Muốn mua lại 3 ngân hàng 0 đồng, "ông lớn" VietinBank dự kiến thoái vốn loạt công ty con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

VNDirect vừa tường thuật cuộc họp giữa ban lãnh đạo VietinBank và chuyên viên phân tích. Lãnh đạo VietinBank đã chia sẻ mục tiêu muốn mua lại các ngân hàng 0 đồng gồm CBBank, GP Bank và Ocean Bank; đồng thời dự kiến thoái vốn ở loạt công ty con…

Muốn mua lại 3 ngân hàng 0 đồng, thoái vốn để tập trung nguồn lực

Cụ thể, theo chia sẻ của VNDirect, các ngân hàng mà VietinBank có mục tiêu mua lại chính là nhóm ngân hàng 0 đồng được Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần gồm CBBank, GPBank và OceanBank. Tuy nhiên, ban lãnh đạo VietinBank không chia sẻ kỹ hơn về mục tiêu này.

Bộ 3 ngân hàng 0 đồng kể trên từng được NHNN mua lại bắt buộc trong giai đoạn tháng 2-7/2015 với lý do lỗ lũy kế quá lớn, vốn chủ sở hữu âm hàng nghìn tỷ đồng và không thể tự tái cơ cấu.


 

Khách hàng giao dịch tại VietinBank - Ảnh: Vietinbank
Khách hàng giao dịch tại VietinBank - Ảnh: Vietinbank


Ngoài mục tiêu mua lại các ngân hàng 0 đồng kể trên, lãnh đạo VietinBank cho biết ngân hàng đang có kế hoạch thoái vốn tại 3 công ty con bao gồm: Công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing; Công ty Chứng khoán VietinBank; và Công ty quản lý quỹ VietinBank Capital.

Cụ thể, với Công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing, HĐQT VietinBank đã chấp thuận kế hoạch bán 50% vốn, trong đó 49% cho đối tác Nhật - Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance - và 1% cho nhà đầu tư trong nước. Hiện tại, hồ sơ của thương vụ thoái vốn này đang chờ NHNN phê duyệt và kỳ vọng sẽ hoàn thành và ghi nhận trong năm 2021.

Với Công ty Chứng khoán VietinBank, ngân hàng này có kế hoạch chuyển nhượng 25,6% vốn điều lệ trong tương lai (giảm sở hữu từ 75,6% xuống 50%), ngay khi ngân hàng tìm được đối tác.

Với VietinBank Capital, ngân hàng đang cân nhắc kế hoạch thoái vốn từ 950 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng tại đây.

Ngoài ra, VietinBank cũng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng trụ sở VietinBank Tower. Đây là dự án được xây dựng với diện tích gần 30.000 m2, bao gồm 2 tòa nhà 48 và 68 tầng tại Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.267 tỷ đồng, khởi công năm 2010 và hoàn thành năm 2014. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chậm tiến độ.


 

Diễn biến giá cổ phiếu CTG của VietinBank - Ảnh: VNDirect
Diễn biến giá cổ phiếu CTG của VietinBank - Ảnh: VNDirect


Cũng tại cuộc họp với các nhà đầu tư và chuyên viên phân tích, ban lãnh đạo VietinBank cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như giảm lãi suất cho vay 1-1,5 điểm % với các khoản vay hiện hữu hoặc cho vay mới. Đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi thanh toán quốc tế, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các khoản vay thanh toán trước hạn… với tổng chi phí ước tính cho các chính sách hỗ trợ này vào khoảng 6.000 tỷ đồng đến hết năm nay.

Ngân hàng cũng dự kiến ghi nhận thu nhập từ phân phối bảo hiểm độc quyền vào nửa cuối năm hoặc quý đầu tiên năm 2022 khi Manulife hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Tăng trưởng mạnh nhất trong các NHTM Nhà nước trong 6 tháng đầu năm

Tại VietinBank, tăng trưởng tín dụng cuối quý 2/2021 tăng 5,1% so với đầu năm, nhờ cho vay tăng 5,5% so với đầu năm và tăng 13,9% so với cùng kỳ. Theo đó, nhà băng này dự định đề xuất Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 7,5% ban đầu.

Chi phí vốn (COF) 6 tháng đầu năm giảm 129 điểm cơ bản về 3,2%, do cắt giảm lãi suất từ 90-120 điểm cơ bản so với cùng kỳ ở tất cả các kỳ hạn. Tỷ suất tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 17,9% tại cuối quý 2/2021 từ mức 15,7% tại cuối quý 2/2020. NIM đạt mức kỷ lục 3,16% trong 6 tháng đầu năm. Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm tăng 44,8% so với cùng kỳ, đạt 8.668 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) cuối quý 2/2021 tại VietinBank lên tới 1,34% so với mức 0,88% của quý 1 và 0,94% tại cuối quý 4/2020. Đáng chú ý, nợ xấu nhóm 5 tăng 106% so với cùng kỳ và 119% so với quý trước do ngân hàng thực hiện việc phân loại nợ một cách chặt chẽ hơn.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm về 129% tại cuối quý 2/2021, từ mức 155,4% tại cuối quý 1/2021 và 132% tại cuối quý 4/20. Tỷ lệ xóa nợ xấu giảm còn 0,4% trong 6 tháng đầu năm, từ mức 0,9% trong 6 tháng/2020 và 0,7% trong năm 2020.

Tuy nhiên, tính hết quý 2/2021, do chi phí dự phòng tăng mạnh 221,9% so với cùng kỳ, đạt 7.106 tỷ đồng, đây là ảnh hưởng của việc VietinBank tăng cường trích lập dự phòng để tái cơ cấu nợ theo Thông tư 03, kéo theo đó lợi nhuận ròng trong quý 2 giảm 38,2% so với cùng chỉ, xuống chỉ còn 2.206 tỷ đồng.

https://danviet.vn/muon-mua-lai-3-ngan-hang-0-dong-ong-lon-vietinbank-du-kien-thoai-von-loat-cong-ty-con-20210821125146992.htm
 

Theo Quốc Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.