Nhằm hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin, nhiều điểm giao dịch của ngân hàng mở cửa làm việc cả trong ngày cuối tuần.
Khách hàng Vietcombank xác thực sinh trắc học. Ảnh minh họa: TTXVN phát |
Cụ thể, trong ngày hôm nay (29/6) đã có rất nhiều khách hàng đến các điểm giao dịch của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để thực hiện cài đặt sinh trắc học.
BIDV cho biết ngân hàng khuyến khích khách hàng chủ động thực hiện cài đặt trên ứng dụng BIDV SmartBanking. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khách hàng tự thực hiện không thành công hoặc thiết bị không hỗ trợ cài đặt, khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh hoặc phòng giao dịch BIDV gần nhất để được hỗ trợ.
Theo thông báo của BIDV, ngân hàng bố trí nhân sự hỗ trợ thu thập sinh trắc học vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật (tức 29 và 30/6) tại tất cả các điểm giao dịch của BIDV trên toàn quốc để hỗ trợ khách hàng
Để tránh rủi ro giả mạo, BIDV khuyến cáo khách hàng không thực hiện cài đặt sinh trắc học qua bất kỳ kênh nào khác ngoài 2 hình thức xác thực nêu trên.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết tùy mức độ khách hàng có nhu cầu hỗ trợ cài đặt xác thực sinh trắc học tại từng địa bàn khác nhau mà các chi nhánh sẽ chủ động bố trí nhân sự phục vụ khách hàng tối đa.
Trước đó, các ngân hàng đã liên tục thông báo và hướng dẫn khách hàng cài đặt sinh trắc học. Các bước cài đặt trên ứng dụng ngân hàng phổ biến bao gồm: Chụp hai mặt của Căn cước công dân (CCCD) gắn chip; đọc thông tin trên CCCD theo hướng dẫn và chụp ảnh khuôn mặt để hoàn tất cài đặt.
Tuy nhiên, nhiều phản ánh của người dân cho biết thường gặp khó ở bước đọc thông tin trên CCCD do vị trí đầu đọc NFC (kết nối không dây trong phạm vi ngắn) trên mỗi thiết bị ở vị trí khác nhau hoặc thiết bị cũ không tích hợp NFC. Một vài trường hợp khác lại chưa có CCCD gắn chíp để cài đặt.
Trước thực tế này, Ngân hàng Nhà nước cho biết đối với những khách hàng chưa có CCCD gắn chip (có CCCD hoặc Chứng minh nhân dân còn thời hạn hiệu lực theo quy định của pháp luật) hoặc khách hàng là người nước ngoài hoặc khách hàng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, để thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng, khách hàng chỉ phải thực hiện đăng ký 01 lần duy nhất thông tin sinh trắc học tại quầy với ngân hàng, sau đó khách hàng có thể thực hiện giao dịch thông qua ứng dụng Mobile Banking/ Internet Banking, không phải ra quầy.
"Trong thời gian tới, khi Bộ Công an cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử, các ngân hàng sẽ triển khai tích hợp ứng dụng Mobile Banking/ Internet Banking với hệ thống định danh và xác thực điện tử để cho phép khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thông qua tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp", Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong đó quy định khách hàng bắt buộc xác thực sinh trắc học khi thực hiện một số giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử của các ngân hàng như: Chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên; Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số...
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, khoảng 70% giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, trong khi các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch. Số người thực hiện giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng.
Ngoài ra, theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành ngân hàng triển khai định danh và xác minh khách hàng một cách chính xác.