Nhà vườn ở Pleiku rầu rĩ vì rau mất giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều nông dân ở TP. Pleiku đang rầu rĩ khi rau màu được mùa nhưng giá lại giảm mạnh. Thậm chí, nhiều hộ không buồn thu hoạch bởi số tiền bán rau không đủ trả chi phí thuê nhân công.
Xã An Phú là vựa rau của TP. Pleiku. Toàn xã hiện có gần 70% số hộ trồng rau. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất các loại rau củ quả đạt khá cao. Tuy nhiên, giá rau thời điểm này đang rớt thê thảm. Nếu như dịp giáp Tết những năm trước, mỗi ký xà lách bán tại ruộng có giá 3-4 ngàn đồng thì năm nay chỉ còn 1 ngàn đồng; khổ qua 20-25 ngàn đồng/kg, nay còn 2-3 ngàn đồng/kg; các loại rau như tần ô, cải thìa, cải ngọt… giá mỗi ký chưa đến 1 ngàn đồng; rau thơm, hành lá thì dao động 300-800 đồng/bó. Nhiều chủ ruộng đành chấp nhận bán rẻ nhưng vẫn không có người mua vì số lượng rau trên địa bàn tỉnh đang đến mùa thu hoạch quá nhiều.
 Một góc vùng chuyên canh rau An Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn
Một góc vùng chuyên canh rau An Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn
Chỉ tay về phía mảnh đất trống còn sót lại vài cây rau tần ô, ông Nguyễn Hường (thôn 5) ngậm ngùi cho biết: “Tôi vừa mới phá bỏ ruộng tần ô này vì giá mỗi ký chỉ có vài trăm đồng mà không ai mua. Vụ Tết năm nay, gia đình tôi đầu tư trồng khoảng 1 ha xà lách, tần ô, hành, đậu cô ve, dưa leo... Tất cả đều được mùa nhưng lại rớt giá thê thảm. Thêm vào đó, dù rau rất đẹp nhưng chúng tôi vẫn bị thương lái ép giá. Nếu trong những ngày tới, giá rau không tăng trở lại thì coi như người trồng rau mất Tết”.
Đồng tâm trạng, bà Phùng Thị Cẩm (thôn 3) than thở: “Cứ nghĩ mùa Tết rau sẽ được giá, không ngờ lại giảm mạnh. Gần 15 triệu đồng đầu tư vào 7 sào rau ăn lá và la ghim của gia đình tôi coi như đổ sông đổ biển. Thậm chí, tiền bán rau không đủ trả cho nhân công thu hoạch. Vậy mà hiện chúng tôi vẫn phải thuê người hái, nhất là đậu cô ve và khổ qua nhằm đảm bảo năng suất của đợt trái thứ 2. Hy vọng vài ngày tới, giá rau sẽ tăng lên để chúng tôi vớt vát chút vốn đầu tư”.
  Bà Phùng Thị Cẩm (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) chăm sóc  vườn rau thơm của gia đình. Ảnh: M.T
Bà Phùng Thị Cẩm (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) chăm sóc vườn rau thơm của gia đình. Ảnh: M.T
Tại vùng chuyên canh rau thuộc thôn 1 và thôn 5 (xã Trà Đa), nông dân cũng đang buồn bã không kém. Ông Trần Văn Trung-Trưởng thôn 5-cho hay: “Trên địa bàn thôn có hơn 4 ha chuyên trồng rau màu. Để cung ứng cho thị trường Tết, bà con chủ yếu gieo trồng các loại như: dưa leo, cà chua, khổ qua, đậu cô ve, cà rốt, bắp sú, xà lách, cải, hành lá, ngò… Ai cũng kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu. Thế nhưng, đến thời điểm này, phần lớn người dân đã phải dỡ giàn la ghim hoặc cày bỏ vì giá rau quá rẻ”.
Theo nhận định của các thương lái, thời tiết vụ Đông Xuân 2019-2020 khá thuận lợi, không xuất hiện bão lũ nên nông dân trong tỉnh nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung đều có thể trồng rau xanh. Vì vậy, nguồn rau cung cấp cho thị trường khá dồi dào, không có đầu ra. Đó là nguyên nhân lớn khiến rau rớt giá. Chẳng những người nông dân lao đao, nhiều đại lý cũng “bấm bụng” chịu lỗ để giữ bạn hàng vì chi phí cho công lao động và vận chuyển không ngừng tăng trong dịp Tết.
 MỘC TRÀ-QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.