địch vận An Khê ngày đó) mới có cơ hội đi kiếm tìm.

Trở lại địa điểm Cửu An và những vùng lân cận- nơi địch đóng quân lúc xưa- vợ chồng bà Thậm cố gắng triển khai từ những thông tin hiếm hoi mà mình có được về người chị. 10 năm, 20 năm, rồi 30 năm trôi qua, hài cốt liệt sỹ Đặng Thị Minh vẫn còn là một ẩn số. Bà Thậm ngậm ngùi kể lại: “Những ngày lễ, tết, nhất là ngày thương binh liệt sỹ 27-7, nhìn những liệt sỹ khác được ấm cúng trong khói hương mà tôi cảm thấy xót xa. Nằm vô danh ở đâu đó trong lòng đất, không một ai biết đến, chắc chị tôi cô đơn và lạnh lẽo lắm...”.

Đã ngoài tám mươi, đôi lúc tuổi già làm cho ông bà mỏi gối, run chân, nhưng vì thương chị, vợ chồng bà Thậm vẫn tiếp tục vững bước trên cuộc hành trình, dẫu ngày mưa hay nắng. “Người mà tôi kiếm tìm không đơn giản chỉ là một người chị vợ mà còn là một đồng đội thân thương của mình. Khi nào chưa đưa được chị Minh về, lòng tôi cũng cảm thấy day dứt chưa an”- ông Châu tâm sự. Trời không phụ lòng người, nhờ một nhà ngoại cảm, đầu tháng 10-2010, hài cốt liệt sỹ Đặng Thị Minh đã được tìm thấy trong mảnh vườn của một người dân tại thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, Thị xã An Khê. Bà Thậm nhớ lại: “Lúc ấy vợ chồng tôi đã òa khóc vì vui sướng. Bao nhiêu năm dài tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi cũng đã đưa được chị ấy trở về. Vì thời gian chị hy sinh cách đây khá lâu nên toàn bộ xương cốt đã mục hết thành đất đen nhưng không hiểu sao, tấm vải mà Pháp dùng che mắt chị ấy để bắn vẫn chưa bị phân hủy”.

Hài cốt liệt sỹ Đặng Thị Minh sau đó được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ Thị xã An Khê. Giờ đây, anh linh của bà chắc đã cảm thấy ấm áp khi được quây quần bên những người đồng chí, đồng đội của mình. Vợ chồng ông Châu, bà Thậm cũng thanh thản hơn trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời. “Điều duy nhất mà tôi còn luyến tiếc là đã không giữ lại được một di ảnh nào để khắc trên bia mộ hay đặt trên bàn thờ cho chị mình đỡ tủi. Nhưng biết sao giờ, chiến tranh loạn lạc, mạng người còn khó giữ huống chi là ảnh”- bà Thậm chia sẻ.

Tháng 2-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba cho liệt sỹ Đặng Thị Minh vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là nguồn an ủi, động viên cho anh linh liệt sỹ cùng gia đình, đồng thời cũng thể hiện lòng nhớ ơn của Đảng, Nhà nước ta đến những người đã quên mình hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.