Nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo phản cảm, vượt quá thực tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chỉ đạo rà soát toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo vượt quá thực tế.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 211/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về vấn đề quảng cáo thuốc trên truyền hình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư và nhân lực y tế.

Thông báo nêu rõ, về hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, các sản phẩm quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng chiếm tỷ trọng lớn trong số sản phẩm quảng cáo được phát trên đài truyền hình, đài phát thanh. Thực trạng này phản ánh nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo.

Nhiều trang mạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm
Nhiều trang mạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm

Tuy nhiên, trong thời gian qua, còn một số sản phẩm quảng cáo chưa đáp ứng yêu cầu, quảng cáo công dụng vượt quá thực tế, cách thể hiện còn phản cảm, thời điểm phát quảng cáo chưa phù hợp, thậm chí có trường hợp còn vi phạm thuần phong, mỹ tục… cần có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan y tế rà soát, chịu trách nhiệm xác nhận nội dung chuyên môn liên quan đến các loại thuốc, thực phẩm chức năng trong quảng cáo trước khi phát hành, công khai nội dung xác nhận trên cổng thông tin điện tử để các cơ quan kiểm tra, thanh tra, tổ chức phát hành quảng cáo, doanh nghiệp liên quan có căn cứ thực hiện.

Bộ Y tế chỉ đạo rà soát toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo vượt quá thực tế.

Các cơ quan báo chí, trước hết là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chú trọng rà soát, xem xét các hợp đồng quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, chịu trách nhiệm quảng cáo đúng nội dung chuyên môn đã được cơ quan y tế xác nhận và góp phần định hướng ý thức giữ gìn, rèn luyện sức khỏe, không phát hành các sản phẩm quảng cáo gây phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục.

Tại Gia Lai, chiều 30-6, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh.

Cuộc họp đã ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan trong việc phối hợp triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Công văn số 3969/VPCP-KGVX ngày 21-5-2020 và Công văn số 1246/UBND-KGVX ngày 16-6-2020 của UBND tỉnh Gia Lai về việc xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện xử lý và chấn chỉnh ngay các vi phạm trong lĩnh vực này nếu có. Công tác kiểm tra, giám sát tập trung xử lý các hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng như: thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung; quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận… Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển cơ quan Công an xử lý theo quy định pháp luật.

PHẠM NGỌC (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.