Những tưởng việc Vietcombank giảm nhẹ lãi suất huy động cách đây ít ngày được cho là một 'tín hiệu' của xu hướng hạ lãi suất vào dịp cuối năm nhưng mới đây, bất ngờ các 'ông lớn' khác như BIDV, Vietinbank lại tăng lãi suất huy động.
BIDV vừa chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở hầu hết các kỳ hạn. Theo đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Tiền gửi kỳ hạn 3 tháng cũng được nâng từ mức 4,8% lên 5,2%/năm. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 9 tháng trở lên ngân hàng áp dụng mức lãi suất cào bằng 6,9%/năm.
Một “ông lớn” khác là VietinBank mới đây cũng có động thái tăng lãi suất tiền gửi. Theo đó, với các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 đến 9 tháng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 5,8%/năm (thay vì 5,5- 5,7% trước đó); kỳ hạn 12 tháng cũng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.
|
Nhiều ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động để hút vốn |
Như vậy, mặt bằng lãi suất các kỳ hạn của BIDV, Vietinbank đều đang cao hơn so với Vietcombank. Trước đó, Vietcombank đã công bố biểu lãi suất huy động mới với mức giảm 0,1% cho hầu hết các kỳ hạn. Với động thái này, Vietcombank đang là ngân hàng có mặt bằng lãi suất thấp nhất.
Cùng với các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hàng loạt ngân hàng cổ phần khác cũng đã nâng lãi suất ở một số kỳ hạn trong biểu lãi suất mới. Chẳng hạn, kỳ hạn 12 tháng đã được PVcomBank điều chỉnh tăng thêm 0,5%, lên 7,6%/năm.
Còn lại vẫn được giữ nguyên so với biểu lãi suất vào đầu tháng 10. Sacombank thì lại nâng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng được tăng thêm 0,3% lên 5,3%/năm. Kỳ hạn 6, 7, 8 tháng tăng 0,2% lên 6,2%/năm. Kỳ hạn 9, 10, 11 tháng được ngân hàng này tăng thêm 0,4% lên 6,4%. Kỳ hạn 12 tháng tăng nhẹ từ 6,8% lên 6,9%/năm...
Theo các chuyên gia, xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng vào dịp cuối năm chủ yếu do yếu tố mùa vụ. Bởi lẽ, cuối năm, nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng cao. Đây cũng là thời điểm nhu cầu rút tiền mặt của các doanh nghiệp để chi trả lương, thưởng cuối năm nên các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Hơn nữa, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã khẳng định trước Quốc hội rằng với các biện pháp điều hành, tín dụng sẽ “về đích” như kế hoạch (đạt mức tăng trưởng tín dụng 21%). Trong khi đến hết tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng trưởng 13,6%, tức còn room gần 7% mới đạt chỉ tiêu đề ra. Như vậy, các ngân hàng đang phải chịu một sức ép lớn để “tăng tốc” trong 2 tháng cuối năm.
Trên thị trường liên ngân hàng 4 tuần qua, lãi suất cũng tăng liên tiếp và đã chạm mức cao nhất trong gần 4 tháng. Trong tuần qua, các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, biên độ tăng ở mức 0,2% - 0,26%.
Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,26% lên mức 1,26%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 0,22% lên mức 1,35%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,2% đạt mức 1,49%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải tăng bơm tiền ra hệ thống. NHNN đã bơm mới 20,6 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO), trong khi không có lượng vốn đáo hạn nào. Trong khi đó, qua kênh tín phiếu, NHNN đã phát hành 1.900 tỷ đồng tín phiếu mới trong khi lượng vốn đáo hạn trong tuần là 12.205 tỷ đồng.
Như vậy, tuần vừa qua NHNN đã bơm ròng 10.305 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 10.325,6 tỷ đồng vào thị trường.
Linh Nhật (ANTĐ)