(GLO)- Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng có xu hướng sụt giảm sâu thì dòng vốn nhàn rỗi trên thị trường tiếp tục đổ vào kênh huy động vốn của ngân hàng. Đến thời điểm này, nguồn vốn huy động của toàn ngành Ngân hàng đạt 55.856 tỷ đồng, tăng 7.908 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Cùng với việc huy động vốn, BIDV Gia Lai chú trọng lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp để rót tín dụng. Ảnh: Sơn Ca |
Một trong những chi nhánh ngân hàng thương mại dẫn đầu bảng xếp hạng huy động vốn là Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai. Bà Nguyễn Thị Phương-Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Gia Lai-cho biết: “Trong những tháng đầu năm nay, chỉ số huy động vốn của Chi nhánh rất thuận lợi nhưng dư nợ tín dụng lại giảm. Nguyên nhân chung của hầu hết ngân hàng thương mại là do cơ chế chính sách huy động vốn tốt, cộng thêm yếu tố thuận lợi từ thị trường bất động sản “nóng” lên. Người dân có nguồn tiền bán đất đã trả nợ ngân hàng và gửi tiết kiệm”.
Không chỉ các ngân hàng thương mại lớn chiếm ưu thế về huy động vốn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cũng đã sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch huy động khi mới kết thúc quý II-2022. Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-phấn khởi thông tin: “Chưa có năm nào mà cả huy động vốn, tín dụng có quy mô, tỷ lệ tăng trưởng tốt như năm nay. Nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 865,3 tỷ đồng, tăng hơn 133 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 190% so với kế hoạch giao. Một số phòng giao dịch có số dư huy động tăng cao như Chư Pưh, Kbang, Ia Grai. Doanh số cho vay của đơn vị đạt hơn 1.408 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt hơn 5.791 tỷ đồng, tăng gần 522 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 9,89%. Một số phòng giao dịch có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao như Đak Đoa, Chư Prông, Krông Pa, Đức Cơ. Để đạt được kết quả này, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn trung ương, tập trung huy động nguồn vốn tại địa phương nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cho vay các chương trình tín dụng chính sách”.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh huy động vốn đạt 865,3 tỷ đồng, đạt 190% so với kế hoạch giao. Ảnh: Sơn Ca |
Về phía khối ngân hàng thương mại cổ phần, tình hình huy động vốn khả quan khi hầu hết đơn vị đều đạt mức tăng trưởng nhất định. Ông Dương Công Minh-Giám đốc ACB Gia Lai-cho biết: “ACB Gia Lai có sự tăng trưởng đồng đều khi huy động vốn tăng 136 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng hơn 100 tỷ đồng. Bên cạnh các chính sách huy động vốn mang tính cạnh tranh, ACB Gia Lai đã tập trung vào phân khúc khách hàng chiến lược của mình. Mặc dù dư nợ tín dụng chưa tăng mạnh, song dòng vốn ngân hàng đã thực sự rót vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch”.
Kết thúc quý II-2022, tổng huy động vốn toàn ngành Ngân hàng tỉnh đạt 55.856 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng tới 17% so với thời điểm cuối năm 2021. Mặt bằng lãi suất huy động Việt Nam đồng được các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân áp dụng như sau: Tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng: lãi suất 0,1-0,2%/năm; kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng: lãi suất 2,9-4%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: lãi suất 3,8-4,7%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên: lãi suất 4,6-6,9%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng hiện nay có thể không thật sự hấp dẫn so với các kênh đầu tư sinh lợi khác như chứng khoán, bất động sản, vàng... nhưng việc dòng vốn nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào kênh huy động ngân hàng cho thấy đây vẫn là kênh đầu tư truyền thống an toàn, phù hợp với nhu cầu tạm thời của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
So với tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn, dư nợ tín dụng sau 5 tháng sụt giảm mạnh đã tăng trưởng nhẹ vào cuối quý II-2022, đưa tổng dư nợ cho vay toàn ngành Ngân hàng tỉnh đến cuối tháng 6 đạt 96.645 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lại giảm 1,4% so với cuối năm 2021. Theo đánh giá chung của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, đa số các ngân hàng thương mại đều sụt giảm dư nợ trong những tháng đầu năm nay. Chỉ có một số chi nhánh ngân hàng có sự tăng trưởng như ACB Gia Lai tăng hơn 100 tỷ đồng, Vietcombank Bắc Gia Lai tăng hơn 300 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tăng gần 522 tỷ đồng... Phân tích thêm về nguyên nhân khó tăng trưởng dư nợ khi nhu cầu tín dụng giảm, ông Trần Văn Chương-Giám đốc BIDV Gia Lai-cho rằng: “Các lĩnh vực kinh tế địa phương như dịch vụ du lịch, công nghiệp gần như không tăng trưởng tín dụng được. Những năm trước, Gia Lai tăng trưởng tín dụng được do lĩnh vực nông nghiệp, thủy điện, cao su có nhiều dư địa phát triển. Gần đây, Chi nhánh cũng đã chủ động tiếp cận các dự án lớn theo danh mục kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh, tuy nhiên chưa lựa chọn được dự án phù hợp để rót tín dụng nên đang tiếp tục tìm kiếm các dự án đầu tư khác”.
SƠN CA