Nặng lòng với nghề thêu truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những nghệ nhân thêu giỏi đã có tuổi, trong khi thế hệ trẻ hầu như chẳng mặn mà với nghề truyền thống. Điều này khiến người trong nghề không khỏi trăn trở.
Tại TP. Pleiku, những người gắn bó với nghề thêu tay truyền thống hiện còn khá ít và đa phần đều là người gốc Huế. Chính tình yêu, niềm đam mê với nghề đã giúp họ bền bỉ ngày qua ngày ngồi hàng giờ bên khung thêu, tỉ mẩn tạo nên những đường nét, hoa văn tinh xảo.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm tranh thêu tay trên đất cố đô, từ nhỏ, chị Từ Thị Thu Thủy-chủ cơ sở tranh thêu tay Trâm Anh (42 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) đã được học thêu bài bản từ những người thợ lành nghề. Sau 6 tháng, chị đã có thể phụ việc cho xưởng tranh của gia đình với những chi tiết thêu đơn giản; đồng thời tiếp tục trau dồi kỹ năng của mình để có thể hoàn thiện những bức tranh phức tạp hơn. Năm 2001, chị Thủy theo chồng lên Pleiku sinh sống nhưng vẫn tiếp tục giữ nghề. Chị thêu tranh, đóng khung và ký gửi bán tại các tiệm tranh trên địa bàn Phố núi. Vì từng theo học hội họa nên chị Thủy có thể vẽ và phối màu cho tranh thêu một cách mượt mà, sống động, tinh xảo. Vì thế, tranh của chị lấy được cảm tình của khá nhiều khách hàng thời điểm bấy giờ.
Những người yêu nghề luôn lo lắng nghề thêu truyền thống sẽ dần bị mai một theo thời gian. Ảnh: Mộc Trà
Những người yêu nghề luôn lo lắng nghề thêu truyền thống sẽ dần bị mai một theo thời gian. Ảnh: Mộc Trà
“Ngoài niềm yêu thích, sự kiên nhẫn, cần mẫn, nghề thêu còn đòi hỏi người thợ phải có chút năng khiếu và con mắt nghệ sĩ mới có thể phối màu để tạo nên một bức tranh lung linh, có hồn. Mỗi người thợ lại có một thế mạnh và sự sáng tạo khác nhau nên tranh thêu tay không bức nào giống bức nào, cho dù có được tạo ra từ cùng một mẫu vẽ đi chăng nữa. Để hoàn thiện một bức tranh thêu tay mất khá nhiều thời gian, có bức vài ngày nhưng có bức phải vài tháng nên giá thành cũng khá cao so với thêu máy, dao động từ 400 ngàn đồng đến 80 triệu đồng/tranh”-chị Thủy cho hay.
Năm 2009, chị Thủy quyết định mở một cửa hàng tranh thêu tay của riêng mình nhưng vẫn lấy tên “Trâm Anh”-thương hiệu của gia đình ở Huế. Từ đó đến nay, chị Thủy vừa thêu tranh bán, vừa đào tạo kỹ năng thêu cho những ai đam mê và cả một số người khiếm khuyết muốn có nghề nuôi thân. Bà Hồ Thị Liên (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “So với các loại tranh thêu khác, tôi thấy tranh thêu tay truyền thống đặc biệt giá trị và mang tính nghệ thuật cao. Mỗi khi đi ngang cửa hàng tranh thêu Trâm Anh, tôi đều dừng lại ngắm nghía thật lâu cho thỏa mắt vì chúng quá sắc nét. Không chỉ dùng để trang trí nhà cửa, nơi làm việc, chúng tôi còn mua tranh thêu này để làm quà tặng cho bạn bè, đối tác trong công việc”. 
Không phải là “con nhà nòi” trong ngành thêu như chị Thủy, song bà Võ Thị Liên (SN 1968, trú tại 10D/9 Quang Trung, TP. Pleiku) cũng đã được đào tạo thêu căn bản tại Hợp tác xã thêu huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế) từ khi mới là cô bé học tiểu học. Và đến giờ, sau mấy chục năm, người phụ nữ gốc Huế này vẫn giữ vẹn niềm đam mê với nghề thêu truyền thống. Bà Liên hồi tưởng: “Khi đó, tôi cùng chị gái vừa học phổ thông vừa tranh thủ học thêu miễn phí tại hợp tác xã. Sau 3 tháng học thêu căn bản, tôi được phân công thêu sản phẩm ga trải giường để xuất khẩu sang Liên Xô. Cuối tháng, mỗi người sẽ được trả công bằng 2 thúng lúa. Cứ thế, tôi vừa học vừa làm tại hợp tác xã hơn 3 năm”.
Năm 1985, bà Liên chuyển đến Krông Pa theo người thân và làm một công việc khác, song chưa bao giờ bà từ bỏ nghề thêu. Đến khi lập gia đình, với lợi thế có chồng là họa sĩ, bà Liên nắm bắt cơ hội và không ngừng phát huy sở trường của mình. “Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thêu áo gối uyên ương cho đám cưới khá thịnh hành nên nghề thêu của tôi gần như mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Mẫu mã chủ yếu là rồng-phụng, đôi chim bồ câu, trái tim kèm theo chữ lồng tên cô dâu-chú rể. Giá trung bình cho mỗi cặp áo gối khoảng 100 ngàn đồng, bao gồm cả tiền vải, công may và thêu”-bà Liên nhớ lại.
Bà Hồ Thị Liên bên bức tranh thêu tay của mình. Ảnh: M.T
Bà Võ Thị Liên bên bức tranh thêu tay của mình. Ảnh: M.T

Chị Từ Thị Thu Thủy-chủ cơ sở tranh thêu tay Trâm Anh: “Người giỏi nghề rồi cũng sẽ già đi nhưng lại không có sự tiếp nối từ những thế hệ kế cận. Có người làm nghề rồi vẫn bỏ nghề vì gánh nặng cơm áo. Vì thế, có nhiều bức tranh tôi quyết định đem cất đi để làm kỷ niệm vì biết rằng, nếu bán đi rồi sẽ không thể có được bức thứ 2 giống vậy. Mặt khác, trong xã hội hiện đại, ngành thêu công nghiệp cũng ngày một thịnh hành và được ưa chuộng. Có lẽ, nghề thêu thủ công của chúng tôi sớm muộn cũng sẽ mai một theo thời gian”.

Từ khi lên Pleiku sinh sống vào cuối năm 2009, vì tuổi cao, mắt kém nên bà Liên không còn thêu áo gối uyên ương nữa mà chỉ nhận thêu trang phục như váy, vest, áo dài với số lượng giới hạn và thỉnh thoảng thêu thêm tranh để bán cho thỏa nỗi nhớ nghề. Bà cũng học thêm cách thêu “lắc tay” (có sự hỗ trợ của máy đạp chân-N.V) để đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Theo bà Liên, thêu bằng máy tiết kiệm khá nhiều thời gian nhưng độ tinh xảo thua xa thêu tay, vì vậy, giá bán cũng rẻ hơn 3-5 lần.
Bà Trương Thị Trọng Châu-chủ tiệm may Châu (tổ 6, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho hay: “Bộ trang phục khi thêu thêm một vài họa tiết hài hòa sẽ tạo được nét chấm phá, vừa tránh đơn điệu vừa tăng độ sang trọng cho người mặc. Nhiều khách hàng của tôi cũng rất ưa chuộng phong cách này nên khi đến may đầm hay vest thường yêu cầu thêu thêm họa tiết. Ở Pleiku hiện nay còn rất ít người giữ nghề thêu và thêu tay đẹp. Chị Liên là một trong những người mà tôi tin tưởng hợp tác lâu dài”.
Nhiều nghệ nhân vẫn bền bỉ gắn bó với nghề thêu truyền thống còn bởi mong muốn truyền nghề cho lớp trẻ. Thế nhưng, đa số họ đều “lực bất tòng tâm” khi mà thế hệ trẻ, trong đó có con cháu mình không muốn sống với nghề; phần không đủ kiên nhẫn, phần cũng do nghề thêu mang lại thu nhập bấp bênh, thị trường thiếu ổn định.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.