(GLO)- Từ ngày 15-7 đến 31-12-2021, các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đây là đợt giảm lãi suất lớn nhất nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Vietcombank quyết định giảm lãi suất cho vay đối khách hàng từ ngày 15-7-2021 đến hết ngày 31-12-2021. Ảnh: Sơn Ca |
Vietcombank là một trong số ngân hàng thương mại tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng với nhiều đợt giảm lãi suất cho vay, đồng thời thực hiện giảm phí, cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong đợt này, Vietcombank quyết định giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng từ ngày 15-7 đến hết ngày 31-12. Theo đó, đơn vị thực hiện giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống. Đồng thời, không áp dụng chính sách này đối với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay chứng khoán, kinh doanh bất động sản.
Tương tự, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng thông qua việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, đối với khoản vay tại thời điểm ngày 15-7, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. Đối với các khoản vay sau ngày 15-7, Agribank ưu đãi giảm lãi suất lên đến 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng tùy theo từng đối tượng và ngành nghề.
Trao đổi về chính sách giảm lãi suất tiền vay đợt này, ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-thông tin: “Trong đợt giảm lãi suất lần này, Chi nhánh chỉ đạo các phòng giao dịch, chi nhánh cấp huyện nhanh chóng rà soát, cập nhật trên hệ thống và thông báo cho khách hàng biết. Theo dự kiến của chúng tôi, sẽ có khoảng 39 ngàn khách hàng cá nhân, tổ chức được hỗ trợ giảm lãi suất trong khoảng thời gian từ ngày 15-7 đến hết ngày 31-12-2021. Một điểm cần lưu ý là việc thực hiện chính sách này sẽ không áp dụng đối với các khoản vay với mức lãi suất ưu đãi, miễn giảm lãi trước đó”.
SHB Gia Lai đang triển khai chính sách giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, góp phần hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Ảnh: Sơn Ca |
Đối với khách hàng vay vốn, việc tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay là tín hiệu rất tích cực, thể hiện sự chia sẻ từ phía ngân hàng. Ông Bùi Thiên Ấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Mẫn (thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) nhìn nhận: “Tình hình dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa ngay khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Hoạt động giao thương hàng hóa từ cả 2 phía Việt Nam-Campuchia gặp khó khăn, đầu ra cho nông sản đang bị chững lại nên nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng hoạt động. Việc ngân hàng giảm lãi suất giúp doanh nghiệp giảm bớt phần nào áp lực tài chính, chi phí vốn vay để vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Cùng chung quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng (tổ 3, thị trấn Chư Sê) bày tỏ: “Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi muốn phát triển, mở rộng đều phải dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh như lúc này mà ngân hàng chủ động giảm lãi suất thì người đi vay mừng lắm”.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã liên tục bám sát tình hình và chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đẩy mạnh huy động vốn, bám sát danh mục các dự án đầu tư để mở rộng tín dụng, đảm bảo vốn cung ứng cho nền kinh tế. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện điều chỉnh các đợt giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-thông tin: “Thực hiện công điện hỏa tốc của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt là các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, thực hiện chủ trương hạ lãi suất đối với dư nợ cho vay hiện hữu, cho vay mới đã được các tổ chức tín dụng đồng thuận; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa các rủi ro, sai phạm có thể xảy ra”.
SƠN CA