Người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ tận tâm, nhiệt tình với công tác xã hội, ông Trần Quốc Hưng (thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) còn là người rất cần cù lao động, có ý chí vươn lên làm giàu. Hiện nay, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lợi trên 500 triệu đồng từ cà phê và hồ tiêu.

Mới đây, theo chân đoàn công tác của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Chư Sê, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình ông Trần Quốc Hưng-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ia Tiêm. Qua trò chuyện được biết, năm 1994, ông Hưng rời quê hương Quảng Ngãi lên xã Ia Tiêm lập nghiệp. Những ngày đầu đặt chân lên vùng đất mới, vợ chồng ông đem hết số tiền dành dụm mua 2 ha đất để trồng trọt, chăn nuôi.

 

Ông Trần Quốc Hưng (bên phải) đang trao đổi kinh nghiệm trồng hồ tiêu. Ảnh: H.V
Ông Trần Quốc Hưng (bên phải) đang trao đổi kinh nghiệm trồng hồ tiêu. Ảnh: H.V

Sau đó, để có tiền trang trải cuộc sống và đầu tư phát triển kinh tế, vợ chồng ông Hưng rất chịu khó đi làm thuê. Với diện tích đất mua được, vợ chồng ông trồng các loại cây ngắn ngày nhưng hiệu quả mang lại không cao. Năm 1996, nhận thấy trồng hồ tiêu, cà phê cho thu nhập cao, vợ chồng ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 500 cây cà phê và 200 trụ hồ tiêu. Nhờ thời tiết thuận lợi, cà phê và hồ tiêu của gia đình ông phát triển tốt, cho năng suất cao. Với số tiền thu được từ việc bán cà phê, hồ tiêu… ông Hưng tiếp tục mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất.

Ông Hưng cho biết: “Năm 2005, được vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh huyện Chư Sê, cộng với số vốn tích lũy được, gia đình tôi đầu tư mở rộng diện tích cà phê và hồ tiêu. Đến nay, vợ chồng tôi có 13 ha đất, trong đó hơn 2 ha hồ tiêu và hơn 10 ha cà phê. Năm 2017, gia đình tôi thu được 40 tấn cà phê, trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 400 triệu đồng. Riêng hồ tiêu thì thu được 4 tấn, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng”.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn hồ tiêu, cà phê xanh mướt đang trong giai đoạn kinh doanh, ông Hưng chia sẻ, để có vườn cây khỏe mạnh, sạch bệnh, gia đình ông đã tham gia rất nhiều buổi tập huấn kỹ thuật trồng trọt. Nhằm nâng cao chất lượng nông sản, ông đã lựa chọn giống tốt đưa vào sản xuất. Đồng thời, ông cũng áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, sinh học, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông Hưng đã trồng xen trong vườn nhiều loại cây như: bơ booth, sầu riêng, chanh dây, cau… Hàng năm, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa thu hoạch, có lúc gia đình ông thuê tới 20 lao động mỗi ngày.

Ông Phạm Quốc Hương-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Chư Sê: Ông Hưng là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi của xã Ia Tiêm cũng như của huyện Chư Sê. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Hưng còn giúp đỡ bà con làng xóm, hội viên cùng nhau vươn lên. Bên cạnh đó, ông còn cùng với chính quyền xã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp.

Hoàng Viên-Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.