(GLO)- Năm 2019 là một năm rất thành công của ngành Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai với những nỗ lực sáng tạo đưa KH-CN đi sâu vào đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Những con số ấn tượng
Tại lễ khai mạc sự kiện Trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ (TechDemo) 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Thực tiễn cho thấy, hoạt động KH-CN ở Gia Lai luôn được đặt ra cùng với quá trình phát triển KH-CN nước nhà, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, thay đổi về mô hình tăng trưởng và tạo sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất, quản lý đã giúp tỉnh phát triển bền vững. “Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động KH-CN ngày càng được đầu tư, đội ngũ cán bộ làm KH-CN của tỉnh đang từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nhiều mô hình đã được ứng dụng tạo nên diện mạo mới của ngành KH-CN tỉnh nhà như: ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; áp dụng cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng lớn; nông nghiệp thông minh trong sản xuất hồ tiêu, đổi mới công nghệ trong chế biến cà phê; chú trọng xây dựng nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; triển khai nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, cấp tỉnh theo hướng ứng dụng chuyển giao công nghệ và triển khai các nhiệm vụ khoa học cấp bách, thiết thực với thực tiễn của tỉnh; ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, ngăn chặn công nghệ lạc hậu…”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ 3 từ phải sang) tham quan một gian hàng tại TechDemo 2019. Ảnh: Đ.T |
Hiện nay, Gia Lai có 56/56 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, chi cục, cơ quan ngành dọc và 221/221 xã, phường, thị trấn đã triển khai xây dựng và công bố hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Trong năm 2019, Sở KH-CN tiếp tục quản lý việc triển khai thực hiện 9 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi với tổng kinh phí đầu tư hơn 62 tỷ đồng; 41 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh; tổng hợp 74 đề xuất nhiệm vụ KH-CN năm 2020; nghiệm thu 6 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh; cấp 19 giấy chứng nhận hoạt động KH-CN; tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu đối với hơn 100 nhiệm vụ KH-CN đã kết thúc cho các tổ chức, đơn vị và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ứng dụng; giải quyết 64 hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hoạt động KH-CN đúng hạn và đúng quy định; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho 40 tổ chức, cá nhân về thủ tục cấp mới, gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ và chứng chỉ nhân viên bức xạ; cấp mới và gia hạn 24 giấy phép tiến hành công việc bức xạ; cấp 11 chứng chỉ nhân viên bức xạ; tư vấn và hướng dẫn 250 tổ chức, cá nhân về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp… Bên cạnh đó, công tác quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được quan tâm, góp phần không nhỏ phục vụ người dân và doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại; chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường…
Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở KH-CN: “Ngoài các sản phẩm OCOP của các địa phương, chúng tôi triển khai xây dựng, phát triển từ 15 đến 20 nhãn hiệu hỗn hợp cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh dưới các hình thức xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể như: “Gạo Phú Thiện-Gia Lai”, “Rau An Khê-Gia Lai”; hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Phở khô Gia Lai”, “Khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa-Gia Lai”, “Rau An Sơn-Đak Pơ”, “Chôm chôm Ia Grai-Gia Lai”; xây dựng và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho các sản phẩm chanh dây và cà phê của tỉnh; hướng dẫn 10 doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký mã số mã vạch...”.
Có thể nói, việc triển khai xây dựng nhãn hiệu là cơ hội để các sản phẩm chủ lực của tỉnh tạo lập được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển vùng sản xuất sản phẩm tương xứng với tiềm năng của địa phương. Ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-cho biết: “Sản phẩm “Rau An Khê-Gia Lai” được cấp nhãn hiệu chứng nhận đã tạo thêm động lực để nông dân yên tâm sản xuất, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm là cần thiết trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang ngày càng khắt khe, đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng”.
Đặc biệt, vào tháng 11-2019, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ KH-CN tổ chức thành công sự kiện TechDemo với chủ đề “Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Các hoạt động của sự kiện đã thu hút hơn 2.000 đại biểu trong và ngoài nước cùng 10 ngàn lượt khách tham quan, tham dự. Thông qua sự kiện, các bên tham gia kết nối cung-cầu đã trao đổi, thống nhất được 12 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ với tổng giá trị trên 500 tỷ đồng; có 10 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư và trao ghi nhớ đầu tư của tỉnh Gia Lai với tổng kinh phí lên đến 19.928 tỷ đồng.
Lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo
Để thực hiện đổi mới công nghệ trên diện rộng, tỉnh ta lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Từ đó, tỉnh đưa ra các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính về ứng dụng chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm theo đề án hỗ trợ giai đoạn 2019-2023. Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng, hoàn thiện các chương trình hỗ trợ cụ thể và các giải pháp tài chính như: trích lập Quỹ KH-CN; thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ nước ngoài vào áp dụng trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, tham gia liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm cây ăn quả, dự án sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ hay thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao”-Giám đốc Sở KH-CN cho hay.
Hội nghị ký kết hợp tác hoạt động khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ảnh: G.H |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: “Thành công của sự kiện TechDemo là cơ hội tốt giúp cho tỉnh Gia Lai và các địa phương khác cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm hoạt động KH-CN; đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trao đổi công nghệ. Tỉnh Gia Lai hân hạnh nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia và các tổ chức khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh”. |
Bàn về vấn đề đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Gia Lai, Tiến sĩ Alexander Redeker-Giám đốc Điều hành Công ty Aone Deutschland AG (Cộng hòa Liên bang Đức) cho rằng: “Gia Lai là một tỉnh phát triển dựa khá nhiều vào ngành nông nghiệp. Ở Cộng hòa Liên bang Đức có rất nhiều công ty áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và cho hiệu quả cao. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi kết nối các doanh nghiệp ở Đức để giúp tỉnh Gia Lai phát triển”. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Phong-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công-Nông nghiệp Tiến Nông (tỉnh Thanh Hóa) nhận định: Chúng tôi xác định Gia Lai là địa bàn để quan tâm đầu tư. Chúng tôi muốn mang đến cho Gia Lai một giải pháp về dinh dưỡng cây trồng. Việc tập trung nguồn lực để tìm giải pháp dinh dưỡng cây trồng sẽ nâng cao giá trị nông sản như: cao su, cà phê... của tỉnh. Gia Lai có tiềm năng lớn về tài nguyên đất nông nghiệp, vì vậy, việc nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích sẽ giúp nâng cao kinh tế của người dân địa phương. “Chúng tôi nhận thấy tín hiệu tích cực từ cơ chế thông thoáng và sự cởi mở của tỉnh cũng như việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ phục vụ dinh dưỡng cây trồng có ứng dụng công nghệ cao cho 60.000 hộ nông dân của tỉnh Gia Lai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả”-ông Phong cho biết.
Những thành tựu nổi bật đạt được trong năm qua sẽ là động lực để ngành KH-CN tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về KH-CN, phát huy sức mạnh của hoạt động KH-CN trong lao động, sản xuất, góp phần đưa Gia Lai ngày càng phát triển.
MAI KA - GIA HÂN