Ngân hàng đẩy mạnh cho vay bằng phương tiện điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Từ ngày 1-9, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực thi hành đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng, trong đó có nội dung quan trọng quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử. Xung quanh nội dung này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh.

*P.V: Các quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: S.C

Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: S.C

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đã bổ sung thêm một mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp với hình thức cho vay này. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng như định hướng, chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.

Một số nội dung đáng chú ý như quy định các nguyên tắc áp dụng chung phù hợp đặc điểm hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC); giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử; hồ sơ vay vốn được thiết lập dưới dạng tài liệu, dữ liệu điện tử, lưu trữ hồ sơ trên môi trường số; tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử; giải ngân vốn vay... Với các quy định nêu trên, khách hàng không phải đến ngân hàng mà vẫn tiếp cận được vốn tín dụng với thời gian nhanh hơn, quy trình thủ tục đơn giản hơn.

*P.V: Ông có thể cho biết xác thực khách hàng bằng eKYC có mối liên hệ gì với việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử?

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Để kiểm soát nguồn dữ liệu định danh trong hoạt động eKYC phục vụ cho vay bằng phương tiện điện tử, Ngân hàng Nhà nước quy định cho phép tổ chức tín dụng triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật. Việc cho phép tiếp cận, khai thác thông tin khách hàng từ các nguồn trên giúp gia tăng nguồn thông tin chính thống rất có giá trị cho tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động eKYC minh bạch, an toàn, phòng ngừa rủi ro về gian lận, rửa tiền, tội phạm...

Đồng thời, phù hợp mục tiêu nghiên cứu, triển khai rộng rãi việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử vào lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng cũng như phương án, lộ trình Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đang tích cực phối hợp Bộ Công an để kết nối khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, VNeID, thử nghiệm giải pháp triển khai xác minh khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ đánh giá khách hàng trong dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cơ chế cho phép triển khai eKYC dựa trên việc khai thác thông tin đã được eKYC bởi tổ chức tín dụng khác.

Các ngân hàng đang tập trung chuyển đổi số nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh: Sơn Ca

Các ngân hàng đang tập trung chuyển đổi số nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh: Sơn Ca

*P.V: Trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, việc cho vay bằng phương tiện điện tử sẽ được áp dụng vào thực tế như thế nào, thưa ông?

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Theo ghi nhận, đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đang đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, ứng dụng công nghệ thông tin tối ưu hóa quy trình nội bộ, hoạt động, đổi mới và mở rộng hệ sinh thái số nhằm tăng khả năng cạnh tranh lẫn sự gắn kết với khách hàng. Hiện nay, tại các tổ chức tín dụng, việc ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay được thực hiện ở mức phổ biến. Đa phần đã ứng dụng phương tiện điện tử vào một hoặc một vài khâu của quy trình cho vay, hướng tới tăng cường tính tự động trong quy trình cấp tín dụng, ứng dụng công nghệ trong quản lý khách hàng, số hóa hồ sơ, nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng...

Trên cơ sở các quy định pháp lý của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng sẽ triển khai áp dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay theo lộ trình phù hợp với đặc thù quy mô hoạt động gắn với định hướng, chiến lược phát triển của mình. Theo đó, mức độ áp dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay theo hướng thử nghiệm đối với các sản phẩm cho vay đơn giản, món vay nhỏ, trước khi áp dụng rộng rãi, phổ biến theo xu hướng chung nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn, hiệu quả trong hoạt động ngân hàng.

*P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.