96 tuổi đời, 76 tuổi nghề, cụ Nguyễn Thị Dần là nghệ nhân cao tuổi nhất VN mang trong mình một kho kiến thức về chè sen.
Nghệ nhân chè sen Tây Hồ Nguyễn Thị Dần ở tuổi 96 (2019). ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Gần cuối tháng 5 khi sen Tây Hồ vào vụ cũng là lúc trai thanh gái lịch tấp nập đến đọ dáng chụp ảnh cùng sen. Với người làm chè, sen Tây Hồ là báu vật vì hương thơm kỳ ảo, quyến rũ ấy quyện vào vị chè, tạo nên sản phẩm chè sen tuyệt hảo, xứng là quốc trà nước Việt.
Nghề ướp chè sen cũng theo thú phong lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đến nay, nghệ nhân chè sen Nguyễn Thị Dần được xem là “chứng nhân lịch sử” của nghề sen từ đầu thế kỷ trước.
Nổi tiếng cùng sen
Chè xanh ướp từ gạo sen Tây Hồ đã trở thành “cơn sốt” không hề nhẹ của cư dân Hà Nội. Khoảng 10 năm trước, số nghệ nhân ướp chè sen chỉ đếm đầu ngón tay, giờ đây nhiều vô kể. Nhưng nhắc về chè sen Tây Hồ, cụ Nguyễn Thị Dần là “ngôi sao”. Mỗi khi sen vào vụ, ngôi nhà của cụ ở phố Tô Ngọc Vân lúc nào cũng tấp nập khách ghé thăm.
Tiếp chuyện bên hàng hiên nhà, vẫn phong thái nhanh nhẹn, tinh anh cụ Dần vui vẻ kể: “Truyền hình Nhật sang tôi 4 lần rồi đấy (Đài NHK - PV), khách Nhật ngày nào cũng có vài người. Còn truyền hình, báo chí, người uống trà, khách du lịch VN nhiều lắm, tôi không nhớ hết nổi”.
Gần 100 tuổi nhưng mỗi năm cụ Dần vẫn ngóng mùa sen. Với cụ, sen Tây Hồ không chỉ là nghề, mà còn là bạn tâm giao, không gặp là nhớ nhung. “Tôi đang ốm, sen vào vụ mừng quá hết ốm luôn chú ạ”, cụ khoe.
Ngày bé cụ Dần đã theo mẹ bán sen để ướp trà. Khi Pháp đánh Hà Nội, nhiều người đi tản cư còn cụ vẫn bám thủ đô hoạt động tự vệ, bán hoa sen để dễ bề đi lại. Cứ thế, cụ Dần cùng gánh sen đi qua hai cuộc kháng chiến. Rảnh rỗi cụ Dần còn theo các cụ trong phố cổ học thêm nghề ướp chè, mỗi nhà học một ít rồi tự rút thành cái riêng của mình. Cụ có khách khắp phố cổ nên luôn là người tiêu thụ sen nhiều nhất vùng Quảng Bá.
Cụ cho biết: “Sen thơm nhất, đẹp nhất là tháng 6. Để lấy sen ướp chè, khâu quan trọng hàng đầu là không làm dập gạo sen, khi vào chè hương sẽ đạt chất tốt nhất. Kế đến là khâu sấy, phải vừa đủ nhiệt để sen không quá khô gây cứng chè, non nhiệt sẽ khiến chè mốc. Chè sen khi thành phẩm ngoài hương thơm, vị chè, còn phải có độ ngậy. Sen Quảng Bá vùng Tây Hồ ngày càng ít, tôi tiếc đứt ruột. Năm ngoái năm kia còn không có sen để ướp chè. Người ta cũng lấy giống ở đây trồng khắp nơi, nhưng hương sen, gạo sen không đượm và dày như sen Tây Hồ được”.
Hỏi cụ Dần không làm sen, hẳn là nhớ lắm, cụ cười khanh khách: “Giờ tôi già yếu tay chân làm chậm hơn, nhưng đầu óc vẫn chỉ huy được. Nghề tôi truyền lại hết cho con cháu rồi”.
Mùa sen rộ nhất bắt đầu từ tháng 5. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Bí mật nghề sen
"Người làm nghề sen, không chỉ coi sen là bạn mà còn phải coi cả những người cùng nghề như họ hàng thân thích. Bởi nếu cư xử với nhau tệ bạc, sen nó phụ mình ngay. Phải có nghĩa với nó, nó mới thương mình" Nghệ nhân Nguyễn Thị Dần |
Nhiều người trầm trồ trước ý nghĩa của hoa sen, mùi hương quyến rũ của gạo sen, vẻ đẹp kỳ ảo của đầm sen... nhưng không mấy ai biết những ngóc ngách của nghề sen.
Cụ Dần trải lòng: “Người làm nghề sen, không chỉ coi sen là bạn mà còn phải coi cả những người cùng nghề như họ hàng thân thích. Bởi nếu cư xử với nhau tệ bạc, sen nó phụ mình ngay. Phải có nghĩa với nó, nó mới thương mình. Thời tôi còn son, cả làng có hơn chục người làm nghề, quý nhau như anh em một nhà. Qua thời gian mọi người mất cả, chỉ còn lại tôi”.
Nghề sen nhiều lần chứng kiến chiêu trò trong cuộc tranh giành mua bán, những màn chơi khăm nhau giữa các người buôn thầu chung một đầm sen. Thói ganh ghét, đố kỵ diễn ra khi có người bỏ tiền thầu được cả đầm, rồi chia phần lại cho người làm nghề sen, người không được chia đâm ghen tức, cách trả thù được cụ Dần cho biết: “Sen kỳ lạ lắm, chỉ cần lấy miếng ván hòm đã bốc cốt ngoài nghĩa địa, vứt vào đầm sen, cả đầm năm ấy sẽ mất trắng, sen lụi không lên được”.
Người mua sen ngày xưa ở Hà Nội rất khó tính, chỉ một lần mất tín, là bị tẩy chay ngay. Cái mất tín ở đây không phải chuyện giao hàng lỗi hẹn, mà là phạm phải điều kiêng kỵ. Sen tỏa hương, người mua sen lấy gạo ướp chè, kỵ nhất phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt mà vẫn ham lợi đi bán sen. Cách kiểm tra của khách với người bán cũng rất khéo, cụ Dần kể: “Thời đó nghèo, phụ nữ tới tháng chỉ đóng bằng vải xô, buộc lên cạp quần. Người mua giả bộ đến gần, xoa lưng hỏi thăm, thấy cộm là họ đuổi về, bắt đền cả gánh sen và không bao giờ mua lại của người đó nữa. Vì thế, nếu tới tháng chỉ cần bảo với người mua sen là hôm nay tôi bận, họ sẽ tự hiểu ngay. Xưa là vậy còn ngày nay người ta mua bán sen ào ào, chả kiêng gì cả”.
Chè được ướp trong bông sen
Gắn bó với sen, cụ Dần hiểu sen như con người. Nhìn sen nở trong đầm, nếu thấy có hoa sinh đôi là an tâm vì vụ sen tiếp tục rộ. Khi thấy hoa cuống thâm, là dấu chỉ báo hiệu sen sắp hết mùa, hết lứa. Nếu lá to như cái dù, cứng, mặt trên xanh nhưng mặt dưới ngả đen là biết hoa sắp mất lứa. Còn lá cả hai mặt căng đều, xanh mởn, ấy là sen sắp vào lứa.
Ngày nay, nhiều đầm sen còn phun thuốc sâu để sen tốt, bông nở không bị sâu, mục đích thu vé vào chụp ảnh có lợi hơn là bán cho người ướp chè. Chỉ lo rồi đến một ngày vẻ đẹp của sen, hương thơm của chè sen Tây Hồ cũng sẽ rơi vào dĩ vãng.
Sen Tây Hồ là giống quý Người dân trồng sen Tây Hồ vì lợi ích kinh tế cao. Người mua dùng sen này để ướp trà, tuy bông nhỏ hơn so với nguyên gốc, gạo cũng thưa hơn, nhưng nhu cầu mua sen ướp trà mỗi năm càng nhiều nên sen không đủ bán. TS Đoàn Hùng Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chè VN cho biết: “Sen Hồ Tây là một giống quý, khác với các giống sen còn lại ở VN. Tuy nhiên, diện tích hồ sen ngày càng thu hẹp nhường chỗ cho biệt thự, cho nhu cầu phát triển đô thị. Mỗi năm vào vụ, thấy số lượng sen Hồ Tây ngày càng giảm, tôi rất tiếc bởi nếu không có sự quan tâm, bảo tồn, nghiên cứu kỹ lưỡng, vốn quý này sẽ sớm mai một”. |
Nguyễn Đình (Thanh Niên)