Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai kiên quyết xử lý nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong bối cảnh quy mô nguồn vốn lẫn dư nợ tín dụng chính sách gần chạm mức 5.000 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai quyết liệt thực hiện các giải pháp xử lý nợ. Nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh đều giảm, chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ.

Tính đến hết quý I-2021, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đạt hơn 4.987 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 4.975 tỷ đồng, tăng hơn 80 tỷ đồng so với đầu năm. So với các đơn vị khác trong hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Gia Lai đang đứng vị trí thứ 7 về quy mô, chất lượng tín dụng. Song song với công tác giải ngân cho vay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đặc biệt chú trọng xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn để có giải pháp thu hồi kịp thời.

1- Trong quý I-2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tích cực tăng trưởng dư nợ tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Trong quý I-2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tích cực tăng trưởng dư nợ tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ảnh: Sơn Ca


Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kông Chro rất tích cực trong công tác xử lý nợ. Ông Trần Thanh Nghị-Giám đốc Phòng Giao dịch-thông tin: “Kông Chro là địa bàn còn nhiều khó khăn nên công tác xử lý nợ, nhất là các trường hợp nợ bỏ đi khỏi nơi cư trú rất phức tạp, tốn rất nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin dữ liệu về hộ vay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì bám theo từng vụ việc để thu hồi nguồn vốn đã cho vay”.

Mới đây, vào trung tuần tháng 4-2021, tổ công tác bao gồm lãnh đạo Phòng Giao dịch, cán bộ tín dụng đã đến thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) để xử lý 1 hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú. Trường hợp này đã vay hơn 30 triệu đồng tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kông Chro từ năm 2015. Đến năm 2017, hộ này bỏ đi khỏi nơi cư trú, cho đến nay mới tìm được thông tin nơi cư trú mới của người vay. Ngay sau buổi làm việc với tổ công tác và chính quyền địa phương, hộ vay này đã cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ hàng tháng tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã An Nhơn.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Prông cũng là đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,16%/tổng dư nợ, giảm 0,01% so với đầu năm nay. Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phạm Thế Tuấn cho biết: “Phòng Giao dịch phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tập trung xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn cũng như thường xuyên củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng nhằm ngăn ngừa kịp thời các sai sót, tồn tại ở cơ sở”.

Thông qua công tác xử lý rủi ro, Phòng Giao dịch đã chủ động theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình thiệt hại do thiên tai, hạn hán, dịch bệnh để phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định. Hầu hết các trường hợp bỏ đi làm ăn xa đều không còn nguồn thu nhập, tài sản để xử lý. Một số trường hợp khi tìm được đến nơi ở mới thì đa phần hoàn cảnh rất khó khăn.

“Phòng Giao dịch đã chủ động phối hợp với UBND xã, Công an xã rà soát thông tin hộ khẩu hoặc thông qua kênh bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tìm kiếm thông tin, cộng thêm sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và các đơn vị phòng giao dịch trong hệ thống để xử lý. Mới đây, đơn vị đã xử lý 2 trường hợp nợ bỏ đi khỏi nơi cư trú”-ông Tuấn cho biết thêm.  

 Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay tại làng Pông. Ảnh: Sơn Ca
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay tại làng Pông, xã Chư A Thai. Ảnh: Sơn Ca


Có thể nói, sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội từ tỉnh đến huyện đã mang lại kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ. Kết thúc quý I-2021, nợ khoanh và nợ quá hạn toàn tỉnh là 16,548 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 6,696 tỷ đồng, giảm 38 triệu đồng so với đầu năm; nợ khoanh 9,852 tỷ đồng, giảm 582 triệu đồng so với đầu năm.

Đối với công tác xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã hạch toán xử lý rủi ro đợt III-2020 xóa nợ 793 triệu đồng. Phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể lập hồ sơ đề nghị trung ương xử lý rủi ro đợt I-2021, đề nghị xóa nợ 847,4 triệu đồng với 37 món vay, đề nghị khoanh nợ 645 triệu đồng, với 20 món vay.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-nhấn mạnh: “Hoạt động tín dụng chính sách trong quý I-2021 đạt một số kết quả rất khả quan, dư nợ tăng hơn 80 tỷ đồng so với đầu năm. Trong quý II-2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiếp tục chỉ đạo các phòng giao dịch thực hiện đồng bộ một số giải pháp xử lý nợ, nâng cao chất lượng tín dụng, kiên quyết không để nợ quá hạn tăng so với đầu năm”.

 

SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.