Bệnh viện là nơi… chẳng ai muốn đến, nhất là vào ngày Tết, song trong dịp này đây cũng lại là nơi lúc nào cũng tấp nập, đông đúc. Như mọi năm, nhiều người đã bất đắc dĩ phải đón Tết Canh Dần 2010 trong bệnh viện với đủ cảnh ngộ, tình huống vui có, buồn có. Còn với các y- bác sĩ, chuyện ăn Tết cùng bệnh nhân đã trở thành chuyện thường tình.
Khoa… vui nhất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai có lẽ là khoa Sản, nơi luôn sẵn sàng chào đón, nâng niu những sự sống mới. Bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình, Phó khoa Sản cho biết, chỉ trong đêm giao thừa Kỷ Sửu- Canh Dần bệnh viện đã tiếp nhận đến… 28 ca đẻ tại đây.
* Những công dân đầu tiên của năm Canh Dần
Trưa Mùng 2 Tết, nằm tại phòng hậu sản, chị Đoàn Thị Minh Hiển (TP. Pleiku) ngập tràn hạnh phúc khi ngắm nhìn cậu con trai Huỳnh Ngọc Bách đang lơ mơ ngủ. Cậu bé là con thứ 2 của chị, chào đời vào đúng 1h sáng ngày 14-2, sau giao thừa một tiếng đồng hồ. Anh Huỳnh Ngọc Khánh, chồng chị Hiển ngồi cạnh vừa nựng nịu con vừa vui mừng thổ lộ: “Năm nay tuy không được ăn Tết như mọi người nhưng tôi rất vui vì gia đình lại có thêm một thành viên mới!”.
Niềm hạnh phúc khi có thêm 1 thành viên mới trong gia đình của anh chị Huỳnh Ngọc Khánh- Đoàn Thị Minh Hiển (TP. Pleiku) |
Theo quan niệm của dân ta, con gái tuổi Dần là cực kỳ… cao số nên nhiều người muốn né sinh con năm Dần bằng cách sinh chạy năm (sinh mổ theo giờ đã chọn) để đứa trẻ ra đời trong năm Sửu. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bình, khoa Sản đã “quán triệt” về vấn đề này và cảnh báo: Thai chưa đủ tháng mà mổ lấy con thì đứa trẻ khi ra đời sẽ non yếu, sức khỏe kém. Chính vì có cảnh báo này nên trong dịp Tết năm nay khoa Sản đã chào đón không ít “quý cô” tuổi Dần. Cho nên, dù là đêm giao thừa hay trong mấy ngày Tết, các y- bác sĩ vẫn được cắt cử luân phiên theo từng ca trực để đảm bảo cho các sản phụ mẹ tròn con vuông.
Và dù con gái tuổi Dần hay tuổi gì đi nữa, niềm vui vẫn hiển hiện trong khắp các căn phòng tại đây, trên gương mặt những ông cha, bà mẹ vì trên hết vẫn là sự hiện diện mới mẻ của các thiên thần nhỏ đáng yêu. Nhiều em bé sau khi ở bệnh viện 1-2 ngày đã kịp về nhà cùng đón năm mới với gia đình.
* “Ăn Tết bệnh viện vẫn ấm lòng”
Không giống với khoa Sản, ở các khoa khác, các y- bác sĩ phải thường xuyên đối mặt với những tình huống, hoàn cảnh phức tạp hơn. Đưa chúng tôi đến Khoa Cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh- cho biết, đây là khoa bận rộn nhất vì phải tiếp nhận tất cả các trường hợp cấp cứu, sau đó mới xử lý và đưa về các khoa khác. Chỉ trong hai ngày 30 và Mùng 1 Tết, khoa đã tiếp nhận 118 ca cấp cứu do tai nạn, trong đó có 76 ca tai nạn giao thông, 24 ca tai nạn sinh hoạt, 16 ca do đánh nhau và 2 vụ tự tử. So sánh với số liệu năm ngoái, bác sĩ Tuấn đánh giá: “Mùng 1 năm nay có đến 51 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 1 ca tử vong, số lượng tăng đột biến so với những năm trước”.
Vì vậy, có thể hiểu được nỗi vất vả của các y- bác sĩ trực ở phòng cấp cứu trong những ngày này. Khi chúng tôi đến vào chiều Mùng 2 Tết, hầu như các y- bác sĩ ở đây không lúc nào ngớt việc bởi các ca cấp cứu liên tục được chuyển đến, kể cả tuyến huyện, hầu hết là tai nạn giao thông. Không khí phòng cấp cứu lúc nào cũng hết sức căng thẳng: Những bệnh nhân máu me bê bết khắp người, xung quanh là tiếng nức nở và gương mặt thất thần của người thân.
Còn tại khoa Hồi sức Trung tâm, nhiều người nhà bệnh nhân cũng không còn tâm trạng nào để màng đến tết nhất, gương mặt ai nấy đều nặng trĩu nỗi lo âu. Những ca nặng nhất đều được chuyển đến đây, trong đó có bệnh nhân Rơchâm Byum ở làng Te, xã Ia Phí (Chư Pah), nhập viện lúc 20h ngày Mùng 1 Tết. Anh Siu Chăm, anh trai Byum, kể: “Nó đi ăn Pơthi (bỏ mả) 4-5 ngày nay, chỉ toàn uống rượu chứ không ăn gì hết, khi về đến nhà thì ngủ luôn không dậy nữa nên cả nhà mới đưa đi bệnh viện”. Bằng kết quả chụp Citi, các bác sĩ ở đây kết luận Byum bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu nên không thể can thiệp ngay bằng phẫu thuật mà phải chờ theo dõi thêm. Nhìn Byum nằm bất động suốt gần 1 ngày trời, anh Siu Chăm bần thần: “Chắc nó không sống nổi đâu. Chắc phải xin về thôi…”. Xung quanh Byum, nhiều bệnh nhân khác cũng đang trong tình trạng nguy kịch, khó có thể nói khi nào xuất viện được. “Chúng tôi phải luôn sẵn sàng trực cấp cứu; phương tiện, thuốc men, dụng cụ cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng từ trước Tết bởi những ngày lễ tết tình hình bệnh tật thường phức tạp hơn nhiều”- trong tất bật, bác sĩ Trần Quốc Anh- Trưởng khoa Hồi sức Trung tâm- vẫn dành chút thời gian trao đổi với chúng tôi.
Các bác sĩ khoa Hồi sức Trung tâm đang chăm sóc cho bệnh nhân Rơchâm Byum (Chư Pah). Tết của họ ý nghĩa hơn vì cứu được thêm nhiều sinh mạng. |
Còn ở khoa Ngoại, nhiều bệnh nhân cũng phải ngậm ngùi đón Tết tại đây vì vận rủi đầu năm. Bà Nguyễn Thị Loan, 59 tuổi (huyện Phú Thiện) kể: Sáng Mùng 1 Tết bà lên lầu thắp nhang, khi xuống cầu thang thì chẳng may bị trượt chân ngã gãy xương đùi phải. Hiện chân bà đang được nẹp cố định chờ phẫu thuật để sắp xương, bắt vít lại. “Coi như không có tết nhất gì nữa”- bà Loan ngao ngán nói. Cạnh giường bà là anh Phạm Văn Đức (TP. Pleiku), bị đa chấn thương do tai nạn giao thông trước Tết 1 tuần. Anh Phạm Văn Việt, anh trai anh Đức cho hay, mấy ngày nay cả gia đình 7 anh chị em phải thay phiên nhau vào đây túc trực để chăm sóc cho người thân. “Dù phải đón Tết trong bệnh viện nhưng chúng tôi vẫn thấy ấm áp vì các y- bác sĩ ở đây rất tình cảm, lo lắng tận tình cho bệnh nhân. Mỗi ngày bệnh viện còn cho mỗi bệnh nhân 20.000 đồng tiền ăn. Ngoài ra, hôm trước Chủ tịch tỉnh lì xì cho mỗi bệnh nhân 300.000 đồng, một số doanh nghiệp cũng vào thăm hỏi và tặng quà nữa…”- anh Việt cảm động nói.
Phương Duyên