Nhiều người bị đục thủy tinh thể đến Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh điều trị khi cườm đã quá cứng. Khi đó, ca mổ thường rất khó, dễ gây ra các biến chứng.
Kiểm tra mắt ở Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh |
Mới đây, bốn người dân ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An đều có mắt phải không nhìn thấy gì sau khi mổ đục thủy tinh thể tại Bệnh viện Q.10. Tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh, cả bốn người bệnh này đã được khám lại, các bác sĩ cho biết họ đều bị phù giác mạc kéo dài hơn so với các ca mổ thông thường. Lý do có thể do cườm để quá lâu.
Mổ 200 ca mỗi ngày
ThS.BS Phí Duy Tiến-Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt, cho biết tại Việt Nam đục thủy tinh thể là một bệnh có tỉ lệ dân số mắc cao, khoảng 1,3% dân số. Trong tất cả nguyên nhân gây mù thì bệnh đục thủy tinh thể chiếm đến 65% .
Hiện trung bình mỗi ngày Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh mổ cho khoảng 200 người bị đục thủy tinh thể, trong đó có tới 20% số người bệnh để cườm quá cứng. Số bệnh nhân bị đục thủy tinh thể đến khám, điều trị tại Bệnh viện Mắt có xu hướng tăng lên.
Đục thủy tinh thể là bệnh bởi quá trình lão hóa của cơ thể giống như người tóc bạc sớm, bạc trễ. Do vậy, những người trên 50 tuổi đều có nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
Tùy theo thể loại đục thủy tinh thể mà mắt sẽ mờ nhanh hay lâu. Những người bị đục thủy tinh thể đồng nhất mắt chỉ mờ dần, ra ngoài nắng người bệnh không thấy chói mắt, thậm chí thị lực vẫn còn cao nhưng khi mổ cườm đã đến giai đoạn quá già.
Những trường hợp này bác sĩ thuyết phục mổ khó vì người bệnh cho rằng mắt họ vẫn nhìn thấy. Còn những trường hợp đục thủy tinh thể không đồng nhất thì mắt sẽ mờ đi rất nhanh, ra ngoài trời nắng không chạy xe được, mắt rất khó chịu. Những trường hợp này người bệnh dễ phát hiện và thường được mổ sớm hơn.
Mổ sớm, tránh biến chứng
Khi người bệnh bị đục thủy tinh thể, thể thủy tinh sẽ ngày càng đục đi. Khi thể thủy tinh quá chín sẽ mất chức năng và trở thành vật lạ cơ thể. Lúc đó, cơ thể sẽ tấn công “vật lạ” gây viêm màng bồ đào, chưa kể trong quá trình thể thủy tinh quá chín sẽ bị ngấm nước phồng lên, gây mất chức năng, không điều tiết được thể dịch nữa, gây tăng nhãn áp (bệnh cườm nước), người bệnh sẽ bị đau nhức đầu dữ dội.
Khi đã bị biến chứng sang cườm nước sẽ ảnh hưởng đến thần kinh mắt, thần kinh mắt sẽ teo không hồi phục. Dù bác sĩ có phẫu thuật tốt đến thế nào thì thị lực phục hồi kém, thậm chí không thể nhìn thấy. Do vậy, nên mổ càng sớm càng tốt để tránh được các biến chứng.
Nhiều người bệnh cho rằng khi nào mắt không thấy đường nữa sẽ đi mổ, nhưng đến lúc này mới mổ thì sẽ trở thành một ca mổ khó vì rất dễ xảy ra tai biến trong lúc mổ. Khi cườm quá cứng trong mắt sẽ có những phản ứng viêm, đồng tử bị dính lại, mắt thoái hóa, môi trường trong suốt bị đục hết nhìn không rõ, mổ rất khó vì dễ va đập đến các vùng xung quanh.
Hơn 20 năm về trước, do thiếu phương tiện nên nhiều ca mổ đục thủy tinh thể gặp nhiều biến chứng. Những ngày đó, các bác sĩ phải đợi người bệnh cườm chín mới mổ vì hiệu quả sau mổ không cải thiện nhiều.
Thế nhưng, ngày nay nếu người bệnh được mổ sớm, thị lực có thể hồi phục hoàn toàn, thậm chí còn giải quyết được những khiếm khuyết bẩm sinh của mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị qua mổ phaco.
Theo BS Phí Duy Tiến, những người trên 50 tuổi dù mắt chưa có vấn đề gì cũng nên đi khám mắt định kỳ 1 năm/lần vì không chỉ để phát hiện bệnh đục thủy tinh thể mà còn nhiều
bệnh khác.
Theo Tuoitre
Triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể Dinh dưỡng tốt hạn chế đục thủy tinh thể |