(GLO)- Theo trình bày của các nguyên đơn Phạm Thị Hương, Phạm Thị Yến, Nguyễn Thị Dung, Ngô Thị Luận: Ngày 3-5-2010, các nguyên đơn đã thỏa thuận bằng miệng bán 9 bao (563 kg) hạt tiêu khô cho bà Diệp Thị Thúy (người cùng ở thôn 2, xã Ia Blang, huyện Chư Sê với các nguyên đơn), nhưng sau đó lại thỏa thuận bán cho bà Lê Thị Tá (ở thôn 3, xã Ia Blang).
Ngày 4-5-2010, bà Tá thuê ông Bùi Ngọc Tuấn đến nhà Phạm Thị Hương bốc vác 9 bao tiêu này lên xe ôtô do ông Đỗ Văn Hùng điều khiển ra thị trấn Chư Sê bán cho Công ty Maxeco. Số hạt tiêu nêu trên là của các nguyên đơn mua lại của bà Lê Thị Sự và để tại nhà bà Hương. Khi bốc 9 bao hạt tiêu lên xe ôtô có mặt bà Thúy và bà Phạm Thị An (người cùng xã Ia Blang).
Các đương sự trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: H.M |
Trái lại những lời trình bày nêu trên, bà Tá một mực không thừa nhận sự thỏa thuận mua bán hạt tiêu với các nguyên đơn, chỉ thừa nhận hôm đó có thuê ông Tuấn và ông Hùng vận chuyển 9 bao tiêu từ nhà bà Hương đưa đi bán, nhưng số tiêu này là của bà Thúy. Thời điểm đó, trước mặt các nguyên đơn và bà An, bà Thúy nói là nhờ bà Tá chở 9 bao hạt tiêu đi bán dùm. Bán xong số hạt tiêu kể trên, bà Tá đã mang tiền về trả đầy đủ cho bà Thúy. Sau một thời gian, các nguyên đơn tìm đến nhà bà Tá đòi tiền 9 bao hạt tiêu này. Để xác thực vụ việc, bà Tá nhiều lần đi tìm nhưng không gặp bà Thúy. Sau đó, bà Tá bị các nguyên đơn khởi kiện ra Tòa đòi lại số hạt tiêu nêu trên.
Bản án sơ thẩm số 01/2011/KDTM-ST ngày 9-6-2011 của Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Chư Sê và Bản án phúc thẩm số 05/2011/KDTM-PT ngày 28-10-2011(sau đây gọi tắt là Bản án số 5) của TAND tỉnh đều quyết định: Buộc bà Tá phải có nghĩa vụ trả cho các bà: Hương, Yến, Dung, Luận 9 bao (563 kg) hạt tiêu và nộp án phí.
Ngay sau khi mỗi cấp Tòa tuyên án, bà Tá đã thực hiện quyền kháng cáo, khiếu nại trực tiếp đến các cấp có thẩm quyền. Sau khi tiếp nhận, xem xét đơn khiếu nại của bà Tá và nghiên cứu kỹ các văn bản có trong hồ sơ của vụ án này, TAND tối cao xét thấy: Rất nhiều lời khai của các đương sự, của những người làm chứng có nhiều nội dung mâu thuẫn, không rõ ràng, thiếu giá trị pháp lý, cụ thể nhất là: “Hai bên không có hợp đồng mua bán tiêu bằng văn bản”. Các nguyên đơn không hề có tài liệu nào chứng minh việc mua bán tiêu với bà Tá…
Trong khi đó, theo Biên bản xác minh (tại UBND xã Ia Blang, huyện Chư Sê) ngày 20-9-2010 của TAND huyện Chư Sê thì vào thời điểm thụ lý giải quyết vụ án này, TAND huyện Chư Sê đã biết bà Thúy đang bị tạm giam tại Công an TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak), nhưng các cấp Tòa đã không đi xác minh, lấy lời khai của bà Thúy. Đây là sai lầm nghiêm trọng của cả 2 cấp Tòa, dẫn đến giải quyết vụ án thiếu căn cứ rất cơ bản.
Ngày 2-12-2013, Phó Chánh án TAND tối cao-ông Tưởng Duy Lượng đã ký Quyết định kháng nghị số 75 “Đối với Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 05/2011/KDTM-PT ngày 28-10-2011 của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai”. Theo đó, TAND tối cao quyết định: Kháng nghị Bản án số 5 của TAND tỉnh Gia Lai. Đề nghị Tòa Kinh tế TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án số 5 của TAND tỉnh Gia Lai và Bản án số 01 ngày 9-6-2011 của TAND huyện Chư Sê. Giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho TAND huyện Chư Sê xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành Bản án số 5 của TAND tỉnh Gia Lai cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Tòa Kinh tế TAND tối cao.
Ngày 31-7-2014, Tòa Kinh tế TAND tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 33 “Về việc tranh chấp về hợp đồng mua hàng hóa”. Theo đó, TAND tối cao quyết định: Hủy Bản án số 5 của TAND tỉnh Gia Lai và Bản án số 01 ngày 9-6-2011 của TAND huyện Chư Sê về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các nguyên đơn bà Hương, bà Yến, bà Dung và bà Luận với bị đơn là bà Tá. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Chư Sê giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 2-3-2015, TAND huyện Chư Sê ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án này. Ngày 5-3-2015, bà Tá lại có đơn kháng cáo đề nghị TAND tỉnh hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 01 ngày 2-3-2015 của TAND huyện Chư Sê và giao nộp lại hồ sơ vụ án cho TAND huyện Chư Sê tiếp tục giải quyết lại. Mới đây, dưới sự Chủ tọa của Thẩm phán Võ Đình Sớm, TAND tỉnh quyết định: “Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án”.
Lý do TAND tỉnh tuyên hủy quyết định nêu trên là các nguyên đơn đã có đơn xin rút đơn khởi kiện, nhưng TAND huyện Chư Sê không thông báo hoặc lấy lời khai và giải thích quyền nghĩa vụ cho bà Tá biết là không đúng với các quy định của pháp luật. Thêm vào đó là sau khi thụ lý lại vụ án, TAND huyện Chư Sê không đưa Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Chư Sê vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng...
Như vậy là từ một vụ án tranh chấp hợp đồng mua hàng hóa bằng miệng, không có hợp đồng mua bán hạt tiêu bằng văn bản mà các cấp Tòa ở tỉnh Gia Lai đã nhiều lần đưa ra giải quyết và đã 2 lần bị tuyên hủy 3 kết quả xét xử (2 bản án và một quyết định). Qua vụ việc này xem ra uy tín và chất lượng xét xử của các cấp Tòa ở tỉnh Gia Lai còn nhiều hạn chế, nhất là trong khi thực hiện cải cách tư pháp như hiện nay.
Hoàng Minh