Từ năm 2019, Bệnh viện 331 đã triển khai phương thức thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Hiện nay, người dân đến khám-chữa bệnh (KCB) đã quen với việc này và lựa chọn thanh toán số với tỷ lệ giao dịch đạt khoảng 10% trên tổng chi phí thanh toán KCB.
Thanh toán số không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp các cơ sở y tế dễ dàng kiểm soát nguồn thu và giảm áp lực cho nhân viên thu phí, tiết kiệm chi phí trong nộp rút tiền mặt. Ảnh: N.N |
Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi thấy chuyển khoản tiện lợi, nhanh chóng, không phải xếp hàng chờ đợi. Vì vậy, không chỉ thanh toán chi phí dịch vụ y tế mà nhiều chi phí khác tôi cũng thanh toán không dùng tiền mặt”.
Còn chị Nguyễn Thúy Hằng (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) thì chia sẻ: “Tại các bệnh viện, người đến khám đông nên xếp hàng chờ nộp tiền thì mất nhiều thời gian. Trong khi đó, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh là đã hoàn thành việc thanh toán rồi. Chưa kể, nhiều khoản tiền lẻ chuyển thẳng luôn cũng tiện”.
Trung bình 1 ngày, Bệnh viện 331 tiếp nhận khám và điều trị khoảng 250-300 lượt bệnh nhân. Việc thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp đơn vị dễ kiểm soát nguồn thu, giảm áp lực cho nhân viên thu phí, tiết kiệm chi phí trong nộp rút tiền mặt.
Bà Trần Thị Phương Mai-Kế toán trưởng Bệnh viện 331-thông tin: “Chúng tôi khuyến khích bệnh nhân thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, tránh giữ tiền bên người có thể mất mát, rủi ro. Hiện đa số người thực hiện giao dịch thanh toán số là người trẻ, cán bộ, công chức, viên chức”.
Với lượng bệnh nhân đến khám và điều trị trong ngày rất đông, Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai cũng đẩy mạnh ứng dụng phương thức thanh toán số và triển khai nhiều phương thức thanh toán số. Bác sĩ Trương Đình Hưng-Phó Giám đốc Bệnh viện-cho hay: “Đơn vị đã triển khai thanh toán số nhiều năm qua. Phương thức này được người bệnh và mọi người đồng tình hưởng ứng”.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực dịch vụ là xu thế tất yếu trong sự phát triển của kỷ nguyên số. Ngành Y tế cũng không nằm ngoài sự phát triển này. Hiện nay, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế không chỉ khuyến khích bệnh nhân thực hiện thanh toán số mà còn vận động cán bộ, viên chức, người lao động xây dựng thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với các bệnh nhân trước khi ra viện, hầu hết đều được tư vấn chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Người dân thực hiện thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt tại Bệnh viện 331. Ảnh: Như Nguyện |
Mặc dù có nhiều tiện lợi, nhưng hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Bên cạnh các bệnh viện, trung tâm y tế có phát sinh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 10% thì hầu hết tại trung tâm y tế tuyến huyện, tỷ lệ người dân thanh toán không dùng tiền mặt còn ít.
Bác sĩ Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê-chia sẻ: Đơn vị đã triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt nhưng tỷ lệ giao dịch phát sinh thấp. Thời gian tới, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích để nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Sở Y tế, thời gian qua, các cơ sở y tế đã có những cố gắng nhất định trong việc thực hiện chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Trong đó, một số đơn vị thực hiện khá tốt như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện 331, Trung tâm Y tế TP. Pleiku, Trung tâm Y tế các huyện: Phú Thiện, Đak Đoa, Kbang và 3 bệnh viện tư nhân gồm: Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai, Mắt Cao Nguyên, Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai.
Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và phấn đấu đạt tỷ lệ giao dịch trên 10% trong năm 2023. Bên cạnh công tác tuyên truyền, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các ngân hàng đa dạng hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giúp người dân thuận tiện trong việc thanh toán phí, viện phí góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cải cách tài chính công của ngành.