Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số: "Điểm tựa" của buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai đã phát huy tốt vai trò trong cộng đồng, trở thành “điểm tựa” vững chắc của buôn làng.
 

Những “trụ cột” của buôn làng

Kết quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh có sự đóng góp quan trọng của những già làng uy tín. Bằng uy tín của mình, họ đã vận động bà con hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào làm thay đổi diện mạo buôn làng.

Tiêu biểu như ông Ksor Ry (buôn Sô Ma Lơng, xã Ia Peng), ông Ksor Khít (buôn Mi Hoan, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) đã tích cực phối hợp với cán bộ thôn vận động người dân di dời, sắp xếp trên 60 nhà ở; vận động hơn 70 hộ dân trong buôn di dời chuồng bò ra khỏi gầm nhà sàn, hướng dẫn bà con làm trên 100 vườn rau xanh.

Hay như ông Kpă Kraih-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Bui (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đã vận động nhân dân tham gia đóng góp tiền của để mở rộng đường giao thông trong làng. Ông Kraih chia sẻ: “Sau khi làng Bui được chọn xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đã tham mưu cho Chi bộ làng và phối hợp cùng các đoàn thể vận động bà con đóng góp công sức, di dời hàng rào, hiến đất để làm 1,1 km đường bê tông và 4 km đường cấp phối. Đến nay, làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà các già làng tại buổi gặp mặt người có uy tín tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà các già làng tại buổi gặp mặt người có uy tín tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ảnh: Đức Thụy


Bên cạnh đó, người có uy tín tiêu biểu cũng tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ông Yớp-già làng Đê Hrel (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho biết: “Tôi luôn chủ động phối hợp với Chi bộ, Trưởng thôn và Ban Công tác Mặt trận làng vận động nhân dân đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bahnar, duy trì các lễ hội truyền thống tốt đẹp như: lễ hội cúng lúa mới, lễ bỏ mả... xóa bỏ các tập tục lạc hậu; không còn tổ chức ma chay, cưới hỏi dài ngày, người chết không để lâu trong nhà, không thách cưới, phạt vạ…”.

Ngoài ra, già Yớp còn vận động nhân dân đóng góp 37 triệu đồng để mua một bộ cồng chiêng, 8 triệu đồng hàn 2 khung rạp, 5 triệu đồng và 100 ngày công để sửa chữa nhà rông nhằm phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ hội. Già còn vận động 100% hộ chăn nuôi bò làm chuồng trại để nuôi nhốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư và vận động nhân dân hiến hơn 1.000 m2 đất để làm cầu dân sinh.

Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã phối hợp với ngành chức năng và các đoàn thể tổ chức được trên 50.000 buổi tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tích cực trong công tác này có ông Đinh Yek (xã Kon Chiêng), ông Srônh (xã Đak Djrăng), ông Y Thành (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) với việc trực tiếp tuyên truyền, vận động trên 30 buổi cho hơn 1.000 lượt người; vận động cá biệt các đối tượng trước đây lầm lỡ theo tà đạo “Hà Mòn” cảnh giác, không tin, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế. Ông Kpă Hâu (làng Blút Roh, xã Al Bá), ông Siu Sum (làng Phặm Ó, xã Bar Măih, huyện Chư Sê) đã hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, xích mích nảy sinh trong cộng đồng.

Đặc biệt, người có uy tín tiêu biểu ở các xã biên giới còn vận động con cháu, dòng họ đề cao cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn của kẻ xấu, không tiếp tay, che giấu, dẫn đường vượt biên. Tiêu biểu có ông Siu Pyeo (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), ông Ksor Bơng (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai).

Ông Siu Pyeo vui vẻ nói: “Từ năm 2018 đến 2020, tôi đã phối hợp cùng với chính quyền, Mặt trận các cấp tham gia 37 buổi tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ an ninh biên giới; vận động, thuyết phục được 15 trường hợp từ bỏ hành vi lấn chiếm đất làm rẫy tại các khu vực biên giới. Tôi cũng cùng với các già làng đến từng hộ gia đình có người đã từng vượt biên sang Campuchia khuyên giải giúp họ nhận ra lỗi lầm, hòa nhập với dân làng; phối hợp với Công an, Mặt trận tuyên truyền, giáo dục cảm hóa 7 đối tượng có hành vi lôi kéo, kích động người dân vượt biên”.

Gửi niềm tin, trao trách nhiệm

Đánh giá cao vai trò người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội đã vận động, tranh thủ, vinh danh trên 2.000 cá nhân tiêu biểu là già làng, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các chi hội đoàn thể, trưởng dòng họ, thầy thuốc, thầy giáo, chức sắc, chức việc tiêu biểu trong các tôn giáo...

Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho hay: Nhiều người đã có những đóng góp lớn trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc và ngày nay vẫn là tấm gương sáng trong mỗi buôn làng, cộng đồng, được nhân dân suy tôn, kính trọng. Lời nói, việc làm của các vị luôn tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân, trở thành “điểm tựa tinh thần của cộng đồng”, địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức đoàn thể.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng quà cho các già làng vùng biên giới tại buổi gặp mặt do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức. Ảnh: Anh Huy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng quà cho các già làng vùng biên giới tại buổi gặp mặt do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức. Ảnh: Anh Huy


Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đội ngũ ấy đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giúp cấp ủy, chính quyền hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên luôn quan tâm động viên thông qua các hội nghị gặp mặt, biểu dương; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết hay giúp đỡ về tinh thần và vật chất. Trong 2 năm qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức 47 hội nghị gặp mặt người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 4.000 lượt đại biểu tham dự, trong đó, biểu dương khen thưởng 852 người có nhiều đóng góp ở các lĩnh vực.

Ảnh: Đức Thụy
Đội ngũ già làng uy tín đã phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở cơ sở. Ảnh: Đức Thụy


Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hy vọng, đội ngũ người có uy tín tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thực hiện tốt quy ước, hương ước khu dân cư; không ngừng khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, dân chủ trong đời sống xã hội, các phong trào thi đua, cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội phát động có hiệu quả.
 

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

(GLO)- Ngày 20-1, đoàn công tác do bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đang sinh sống tại TP. Pleiku.

Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/9 phấn khởi khi được đoàn công tác đến thăm, chúc Tết. Ảnh: Q.T

Quà Tết đến với lính nhà giàn DK1

(GLO)- Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả trong hải trình dài ngày vượt sóng to, gió lớn nhưng toàn bộ hàng hóa, quà Tết đã được đoàn công tác tàu Trường Sa 21 đưa đến các nhà giàn DK1 an toàn.