Ngành Ngân hàng Gia Lai thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước Tết Nguyên đán 2024, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh đều tăng cao về số lượng và giá trị. Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần giúp ngân hàng giảm bớt áp lực giao dịch dịp Tết.

Những ngày trước Tết Nguyên đán 2024, chị Nguyễn Thị Cẩm-Tiểu thương chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) rất bận rộn nhập hàng, bán hàng, thanh toán cho đầu mối với sự hỗ trợ đắc lực của ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động.

Nói về sự thuận tiện của việc thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh tại chợ, chị Cẩm cho hay: “Chuyện khách hàng đi chợ quét mã VietQR để thanh toán hay chuyển khoản đã rất phổ biến nên tiểu thương cũng phải chủ động thích ứng với xu hướng chợ không tiền mặt.

Những ngày trước Tết, lượng khách mua nhiều. Nhờ thanh toán chuyển khoản mà khách hàng và người bán không cần kiểm đếm tiền mặt, thuận tiện cho cả 2 bên, giao dịch nhanh gọn”.

Sự phát triển mạnh mẽ của các kênh thanh toán không dùng tiền mặt đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống.

Bà Nguyễn Thị Lại-Chủ tiệm vàng Vạn Phước (thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của nhiều người. 80% khách hàng giao dịch tại tiệm sử dụng phương thức chuyển khoản, quét mã VietQR để thanh toán, còn lại là dùng tiền mặt. Đối với người kinh doanh, tôi thấy thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an toàn, nhanh chóng, thuận tiện”.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng về số lượng và giá trị giao dịch. Ảnh: S.C

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng về số lượng và giá trị giao dịch. Ảnh: S.C

Ngành Ngân hàng được ghi nhận và đánh giá cao khi luôn đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số. Những thành quả trong chuyển đổi số đã mang lại lợi ích đối với đời sống, hoạt động kinh tế của người dân, doanh nghiệp.

Theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt toàn hệ thống tăng gần 50% về số lượng so với năm 2022.

Trong đó, giao dịch qua kênh internet tăng 56,6% về số lượng và tăng 5,8% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 61,14% về số lượng và tăng 11,65% về giá trị; giao dịch qua phương thức QR Code tăng 171,68% về số lượng và tăng 74,16% về giá trị; giao dịch qua POS tăng 18,77% về số lượng và tăng 20,64% về giá trị.

Các hạ tầng dùng chung như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng quốc gia... thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức vận hành hệ thống, đầu tư nâng cấp, bổ sung tiện ích dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ.

Hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác. Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa quy trình bằng robot, công nghệ chuỗi khối được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, tín dụng, nhận tiền gửi...

Tại Gia Lai, các chi nhánh ngân hàng đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt gắn với nhiều sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại. Việc này đã góp phần thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng nhanh chóng, hiệu quả từ địa bàn thành phố đến các huyện, thị xã.

Đơn cử như tại Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai, hầu hết các kênh thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2023 ghi nhận có sự tăng trưởng tích cực so với năm trước.

Ở kênh autobank, số lượng giao dịch tại máy ATM, CDM đạt hơn 1,7 triệu lượt, doanh số giao dịch đạt 5.716 tỷ đồng, bình quân 165 giao dịch/máy/ngày, doanh số giao dịch bình quân 455 triệu đồng/máy/ngày; kênh thanh toán qua POS phát sinh 15.576 món với doanh số đạt 72,8 tỷ đồng; kênh QR Code, doanh số thanh toán đạt 1.051 tỷ đồng...

Xu hướng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán tăng về số lượng và giá trị giao dịch. Ảnh: Sơn Ca

Xu hướng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán tăng về số lượng và giá trị giao dịch. Ảnh: Sơn Ca

Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các mô hình kinh doanh và sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Số lượng giao dịch, số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ ngày càng gia tăng.

Toàn Chi nhánh hiện có 29 máy ATM, CDM và 132 máy POS; 3.840 đơn vị chấp nhận thanh toán QR Code qua VNPAY và VietQR; thực hiện chi lương qua tài khoản thẻ cho 535 đơn vị; đẩy mạnh phát triển dịch vụ Agribank E-Mobile Banking với 88.562 khách hàng...

Bà Nguyễn Thị Phương-Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai-cho biết: “Đối với thị trường nông nghiệp, nông thôn, Chi nhánh tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ tiện ích ngân hàng. Thông qua đó tuyên truyền đến người dân góp phần tạo thói quen không dùng tiền mặt, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Đồng thời, tiếp tục chú trọng khai thác hiệu quả kênh phân phối hiện đại trên nền tảng công nghệ hiện nay là Agribank E-Mobile Banking và Agribank EBanking, phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ, đặc biệt là đơn vị chấp nhận thanh toán hàng hóa dịch vụ không dùng tiền mặt qua POS, VietQR”.

Hướng đến mục tiêu đến cuối năm 2025 có ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu của các mô hình kinh doanh và sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu các chi nhánh ngân hàng tập trung vận hành các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp tăng cao trước Tết.

Đồng thời, theo dõi sát tình hình thu, chi tiền mặt trong hệ thống để kịp thời có phương án xử lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt của khách hàng. Các chi nhánh ngân hàng chủ động phương án bố trí nhân sự làm việc để cung ứng các dịch vụ thanh toán thiết yếu phục vụ người dân thông suốt, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ và hoạt động ATM”.

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.