Ngành Y tế Gia Lai nỗ lực chăm sóc bệnh nhân ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi mọi người, mọi nhà nô nức vui xuân, đón Tết, các y-bác sĩ tại các cơ sở điều trị ở Gia Lai vẫn miệt mài chăm sóc và điều trị với mong muốn người bệnh hồi phục sức khỏe, sớm được về nhà.

7 giờ sáng mùng 1 Tết, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Công Huấn (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có mặt để thay ca cho đồng nghiệp trực hôm trước. Làm bác sĩ được 23 năm thì có đến gần 20 năm anh đón Tết tại bệnh viện.

Bác sĩ Huấn chia sẻ: Xác định làm nghề y thì phải chấp nhận những ngày lễ Tết không thể ở nhà với gia đình vì công việc. Ngày Tết đối với y-bác sĩ cũng như ngày thường, có chăng, công việc lại vất vả hơn vì các ca tai nạn, cấp cứu thường gia tăng hơn. “Nhiều năm công tác tại bệnh viện nên tôi cũng quen rồi, vợ con ban đầu còn buồn nhưng sau này lại hiểu, cảm thông và chia sẻ. Mọi năm, tôi không trực Giao thừa thì cũng trực mùng 1, mùng 2 Tết. Các đồng nghiệp thay phiên nhau để hoàn thành công việc khám-chữa bệnh cấp cứu cho người dân, ai cũng đều nỗ lực vì nhiệm vụ”-bác sĩ Huấn chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Công Huấn (ngoài cùng bên trái và ê kíp trực của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sẵn sàng vào ca trực sáng mùng 1 Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Công Huấn (ngoài cùng bên trái và ê kíp trực của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sẵn sàng vào ca trực sáng mùng 1 Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo bác sĩ Huấn, chỉ trong chiều tối mùng 1 Tết, kíp trực của anh đã tiếp nhận cấp cứu cho 4 trường hợp tự độc thuốc trừ cỏ, 2 ca nhồi máu cơ tim (cả 2 ca đều tử vong), 22 ca tai nạn giao thông, 4 ca ngộ độc rượu và nhiều ca cấp cứu do các nguyên nhân khác. “Hầu hết các ca tai nạn giao thông vào viện cấp cứu đều có liên quan rượu bia. Ngày Tết mọi người gặp nhau chúc xuân, uống với nhau ly rượu, nhưng uống rượu mà vẫn tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tai nạn ngày Tết. Công việc của các y-bác sĩ vì vậy cũng vất vả hơn bình thường. Chúng tôi mong muốn mọi người cần chú ý, đã uống rượu bia thì không nên lái xe để bảo đảm an toàn”-bác sĩ Huấn chia sẻ.

Đối với điều dưỡng Lưu Trịnh Xuân Hải-Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tâm sự: Làm điều dưỡng đã 11 năm nay, anh chưa từng có ngày Tết trọn vẹn với gia đình. Công việc cứ thế xuyên suốt, tới ca lại đi trực. “Năm nay, tôi trực đêm Giao thừa. Số ca bệnh nặng năm nay nhiều hơn so với các năm trước. Khoa có 27 giường, bệnh nhân tăng nên phải kê thêm giường để điều trị. Trong khi đó, nhân lực y-bác sĩ tại khoa lại thiếu nên công việc cũng nhiều và áp lực hơn".

Điều dưỡng Hải đang là lao động hợp đồng, mức lương 11 năm qua không tăng. Trước đây, anh hưởng lương trung cấp chỉ 3,2 triệu đồng/tháng, sau khi tốt nghiệp cử nhân thì tăng lên 3,8 triệu đồng. “Năm qua, kinh phí hoạt động của bệnh viện khó khăn nên tất cả cán bộ, y-bác sĩ, người lao động bệnh viện đều không có thưởng Tết. Mức lương hiện tại không đủ sống nhưng mình cũng chỉ biết cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, tất cả vì bệnh nhân. Mong cho năm mới mọi việc sẽ tốt đẹp hơn”-điều dưỡng Hải bày tỏ.

Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chăm sóc cho bệnh nhi điều trị tại khoa. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chăm sóc cho bệnh nhi điều trị tại khoa. Ảnh: Như Nguyện

Với bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai), thì việc đón Tết tại bệnh viện đã trở nên quen thuộc. Đặc biệt, vợ chồng chị đều là bác sĩ nên thường phải trực Tết. Bác sĩ Trang bộc bạch: Hơn 20 năm làm bác sĩ thì hầu như năm nào tôi cũng đón Tết bệnh viện nên cũng đã quen và cũng không còn buồn nữa.

“Xác định làm nghề y thì bất cứ lúc nào bệnh nhân cần là mình phải có mặt, tất cả vì người bệnh. Và đặc biệt, với Khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh nhân đều nặng và rất nặng nên việc điều trị, chăm sóc cho họ rất áp lực, vất vả hơn nhiều so với các khoa điều trị khác, vì vậy đòi hỏi y-bác sĩ phải không ngừng nỗ lực hơn. Tuy vậy, mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh về với gia đình là niềm hạnh phúc đối với y-bác sĩ, nhân viên y tế và chúng tôi lấy đó làm động lực để cố gắng làm việc, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân”-bác sĩ Trang cho biết.

Trung tá, bác sĩ Trịnh Quang Xuân-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Quân y 15) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Trung tá, bác sĩ Trịnh Quang Xuân-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Quân y 15) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Kề vai, sát cánh cùng với tỉnh làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15) phân công luân phiên nhau trực Tết, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trung tá, bác sĩ Trịnh Quang Xuân-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Quân y 15) cho hay: Với tinh thần, trách nhiệm của người bác sĩ, nên chúng tôi xác định ngày Tết cũng như bao ngày bình thường khác, khi bệnh nhân cần là chúng tôi có mặt cấp cứu kịp thời và điều trị giúp vượt qua nguy hiểm. Các y-bác sĩ hầu như ai cũng phải đón Tết tại bệnh viện và đã thành nếp nhiều năm qua nên không ai buồn vì điều đó, tất cả đều sẵn sàng vì người bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.