Ông chỉ là một người dân có tuổi thơ sống cạnh hàng rào điện tử McNamara, rồi bóng dáng lửa đạn cứ thế vận vào đời dù chưa một ngày cầm súng, cả khi cuộc chiến đã lùi xa tít tắp
Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, vì nhà ở gần hàng rào điện tử McNamara (do người Mỹ dựng lên trong chiến tranh tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), chú bé Phạm Quyến thường hay ra chơi với binh lính ở các căn cứ của Mỹ nên dần dần cũng biết nói tiếng Anh. Những người lính Mỹ xa nhà cũng mến chú bé thông minh, nhanh nhẹn và giàu tình cảm. Khi có những người lính quen biết ra trận không trở về, chú bé lại ngậm ngùi.
Thành diễn viên phim Mỹ
Năm 1968 có một sự kiện điện ảnh Mỹ liên quan đến chiến tranh Việt Nam được nhiều người biết. Đó là sự ra mắt của bộ phim truyện "The Green Berets" (Mũ nồi xanh) tái hiện hình ảnh lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Phim được đầu tư chuyên nghiệp, đúng đẳng cấp Hollywood nên rất "ăn khách".
Những người làm phim "The Green Berets" đã chọn bối cảnh quay ở hàng rào điện tử McNamara, năm 1967. Một trong những điều đặc biệt ở phim này là có 2 người Việt Nam xuất hiện ở những trường đoạn khác nhau. Người thứ nhất là danh ca Bạch Yến - tên tuổi lừng lẫy, hát trong phim. Người thứ hai là một cậu bé vùng quê giới tuyến gần như vô danh bởi hầu như không ai biết đến. Diễn viên nhí Việt Nam vào phim một cách hồn nhiên, đóng phim mà không biết mình đang nhập vai, đó là Phạm Quyến. Chính cậu ta cũng quên rất nhanh chuyện này vì tuổi thơ dữ dội vùng giới tuyến và chiến tuyến còn có bao điều khác nữa.
Nhưng ký ức tuổi thơ đã được đánh thức mãnh liệt sau 40 năm và cách nửa vòng trái đất. Phạm Quyến kể ông chỉ là một người dân Quảng Trị bình thường, từng có tuổi thơ sống cạnh hàng rào điện tử McNamara. Rồi bóng dáng lửa đạn cứ thế vận vào đời bằng cách này hay cách khác, dù ông chưa một ngày cầm súng, và cả khi cuộc chiến đã lùi xa tít tắp.
|
Ông Phạm Quyến trong một lần về thăm di tích Dốc Miếu ở Quảng Trị. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Năm 2008, lúc đã trở thành công dân Mỹ sau khi đoàn tụ với người thân, ông Phạm Quyến (nay 65 tuổi) sống tại Washington D.C, làm việc ở Tập đoàn siêu thị Walmart với chức danh kiểm định hàng nhập. Ông thường lên mạng mở phim xem để giải trí sau những giờ làm việc. Từ khóa mà ông ưa gõ khi tìm phim là "Chiến tranh Việt Nam".
Một lần, sau khi ông gõ tìm thì bộ phim Mỹ "The Green Berets" hiện lên. Trời, sao cảnh vật quen thuộc quá! Mà ai như mình vậy? Ông dụi mắt và xem đi xem lại bộ phim. Cậu bé trong phim đúng là mình. Tuổi thơ bom đạn, khói lửa ùa về với hình ảnh vùng quê Gio Linh. Phạm Quyến lặng người bồi hồi xúc động. Những thôi thúc nội tâm cứ trào lên không dứt...
Ông kể lại chuyện này với những người bạn Mỹ. Nhiều người ồ lên: "Tìm đạo diễn mà đòi tiền cát-sê", cũng không ít người bán tín bán nghi.
Ở Washington D.C, các cựu binh Mỹ từng tham chiến Việt Nam thường tổ chức họp mặt. Một lần nọ, hay tin một nhóm quân nhân từng đóng quân ở hàng rào điện tử McNamara gặp nhau, ông Quyến vội tìm đến nghe.
Chờ những lời tâm sự lắng xuống, ông Quyến mạnh dạn xin phát biểu. Ông nói mình là người dân từng nhiều năm ở đó có biết các lính Mỹ cuối thập niên 60. Một vài cựu binh khó chịu, có người lên tiếng: "Cho ông ta vài đồng lẻ để đi nhanh, đừng quấy rầy việc chúng ta ôn kỷ niệm".
Ý tưởng hòa bình
Ông Phạm Quyến kể: "Lúc ấy tôi giận lắm, cảm thấy mình bị xúc phạm. Mình sang đây, tuân thủ luật pháp nước sở tại, chí thú làm ăn, thu nhập khá tốt. Con cái phương trưởng, cố gắng học hành, hiện tại cũng là tiến sĩ, bác sĩ để người ta khỏi khinh khi. Chỉ vì tôn trọng tình cảm hòa bình, bầu bạn mà gặp họ để nhắc chuyện xưa, lý gì họ lại nói vậy? Rồi tôi nói một tràng, bức xúc và tâm huyết. Khán phòng dần im lặng, rồi chỉ còn nghe tiếng máy điều hòa. Khi tôi nhắc lại những sĩ quan chỉ huy Mỹ tôi từng gặp vào thời kỳ ấy và những mô tả chính xác về bếp ăn, chỗ ngủ thì các cựu binh lao đến ôm chầm lấy tôi như được gặp bạn cũ. Nhiều người òa khóc và xin lỗi chân thành".
|
Vợ chồng ông Phạm Quyến |
Rồi Phạm Quyến trình bày với các cựu binh rằng ông mình muốn tái hiện hình ảnh các căn cứ quân sự ở Cồn Tiên, Dốc Miếu... để thực hiện tại đó dự án du lịch hoài niệm, để nhìn lại chiến tranh mà cố công gìn giữ hòa bình, để hai dân tộc Việt và Mỹ ngày càng hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau. Một ý tưởng hòa bình, nhân văn như thế, tại sao không?
Một, hai, rồi hàng loạt cánh tay của những quân nhân Mỹ giơ lên đồng tình tán thưởng. Mỗi người hứa sẽ giúp đỡ theo cách của mình. Người hứa sẽ gửi các bức ảnh chụp căn cứ quân sự để có cơ sở phục dựng cho giống với nguyên bản. Người cam kết sẽ kêu gọi đưa một số quân trang, quân dụng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam để tiếp sức cho dự án du lịch có một không hai này.
Đại tướng 4 sao Kevin Byrne (nguyên là đại úy pháo đội trưởng pháo binh, Tiểu đoàn 2/94 ở hàng rào điện tử McNamara) rưng rưng rồi nhắc đi nhắc lại: "Một ý tưởng quá hay. Cần phải làm cho bằng được". Trung tướng Richad Trefry - nguyên tiểu đoàn trưởng pháo binh 175 ly đầu tiên ở DMZ (khu giới tuyến phi quân sự tại Quảng Trị), sau này là cố vấn cho Tổng thống Bush (cha) trong cuộc chiến Iraq (2003-2011), một người rất có ảnh hưởng với quân đội và chính giới Mỹ hiện nay - sốt sắng: "Tôi sẽ tìm cách đưa chuyện này ra Quốc hội Mỹ để được chính phủ hỗ trợ ngân sách, giúp biến ý tưởng này thành hiện thực một khi dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận".
Không thể bỏ cuộc
Từ đó, ông Phạm Quyến đi về Việt Nam như con thoi để xúc tiến dự án. Tuổi cao, sức khỏe suy giảm, công việc bận rộn, đi về cũng không đơn giản và tốn kém nhưng ông vẫn theo đuổi với một sự bền bỉ đáng kinh ngạc.
Ông tâm sự: "Ở Mỹ, tôi có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá, nhà cửa đàng hoàng, sau này lương hưu cũng xài không hết, mà mình già cả rồi thì nhu cầu chẳng nhiều. Con cái thì tự lo được cho chúng, nên chuyện mưu sinh và kiếm tiền không bức thiết. Với lại, tôi cũng gần đất xa trời, đèo bòng làm gì cho mệt. Nhưng tôi làm việc này vì tâm hồn và cả tâm linh dẫn dắt. Dù đôi khi mệt mỏi lắm nhưng cứ nghĩ đến việc sau này quê hương Quảng Trị có một khu du lịch như tôi mơ ước thì tôi lại không thể bỏ cuộc".
Mỗi lần về quê Gio Linh, ông Quyến lại sắm lễ vật, tìm đến các căn cứ như Cồn Tiên, Dốc Miếu để hương khói, nguyện cầu để những người đã khuất đều được siêu thoát, dù màu da, tiếng nói và cả chiến tuyến khác nhau. Ông thành kính khấn nguyện dưới trời xanh mây trắng, cầu mong sự bình an đến với mọi người dân nơi đây.
Bằng nhiều nỗ lực, rốt cuộc ông Phạm Quyến đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đức Chính tiếp chuyện. Ông Quyến đề xuất muốn được chính quyền tạo điều kiện cấp đất làm du lịch.
Lãnh đạo tỉnh nghe ông thuyết minh đã đồng ý về mặt chủ trương: Cho phép tái tạo căn cứ A.2 Gio Linh trở thành căn cứ tưởng niệm trung tâm DMZ, làm cầu nối cho hai nước và cựu binh hai bên về đó họp mặt và sẽ trở thành điểm nhấn khai thác du lịch hoài niệm. Đương nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để dự án trở thành hiện thực nhưng không bỏ lỡ cơ hội để thực hiện một ý tưởng nhân văn, hòa bình, hữu nghị trên trục chính của du lịch hoài niệm khi hầu hết dấu vết chiến tranh ở vùng giới tuyến nói riêng và Quảng Trị nói chung đang dần bị xóa mờ.
Như là một sự trùng hợp, mới đây, tỉnh Quảng Trị đã trình Chính phủ ý tưởng mở "Festival hòa bình" trên mảnh đất từng chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh.
Lòng người không giới tuyến Khi tôi viết những dòng này thì nhận được tin mới từ ông Phạm Quyến. Một nhóm cựu binh Mỹ từng đóng quân ở hàng rào điện tử McNamara nói họ tin cậy ông và muốn ông làm cầu nối để hai nước tiếp tục thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân khi điều kiện cho phép. Ông Quyến bảo ông chưa tính chuyện này nhưng trước mắt là ghi nhận thiện chí của họ - những công dân Mỹ từng cầm súng trong chiến tranh Việt Nam và dù muốn hay không cũng đã phải chịu nhiều chấn thương về tinh thần. Có nhiều chuyện của thời trai trẻ mà khi người ta tuổi tác đã cao mới bình tâm nghĩ lại. Có lẽ hết thảy các bên đều mong muốn có một cuộc hội ngộ giữa hai nửa bán cầu, chân tình, bao dung và xúc động, không còn giới tuyến. |
Theo Phạm Xuân Dũng (NLĐO)