Người Việt tại Nam Phi hỗ trợ các nước châu Phi phòng, chống COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hoạt động nằm trong chương trình 1 triệu khẩu trang do cộng đồng người Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi ủng hộ người dân châu Phi.

 Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 28/6/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 28/6/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)


Ngày 29/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã tổ chức buổi lễ trao tặng 50.000 khẩu trang y tế cho đại diện Đại sứ quán Eswatini tại Nam Phi nhằm hỗ trợ người dân vương quốc này phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, đây là hoạt động nằm trong chương trình 1 triệu khẩu trang do cộng đồng người Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi ủng hộ người dân Nam Phi nói riêng và một số nước lân cận tại khu vực miền Nam châu Phi nói chung.

Trao đổi với Đại biện lâm thời Eswatini tại Nam Phi Vulindlela S. Kunene, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi cho biết số khẩu trang là món quà mà những người Việt Nam ở nước sở tại muốn chia sẻ với các cộng đồng khác, thể hiện tấm lòng “tương thân tương ái” dựa trên truyền thống “lá lành đùm lá rách” cao quý của người dân Việt Nam.

Theo Đại sứ, món quà này sẽ được trao tặng một số trường học, địa phương và cộng đồng tại Nam Phi.

Ngoài ra, với tư cách là Đại sứ kiêm nhiệm Cộng hòa Namibia, Cộng hòa Zimbabwe, Cộng hòa Botswana, Vương quốc Lesotho và Vương quốc Eswatini, Đại sứ Hoàng Văn Lợi cũng đã liên hệ với đại diện các quốc gia khác để chia sẻ món quà của người dân Việt Nam đến nước bạn.

Đại sứ Việt Nam cũng trao đổi với đại diện Eswatini tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi và một số nước lân cận.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung, Đại sứ quán Việt Nam đã có các hoạt động thăm hỏi và hỗ trợ công dân Việt Nam tại Nam Phi và các nước xung quanh.

Đặc biệt, Đại sứ quán cũng đã đứng ra tổ chức buổi quyên góp, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi cho quỹ phòng, chống COVID-19 tại quê nhà.

Chia sẻ với nước bạn những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng để phòng, chống dịch bệnh lây lan, Đại sứ cũng gửi lời thăm hỏi đến tình hình dịch bệnh tại Eswatini.

Bày tỏ cảm kích trước sự sẻ chia của người dân Việt Nam, Đại biện lâm thời Eswatini tại Nam Phi Kunene cho biết vương quốc của ông rất cần khẩu trang để ưu tiên bảo hộ cho các chuyên gia y tế và nhân viên tuyến đầu trong cuộc chiến chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Ông cho biết tại cho đến thời điểm hiện tại, vương quốc với hơn 1,1 triệu dân đã có khoảng 23.800 ca dương tính với COVID-19.

Thay mặt Quốc vương Mswati III, chính phủ và nhân dân Eswatini, ông Kunene gửi lời cảm ơn sâu sắc tới chính phủ và nhân dân Việt Nam đã trao tặng 50.000 khẩu trang, đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh hoành hành hiện tại.

Tại buổi nói chuyện, hai bên cũng đã trao đổi các cơ hội hợp tác, giao lưu giữa Việt Nam và Eswatini. Đại sứ Hoàng Văn Lợi đã gửi tặng những món quà là sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam đến đại diện Eswatini.

Trong cùng ngày, nằm trong chuỗi sự kiên trao tặng khẩu trang y tế cho các trường học tại Nam Phi, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã tổ chức trực tiếp trao tặng 30.000 khẩu trang cho trường Tiểu học Waterkloof và 25.000 khẩu trang cho trường Trung học Pro Arte Alphen Park tại địa phương.

Trường Tiểu học Waterkloof có tuổi đời hàng trăm năm hiện đang có 1.000 học sinh tiểu học theo học. Trường Trung học Pro Arte Alphen Park là trường chuyên về năng khiếu nghệ thuật của Pretoria.

Trường có quy mô hơn 1.400 học sinh nhưng hiện tại chỉ có hơn 700 học sinh theo học do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Cả hai ngôi trường đều là nơi nhiều con em cộng đồng người Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi theo học trong nhiều năm qua.

Phát biểu tại lễ trao tặng khẩu trang tại Trường Tiểu học Waterkloof, Đại sứ Hoàng Văn Lợi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ an toàn cho các em học sinh trong mùa dịch bệnh, nhất là sau khi các trường học ở Nam Phi đều vừa mở cửa trở lại sau đợt nghỉ học kỳ vừa qua.

Theo Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam sẽ còn tiếp tục trao tặng khẩu trang - tấm lá chắn hữu hiệu đề phòng sự lây lan của virus SARS-CoV-2 - đến nhiều trường học và cộng đồng khác.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.