Ngơ ngác heo may

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Mẩy, sang đây với bà!" - đứng bên hàng giậu, bà tôi gọi với sang. Bên kia, chị Mẩy đứng lắc lư, hai bàn tay ấp gương mặt to bè làm điệu bộ chỉ tôi mới hiểu, chị bắt chước chị Lam trong làng hôm nọ làm cô dâu.

Trên cái đầu rối bù như tổ quạ, một mớ hoa sặc sỡ cài lên, nào dâm bụt, ngũ sắc, đậu biếc… "Nhanh sang bà cho cái này!" - bà tôi lại gọi, tay vén hàng rào. Chị Mẩy lặc lè chui qua rồi ôm chầm lấy bà ngoạc miệng cười, cái cằm bạnh ra dưới cái miệng tèm lem nhọ nồi. "Ngồi đây nào!" - bà dúi vào tay chị nắm xôi khúc, dỗ dành. Chị Mẩy khịt mũi cầm nắm xôi ngồi bệt xuống bậc thềm ăn ngon lành. Bà tôi lúc này mới lấy từ trong túi áo ra chiếc lược, tỉ mẩn gỡ từng bông cỏ may dính trên đầu tóc rối bù của chị.

"Ứ ừ, sao bà lại gỡ hoa của cô dâu! Bắt đền bà đấy!" - chị Mẩy vùng vằng đứng lên giẫm bành bạch xuống sân khóc tu tu. "Thôi nào! Bà đâu có gỡ, bà chải tóc Mẩy cho mượt để lát gội bồ kết rồi bà lại cài hoa cho". Chị Mẩy nghe ra, lát sau ngoan ngoãn theo bà ra giếng gội đầu. Mùi bồ kết nồng nồng theo gió thoảng từ giếng vào đến hiên. Tôi đứng trong bếp nhịn cười nhìn chị Mẩy lắc lư thân hình mập mạp, còn bà vừa gội vừa thủ thỉ dỗ dành.

Chị Mẩy là con ông Hương Thưởng giàu có nhất làng tôi ngày trước. Vợ ông sinh một đàn con, tưởng thôi, ai đời ngoài bảy mươi ông tằng tịu với bà Hớn làng bên, sinh ra chị Mẩy. Chị Mẩy được ba tháng tuổi, bà Hớn nhận ra chị không bình thường như con người ta. Đêm đó, bà lặng lẽ bế chị Mẩy đặt trước nhà ông Thưởng rồi đi biền biệt. Ông Thưởng nhận chị nhưng vợ con ông ghét bỏ, hắt hủi vì chị là giọt máu rơi, lại tật nguyền. Già rồi, lại chứng kiến cảnh đó nên ông Thưởng đau lòng, đổ bệnh mà chết. Người làng bảo chị Mẩy như tội nợ của ông Thưởng, vì ngày còn trẻ, ông trót ăn ở ác với người làng tôi.

Chị Mẩy dở người, gương mặt lại dị dạng. Mùa nắng cũng như mưa, chị chạy rông khắp làng trên xóm dưới, múa may, hát hò; gặp ai chị cũng ngoạc miệng ra cười, rủ làm cô dâu. Cả làng chẳng mấy ai thương chị, riêng chỉ có bà tôi là thương chị đến lạ lùng. Mỗi khi về quê, tôi luôn nghe cô chú tôi càu nhàu việc bà cứ gọi chị Mẩy sang tắm táp, gội đầu. Hôm nào gặp bữa "ăn tươi", bà lại dấm dúi san thức ăn ra cái bát cất đi, đợi mọi người đi khỏi là vẫy chị Mẩy sang. Trong khi chị ăn, bà phe phẩy cái quạt nan, âu yếm nhìn chị, chốc chốc mắng yêu: "Cha bố nhà chị, phải ở thành phố, người ta cho ngay vào nhà thương điên con ạ! May mà ở quê, lại có bà". Vừa nói bà vừa xoa ve cái lưng to bè như tấm phản của chị.

Mãi sau này tôi mới hiểu vì sao chị Mẩy hiền lành mà cô chú tôi lại khó chịu với chị đến thế. Số là ngày trước, lúc túng bấn, ông bà tôi thường sang vay thóc, vay tiền ông Hương Thưởng. Không riêng gì ông bà tôi, cả làng cần gì đều vay của ông ấy. Ông Thưởng cho vay nặng lãi nhưng vì ngặt nên ai cũng đành chịu. Đến kỳ hạn đòi nợ, ai không trả nổi là ông cho người đến cắt đất vườn hoặc lấy đi những gì quý giá nhất trong nhà người ta.

Năm đó, ông tôi đến kỳ hạn trả nợ nhưng chưa có tiền, ông Thưởng cho người sang nhà khiêng bộ lư đồng về. Nhà ông tôi bấy giờ có mỗi bộ lư đồng là tài sản quý giá. Trừ nợ vẫn chưa đủ, Hương Thưởng còn cho người cắm lại hàng rào. Vườn ông bà tôi sát vườn nhà Hương Thưởng; mảnh vườn rộng thênh, qua hôm sau, chỉ còn lại một nửa. Hương Thưởng lấy phần đất có cả cây ăn trái lâu năm. Van xin khất nợ cách gì cũng không xong, ông tôi uất quá lăn ra ốm, hai tháng sau thì qua đời.

Cái chết của ông tôi khiến bà con trong làng càng thêm căm ghét Hương Thưởng; cô chú tôi lòng lúc nào cũng âm ỉ căm phẫn. Việc chị Mẩy xuất hiện trong nhà Hương Thưởng như từ trên trời rơi xuống khiến cho bà con trong làng hả hê, nhiều người ác miệng nói bóng gió: "Quả báo; đời cha ăn mặn…". Duy chỉ có bà tôi là yên lặng. Ngày ngày làm cỏ vườn nhà, bà nhìn sang bên kia rào giậu thấy chị Mẩy lê la chẳng ai bồng bế. Chị Mẩy lên năm tuổi, ông Thưởng qua đời; đàn con ông cũng bỏ xứ đi xa, chỉ còn lại vợ chồng người con út với nhà cửa ruộng vườn cha để lại. Chị Mẩy dở người lại chẳng được tích sự gì nên chị dâu hắt hủi, anh trai cũng chẳng thương gì đứa em lạc loài. Đến bữa ăn, chẳng mấy khi chị Mẩy được ngồi chung; cuối bữa, còn chút cơm thừa canh cặn chị mới được ăn. Bên này rào giậu nhìn sang, bà tôi thấy hết; đợi mọi người đi khỏi, bà lại vẫy chị Mẩy sang bên này để bà tắm táp, cho ăn.

"Mẹ già rồi còn đi lo cho cái đứa con nhà ác độc!" - cô tôi lầm bầm. Chú tôi đi xa về nghe kể cũng kéo bà vào nhà nhỏ to: "Bố chúng con mất cũng vì lão Thưởng, đến giờ chúng con vẫn chưa quên". Cô tôi đứng bên đế thêm vào: "Đã vậy mẹ suốt ngày chăm nó còn hơn con cháu trong nhà!". Lần nào nghe xong, bà tôi cũng lẳng lặng ra sau hè ngồi nhìn mông lung ra cánh đồng. Có lần, tôi thấy bà kéo vạt áo chặm vào mắt nghẹn ngào: "Chuyện ngày xưa, quên đi các con ạ! Lão Thưởng ác nhưng con Mẩy tội tình gì, lại tật nguyền, chừng đó chưa đủ trả nợ với cuộc đời sao?!". Cô chú tôi nghe vậy thì yên lặng.

Có vẻ như chị Mẩy ý thức trên đời chỉ còn duy nhất bà tôi yêu thương, che chở chị. Mỗi lần bên bà, chị lại nũng nịu nhưng bà bảo gì cũng ngoan ngoãn vâng lời. Lần nào ăn dở nắm xôi, củ khoai hay cái bắp ngô mà nghe đầu ngõ tiếng cô chú tôi về, lập tức chị Mẩy lao ra vườn chui tọt qua hàng rào về bên hiên ngồi im thin thít. Mỗi lần chứng kiến cảnh đó, bà tôi lại càng thương…

Một lần chị Mẩy qua tìm bà, gặp lúc bà ra chợ chỉ còn tôi ở nhà. Thấy tôi, chị đi giật lùi ra cửa, miệng lắp bắp những câu không rõ nghĩa. Thấy tội nghiệp, tôi vẫy chị: "Lại đây em tết tóc cho!". Nghe tết tóc, chị chạy lại ngay. Tôi ra vườn ngắt vài nhành hoa cải, tết tóc xong, tôi cài hoa lên rồi dắt chị vào soi chiếc gương bà giắt ở cửa buồng. Chị Mẩy nghiêng đầu ngắm nghía những bông vàng rực trên đầu, miệng ngoạc ra cười nhìn tôi vẻ xúc động, hóa ra ngoài bà còn có người cũng thương chị. Chị nắm tay tôi chạy long nhong khắp vườn, vừa chạy vừa hò hét: "Đẹp hông, đẹp hông? Mai mốt Mẩy làm cô dâu!". Tôi yên lặng ngắm nỗi vui trong mắt một người điên, nó ánh lên vẻ trẻ thơ trong ngần. Có chút gì ấm áp len lỏi vào lòng, tôi thầm thì: "Mùa hè, em về thăm bà, chị cứ sang đây em tết tóc cho!". Chị Mẩy gật đầu lia lịa rồi lại chạy long nhong quanh vạt cải cho đến khi bà tôi về. Chị lao ra khoe với bà chuyện tôi tết tóc. Bà nhìn tôi rưng rưng như thể tôi đã mang đến cho bà nỗi vui.

 

 Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

*

*     *


Tôi đi học xa, ở nhà bà đột ngột qua đời. Xem những tấm ảnh trong đám tang bà do bố tôi chụp gửi sang, tấm hình nào tôi cũng thấy chị Mẩy gục đầu bên quan tài bà.

Nghỉ hè trở về quê, tôi ra đồng thăm mộ bà; sau hơn một năm, ngôi mộ đã xanh cỏ. Tôi ngồi thụp xuống khẽ chạm vào gương mặt bà khắc trên tấm bia mờ ảo qua lớp khói hương. Có bóng người ngồi tựa vào tảng đá dưới chân mộ, tôi lại gần kêu lên: "Chị Mẩy!". Chị Mẩy giật mình quay lại nhìn tôi, gương mặt trong gió heo may ngơ ngác, câm lặng. Mái tóc rối bù ngày nào giờ được chải gọn gàng nhưng tuyệt nhiên không cài một bông hoa nào. Trong bộ đồ nâu vải thô nhăn nhúm, trông chị gầy đi. Tôi lại gần nắm bàn tay chị: "Chị Mẩy nhớ em không?". "Có chứ sao không" - chị gật đầu. "Cái Xuyến cháu bà đây thôi!" - giọng chị trong trẻo như một người bình thường, thần thái cũng không còn vương chút gì của người điên.

Tôi về nghe cô chú kể, từ dạo bà mất, ngày nào chị Mẩy cũng ra mộ hương khói rồi ở đó đến đêm. Chị không còn chạy long nhong khắp làng, không đòi làm cô dâu. Chị đã biết việc nhà cửa, ruộng vườn. Bà con trong làng ai cũng kinh ngạc, có người rỉ tai nhau bảo bà tôi thương nên phù hộ cho chị.

Ba năm sau, tôi mới có dịp về lại quê, một mình ra đồng thăm mộ ông bà. Ông bà tôi đã về nằm cạnh nhau trên đồi cao, nhìn xuống cánh đồng bạt ngàn nắng gió. Nơi này, chiều chiều đàn sáo lại kéo về ríu rít trên ngọn cây cao. Cách mộ bà không xa, tôi nhìn thấy một nấm mộ có lẽ vừa được xây cất, chân hương còn mới. Tôi lại gần nhìn vào tấm bia, bàng hoàng. "Chị Mẩy ơi!" - tôi thầm thì gọi. Có tiếng chân người đến gần, tôi giật mình quay lại; là chú tôi. Chú kể hai ngày liền không thấy chị Mẩy đâu, người nhà chạy đi tìm, họ nhìn thấy chị nằm bên mộ bà tôi, gương mặt bình thản như say ngủ. Chị đi từ bao giờ chẳng ai hay. Cô chú tôi thương, xin gia đình chị Mẩy cho chị được về gần bà, trong nghĩa trang gia tộc…

Chiều xuống, quê tôi đẹp mơ màng, nếp nhà nào cũng có khói lên nghi ngút. Tôi bỗng nhớ bà, nhớ nồi nước bồ kết gội đầu, nhớ chị Mẩy với hai bím tóc rối bù lúc lắc trên vai. Chạng vạng, tôi chạy như bay trên cánh đồng, gió thổi ù ù bên tai, tôi như nghe có cả tiếng bà âu yếm mắng chị Mẩy: "Cha bố nhà chị, lại đây bà gội đầu cho"...

Truyện ngắn của VŨ NGỌC GIAO
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.