Nhiều sai phạm tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng ngàn ha đất lâm nghiệp bị chiếm dụng và có dấu hiệu tham nhũng hơn 1,2 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước là những sai phạm xảy ra tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ mà Thanh tra tỉnh đã làm rõ.

6 năm mất hơn 2.000 ha đất

Năm 2011, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được UBND tỉnh giao quản lý 9.148,6 ha đất lâm nghiệp tại TP. Pleiku và huyện Chư Pah. Cũng trong năm đó, trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Ban Quản lý đã không đưa vào hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ đối với diện tích 977,5 ha đất lâm nghiệp nên ngày 29-12-2011, Ban Quản lý chỉ được UBND tỉnh cấp giấy GCNQSDĐ số BH 121906 với diện tích 8.171,1 ha. Tiếp đó, ngày 12-4-2016, với lý do đất được UBND tỉnh thu hồi, Ban Quản lý tiếp tục đề nghị chỉnh lý di biến động và được Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất đồng ý chỉnh lý với diện tích giảm bớt là 177 ha nên diện tích đất lâm nghiệp còn lại của Ban Quản lý là 7.994,1 ha. Thế nhưng, qua kết quả thanh tra thì việc đề nghị chỉnh lý với lý do trên là không phù hợp với thực tế vì Ban Quản lý sử dụng hồ sơ UBND tỉnh thu hồi đất giai đoạn 2002-2009, tức trước lúc đơn vị được cấp GCNQSDĐ. Những tưởng việc “hao hụt” diện tích đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý chỉ dừng lại ở đó, trong quá trình thanh tra, Ban Quản lý “bất ngờ” báo cáo diện tích đất thực tế hiện nay do đơn vị quản lý chỉ còn lại 6.677,54 ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 2.000 ha, rừng trồng  hơn 3.000 ha và đất chưa có rừng hơn 1.600 ha. Như vậy, so với diện tích đất lâm nghiệp được giao ban đầu thì Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã để “mất” 2.471,06 ha và hầu hết diện tích đất này đều đã bị người dân lấn chiếm.

 

Những cây thông chết được cơ quan chức năng đánh dấu. Ảnh: K.N.B
Những cây thông chết được cơ quan chức năng đánh dấu. Ảnh: K.N.B

Để làm sáng tỏ vấn đề thất thoát hàng ngàn ha đất lâm nghiệp của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, Thanh tra tỉnh đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các tiểu khu 389, thuộc địa phận xã Diên Phú, TP. Pleiku do đơn vị quản lý. Qua quá trình kiểm tra, Thanh tra tỉnh phát hiện 15 cá nhân, trong đó có cả các cán bộ từ giám đốc đến nhân viên của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ lấn chiếm để sử dụng hơn 84.000 m2 đất lâm nghiệp (đất đã được mua đi bán lại) để làm rẫy và xây nhà ở. Nghiêm trọng hơn là trong số diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại tiểu khu 389, không biết bằng cách nào các cá nhân này đã “phù phép” thành đất nông nghiệp và được cấp GCNQSDĐ. Ngoài ra, qua kiểm tra thực trạng diện tích trồng rừng của Ban Quản lý thì Thanh tra tỉnh cũng phát hiện đơn vị còn để thiệt hại hơn 278 ha rừng trồng và tất cả đều đã bị người dân lấn chiếm làm đất sản xuất.

Có dấu hiệu tham nhũng tiền ngân sách?

Theo kết quả thanh tra, giai đoạn 2012-2016, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tiếp nhận các nguồn vốn từ nguồn ngân sách, nguồn do cơ quan Kiểm lâm chuyển để thực hiện công tác phối hợp; nguồn dịch vụ môi trường rừng và nguồn trồng lại rừng thay thế với số tiền hơn 25 tỷ đồng và đã quyết toán được hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, Ban Quản lý đã làm sai nguyên tắc tài chính khi không làm thủ tục nhập quỹ tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã chứng minh được nội dung chi và có chứng từ chi là hơn 2,4 tỷ đồng. Còn lại, hơn 1,2 tỷ đồng không phản ánh vào sổ sách kế toán. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cũng xác nhận không còn tồn trong quỹ và cũng không biết, không chứng minh được việc sử dụng vào mục đích gì.

Việc bất minh về tài chính tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ còn thể hiện khi năm 2016, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Ban Quản lý để thực hiện việc xây dựng hiện trường diễn tập chữa cháy, cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến công tác phòng-chống cháy rừng với số tiền hơn 123 triệu đồng. Ngày 3-1-2017, Ban Quản lý rút tiền mặt về nhập quỹ, đồng thời lập phiếu chi số tiền trên cho ông Võ Thành Phước (viên chức của Ban Quản lý). Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với Thanh tra tỉnh, ông Phước khẳng định chỉ ký vào phiếu để hợp thức hóa chứ không hề nhận tiền (hóa đơn cũng được mua để hợp thức hóa). Số tiền này do ông Nguyễn Công Duyên, công tác tại Phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn Thiên nhiên của Chi cục Kiểm lâm trực tiếp nhận.

Qua làm việc, ông Duyên thừa nhận việc này và cũng xác nhận đã đưa cho ông Phước và ông Nguyễn Gia Triều (viên chức của Ban Quản lý) 10 triệu đồng. Còn lại hơn 113 triệu đồng đã bàn giao lại cho bà Nguyễn Thị Kim Hương-Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn Thiên nhiên của Chi cục Kiểm lâm. Sau khi nhận số tiền trên thì bà Hương đã giữ lấy và giải thích với  Thanh tra tỉnh là do ông Nguyễn Đức-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ có mượn tiền cá nhân của bà để thực hiện hợp đồng nên khi có tiền ông Đức đã trả lại cho bà. Thế nhưng, khi Thanh tra tỉnh làm việc với ông Nguyễn Đức thì ông không thống nhất như trình bày của bà Hương và cho rằng mình không hề nhận bất cứ khoản nào trong số tiền này.  Như vậy, theo kết luận của Thanh tra tỉnh thì có dấu hiệu bà Hương đã lợi dụng việc hợp đồng công việc với Ban Quản lý để chiếm đoạt số tiền trên.

Cũng trong giai đoạn 2011-2016, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã cho các cá nhân tạm ứng tiền để thực hiện công việc, sau khi công việc hoàn thành đã thanh toán đầy đủ nhưng lại không thực hiện thủ tục hoàn ứng theo quy định. Qua kiểm tra, tổng số tiền các cá nhân đã tạm ứng phải trả lại cho ngân sách gần 1,4 tỷ đồng, nhưng sổ kế toán chỉ ghi nhận nợ hơn 250 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 1,1 tỷ đồng Ban Quản lý không thể hiện việc đã hoàn ứng cũng như không còn ghi nhận nợ. Bên cạnh đó, qua xác minh của Thanh tra tỉnh còn có việc ông Đặng Văn Cườm-kế toán Ban Quản lý đã nhận số tiền hơn 15 triệu đồng của Hội đồng bồi thường-Hỗ trợ và Tái định cư của huyện Chư Pah nhưng không nhập quỹ, bỏ ngoài sổ sách kế toán để chiếm dụng… Ngoài ra, còn có nhiều khoản thu, chi khác Ban Quản lý không thực hiện đúng nguyên tắc tài chính. Tổng cộng số tiền mà Thanh tra tỉnh xác định có dấu hiệu bị các cá nhân tại Ban Quản lý chiếm đoạt, tham nhũng là hơn 1,2 tỷ đồng.

Từ những sai phạm trong quản lý đất đai và dấu hiệu tham nhũng tiền ngân sách của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc lên Cơ quan Điều tra làm rõ. Ngày 23-5-2017, UBND tỉnh có Công văn số 1823/UBND-NC nêu rõ: Chánh Thanh tra tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được quy định để chuyển hồ sơ vụ việc tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, hồ sơ kiến nghị đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh tiếp nhận, xử lý theo quy định.

Hạ Vy

Có thể bạn quan tâm

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Theo đại diện cơ quan chức năng, đến nay đã có 3 nạn nhân xác định được danh tính, nhiều người còn lại vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Một nhân viên phụ trách nhà tang lễ cho hay, nhiều thi thể bị cháy biến dạng, cơ quan chức năng đang khám nghiệm để xác định thêm danh tính.

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră, xã Bar Măih. Ảnh: L.N

Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

(GLO)- Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.